Biến đổi khí hậu

ĐBSCL: Chủ động ứng phó hạn, mặn

Lê Hùng - Thanh Bạch 05/03/2024 - 14:26

(TN&MT) - Từ cuối năm 2023 đến nay, tình trạng nắng nóng diễn ra trên diện rộng khiến cho mực nước ở các sông, kênh rạch xuống thấp, cùng với đó nước mặn theo các đợt triều cường từ biển Đông và biển Tây xâm nhập vào địa bàn các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với xu thế tăng dần đã ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

a-bdkh(1).jpg
Các địa phương vùng ĐBSCL đang cắt cử lực lượng túc trực đóng các cống ngăn mặn tiến sâu vào nội đồng nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân

Nồng độ mặn tăng dần

Trước tình hình đó, các địa phương như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng thiếu nước, mặn xâm nhập, bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, trồng trọt cho người dân

Cụ thể, vào giữa tháng 02/2024, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã xuất hiện đợt xâm nhập mặn có phạm vi rộng và kéo dài khoảng một tuần với nồng độ mặn đo được 4‰, cách cửa sông lớn từ 44 - 53 km. Hiện nay, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính trong tỉnh Bến Tre cũng đang tăng lên trong các ngày từ 23 đến 29/2 với độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 55km, còn độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 56 - 67km.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre, đến thời điểm hiện tại, nông dân địa phương đã gieo xạ 7.730 ha lúa Đông Xuân muộn - vụ 3, tập trung hầu hết ở 2 huyện Ba Tri và Giồng Trôm, trong đó, diện tích lúa đã chín chiếm đa số với khoảng 4.800 ha…

Còn tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, hiện nay, gió chướng đang thổi mạnh, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn này cũng đang diễn biến phức tạp, độ mặn ở hầu hết các sông, kênh rạch đang tăng dần và có nguy cơ uy hiếp vùng trồng cây ăn trái ven sông Tiền.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, hiện tại, tình trạng xâm nhập mặn đã lấn sâu vào nội đồng do những ngày qua gió chướng hoạt động mạnh kết hợp với triều cường. Trước diễn biến trên, tất cả các cống ngăn mặn tại vùng của dự án ngọt hóa Gò Công, Bảo Định, Phú Thạnh, Phú Đông đều phải đóng lại nhằm ngăn mặn.

a3-dbscl.jpg
Các cơ quan chức năng vùng ĐBSCL đang thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn trên các sông, kênh rạch để kịp thời thông báo cho người dân chủ động ứng phó

Theo số liệu quan trắc của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang ngày 1/3, nồng độ mặn đo được tại Ngã ba sông Nước Trong, kênh Lầu (TP. Vị Thanh) dao động từ 1.8 đến 2.2‰; tại khu vực sông Ngan Dừa, cống Hóc Bó (huyện Long Mỹ) độ mặn dao động từ 3.6 đến 3.8‰. Song, chỉ sau 3 ngày, độ mặn tại những khu vực này đang tăng cao. Cụ thể, tại khu vực kênh Lầu, Ngã ba sông Nước Trong độ mặn tăng lên từ 5.7 đến 6.2‰; tại cống Hóc Bó 9.5‰... Theo dự báo, vào những ngày giữa và cuối tháng 3/2024 nước mặn sẽ tiến sâu vào địa bàn tỉnh Hậu Giang và độ mặn sẽ tiếp tục tăng.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, ông Phạm Tấn Đạo, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hiện nay, tại khu vực cửa cống đầu nguồn vào khu vực Long Phú - Tiếp Nhật, độ mặn đo được từ 3 đến 4‰; phạm vi mặn xâm nhập cách cửa cống ngăn mặn từ 50 - 55 km; đồng thời, nước mặn từ biển Đông, hướng từ huyện Trần Đề theo các đợt triều cường cũng đã tiến vào sông Hậu với chiều dài khoảng 30km, nồng độ mặn có thời điểm đo được khoảng 4 ‰.

a5-bdkh.jpg
Hầu hiết người dân vùng ĐBSCL đã thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng không gieo xạ vụ Đông Xuân muộn mà đang cải tạo đất để chuyển sang trồng cây màu

Thiệt hại không lớn

Mặc dù tình hình nắng nóng kéo dài đang làm cho mực nước tại các sông, kênh rạch xuống thấp, mặn từ biển Đông tiến sâu vào nội đồng, đến nay, tỉnh Sóc Trăng vẫn đảm bảo đủ nguồn nước để phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nước tưới cho vùng chuyên canh cây ăn trái thuộc các huyện Kế Sách, Long Phú, Châu Thành. Đối với vụ Đông Xuân muộn, phần lớn người dân đã thực hiện theo khuyến cáo không gieo xạ của ngành chức năng.

