Quy định mới nhất về phí cấp Giấy phép khai thác khoáng sản
(TN&MT)- Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản. Theo đó, từ 21/3/2024, mức thu lệ phí cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cao nhất là 100 triệu đồng.
Tổ chức thu phí được để lại 70% số tiền phí thu được
Theo Thông tư số 10/2024/TT-BTC, đối tượng phải nộp lệ phí gồm: Tổ chức, cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản; Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt trữ lượng khoáng sản cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trữ lượng báo cáo thăm dò khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Còn tổ chức thu lệ phí là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trữ lượng báo cáo thăm dò khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Về quản lý và sử dụng phí, Thông tư 10/2024/TT-BTC quy định, tổ chức thu phí được để lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định và nộp 30% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì nộp toàn bộ tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Mức thu phí, lệ phí
Theo Thông tư 10/2024/TT-BTC, mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với hoạt động thăm dò như sau: Diện tích thăm dò nhỏ hơn 100 hec-ta (ha), mức thu là 4 triệu; Diện tích thăm dò từ 100 ha đến 50.000 ha, mức thu là 10 triệu; Diện tích thăm dò trên 50.000 ha, mức thu là 15 triệu.
Đối với mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng suối, với công suất khai thác dưới 5.000 m3/năm là 1 triệu đồng; Công suất khai thác từ 5.000 m3 đến 10.000 m3/năm là 10 triệu; Công suất khai thác trên 10.000 m3/năm là 15 triệu.
Đặc biệt, giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có diện tích dưới 10 ha và công suất khai thác dưới 100.000 m3/năm là 15 triệu; Giấy phép khai thác khoáng sản quý hiếm là 80 triệu; Giấy phép khai thác khoáng sản đặc biệt và độc hại là 100 triệu.
Theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP, khoáng sản độc hại là loại khoáng sản có chứa một trong các nguyên tố Thủy ngân, Arsen, Uran, Thori, nhóm khoáng vật Asbet mà khi khai thác, sử dụng phát tán ra môi trường những chất phóng xạ hoặc độc hại vượt mức quy định của quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.
Và, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm điều tra, đánh giá, xác định mức độ ảnh hưởng và các khu vực bị ảnh hưởng, tác động bởi khoáng sản độc hại; đề xuất các giải pháp phòng ngừa tác động của khoáng sản độc hại đến môi trường khu vực và người dân địa phương nơi có khoáng sản độc hại; thông báo và bàn giao tài liệu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản độc hại.