Tuy nhiên, do giá lúa cao, có thời điểm hơn 10.000đ/kg nên nhiều người dân vẫn xuống giống vụ Đông Xuân muộn với tổng diện tích gần 5.000ha, trong đó, tập trung ở các huyện Long Phú, Trần Đề. Qua theo dõi thì hiện nay có gần 100 ha của người dân ở các huyện Long Phú, Trần Đề,... có dấu hiệu bị vàng lá do nhiễm mặn, diện tích còn lại đang sinh trưởng tốt và bước vào giai đoạn trổ đồng.

Ông Lâm Trường Giang (xã Trường Khánh, huyện Long Phú) chia sẻ: "Sau khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân, nhiều hộ dân sợ thiếu nước, mặn xâm nhập nên để đất trống, còn tôi vẫn cải tạo lại 24 công đất để gieo xạ lúa vụ Đông Xuân muộn. Do phần đất có hệ thống bờ bao, mương tích trữ nước ngọt; tôi còn trang bị máy bơm, thiết bị đo nồng độ mặn nên không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Hiện nay, 24 công lúa của tôi không có dấu hiệu bị ảnh hưởng mặn, đang phát triển xanh tốt và chỉ khoảng một tuần nữa là trổ đòng”.

a3-bdkh.jpg
Phần lớn diện tích Đông Xuân muộn của người dân vùng ĐBSCL đang sinh trưởng tốt

Qua ghi nhận thực tế cho thấy, đối với tỉnh Hậu Giang, sau khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân, nhiều hộ dân địa phương cũng đã cải tạo lại đất và gieo xạ vụ Đông Xuân muộn với tổng diện tích khoảng 8.000 ha. Hiện nay phần lớn diện tích lúa Đông Xuân muộn đang trong giai đoạn trổ đòng hoặc nằm trong các vùng có hệ thống bờ bao khép kín, nguồn nước đảm bảo cho quá trình sinh trưởng.

Bên cạnh đó, mặc dù nồng độ mặn ở một số tuyến sông, rạch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang tăng cao, song do chính quyền và người dân đã chủ động thực hiện các giải pháp nên cho đến thời điểm này hạn, mặn chưa gây ra thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, còn về nguồn nước sinh hoạt vẫn đảm bảo đủ cung cấp cho người dân thông qua hệ thống cấp nước sạch đã đầu tư đến các xã, ấp.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, đến thời điểm hiện tại, tỉnh có tổng diện tích lúa Đông Xuân muộn là 7.730 ha, tập trung ở các địa phương như Ba Tri là 7.500 ha và huyện Giồng Trôm là 230 ha. Trong đó, giai đoạn đẻ nhánh 80 ha; làm đòng 645 ha; trổ 205 ha; chín 4.800; thu hoạch 2.000 ha. Ghi nhận của phóng viên cho đến thời điểm này, tình hình sản xuất ổn định, chưa có dấu hiệu ảnh hưởng do nguồn nước bị xâm nhập mặn.

a4-bdkh.jpg
Nhiều người dân tự trang bị dụng cụ đo độ mặn trước khi lấy nước vào mương, ruộng phụ vụ cho sản xuất

Giải pháp phù hợp

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, trong thời gian tới, nồng độ mặn trên sông, kênh rạch tại các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục tăng cao vào tháng 3 và đầu tháng 4/2024; phạm vi xâm nhập mặn trên sông Hậu từ 40 đến 48km; sông Cái Lớn từ 30 đến 40km...

Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã có văn bản yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thường xuyên phối hợp, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, độ mặn tại các cửa sông chính để kịp thời kiểm soát mặn xâm nhập từ biển Đông và biển Tây vào địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra nắm số hộ dân bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số,... để kịp thời thực hiện giải pháp hỗ trợ phù hợp với thực tế tại vùng bị hạn, mặn xâm nhập, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

a7-bdkh.jpg
Từ đầu năm 2024 đến nay hàng ngàn diện tích đất trồng lúa của người dân vùng ĐBSCL đã chuyển qua trồng cây màu để thích ứng với hạn, mặn

Tại Bến Tre, ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Hiện tại, các ngành, các cấp đang tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các phương án phòng, chống xâm nhập mặn; tổ chức vận hành các công trình thủy lợi linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình thực tế; khẩn trương hoàn thiện các giải pháp công trình tạm ngăn mặn, tích trữ tối đa nguồn nước ngọt trong các sông, kênh rạch nội đồng trước khi bước vào thời kỳ đỉnh điểm xâm nhập mặn.

Đồng thời, tỉnh Bến Tre cũng sẽ triển khai phương án bảo vệ sản xuất nhất là các vùng chuyên trồng cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng; nhân rộng các mô hình hay trong việc trữ nước ngọt, trang bị máy đo mặn để đo kiểm tra độ mặn; sử dụng phương tiện sà lan, ghe, xe... để vận chuyển nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Còn tại TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP. Cần Thơ cho biết: Hiện nay, các ngành chức năng thành phố đang thường xuyên theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, nồng độ mặn ở các sông, kênh rạch nhằm kịp thời cảnh báo giúp người dân chủ động lấy nước tích trữ nước; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát các công trình thủy lợi không để xảy ra các sự cố ảnh hưởng đến sản xuất của người dân địa phương.

ong-danh.jpg
Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre: "Đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân".

Ngoài việc phê duyệt chủ trương thực hiện phương án vận chuyển nước thô bằng sà lan về các nhà máy nước để xử lý, giúp người dân dự trữ, ứng phó trong trường hợp tình trạng xâm nhập mặn kéo dài; UBND tỉnh Bến Tre cũng đã chỉ đạo các ngàng chức năng tăng cường công tác quản lý hoạt động của các nhà máy nước, thực hiện tốt công tác chuẩn bị và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân; thực hiện phương án vận hành các mạng lưới cấp nước đã kết nối, chuyển nước từ các nhà máy có nước ngọt đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao; vận hành hệ thống RO tại các nhà máy nước và thông báo đến người dân để lấy nước phục vụ ăn uống.

ong-dao.jpg
Ông Phạm Tấn Đạo, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Sóc Trăng: "Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn".

Để ứng phó hiệu quả với hạn, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương giám sát nồng độ mặn để thông báo kịp thời đến người dân; tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống bờ bao, đặc biệt là các vùng chuyên canh cây ăn trái; cắt cử lực lượng túc trực đóng các cống ngăn mặn tiến sâu vào nội đồng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân. Đối với người dân địa phương thì cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành chuyên môn, chủ động đo nồng độ mặn trước khi lấy nước vào ruộng, kênh, ao để bảo vệ diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản.

ong-tuan.jpg
PGS. TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên Cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ: "Ưu tiên nguồn nước sinh hoạt cho người dân".

Hiện nay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra trên diện rộng tại vùng ĐBSCL, để thích ứng chính quyền địa phương và người dân trong vùng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp như đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, xác định cụ thể thứ tự ưu tiên đảm bảo nguồn nước. Theo tôi, ưu tiên thứ nhất là đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân; thứ hai là nguồn nước để phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thứ ba là nguồn nước đảm bảo tưới cho các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt, nhãn, vú sữa…; thứ tư mới tới nguồn nước phục vụ sản xuất lúa, rau màu.

ong-dien.jpg
Ông Phan Minh Điền (ấp An Bình, thị Trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng): "Chủ động chuyển đổi để thích ứng".

Mặc dù gia đình tôi ở gần sông Hậu, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, nguồn nước cũng thay đổi thất thường và có năm mặn men theo sông Hậu, xâm nhập vào tới khu vực sản xuất. Để thích ứng với thiếu hụt nguồn nước vào mùa khô, nước mặn xâm nhập, sau khi thu hoạch xong vụ lúa, tôi lên líp 5 công đất trồng dưa hấu, bắp vừa ít sử dụng nước, vừa đảm bảo thu nhập cho gia đình. Với tình hình thời tiết diễn biến khó lường như hiện nay, gia đình tôi dự tính sẽ bỏ cây lúa và chuyển hẳn sang trồng cây màu ngắn ngày để thích ứng với điền kiện tự nhiên.

Lê Hùng - Thanh Bạch