Khoáng sản

Từ phân nhóm đến phân cấp: Chương mới trong công tác quản lý khoáng sản

Mai Đan 05/03/2024 11:45

(TN&MT) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa chỉ đạo Bộ TN&MT lưu ý đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản nhóm IV bao gồm các loại đất, đá chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp cũng như đất đá thải của mỏ để đáp ứng nhu cầu của các dự án giao thông, xây dựng công trình trọng điểm.

5 nội dung xin ý kiến

Nêu bất cập về việc quy định hiện hành không phân nhóm khoáng sản dẫn đến quy trình, thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động khoáng sản là như nhau đối với tất cả các loại, nhóm khoáng sản, Bộ TN&MT đề xuất phân nhóm khoáng sản thành 4 nhóm, quy định tại Điều 7 và mục 4 chương VI của Dự thảo Luật.

Cụ thể, Bộ đề xuất bỏ quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ và nội dung này được gộp chung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm I.

Đối với khoáng sản nhóm IV, không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động khai thác khoáng sản. Với quy định này sẽ cắt giảm được khoảng 90% thời gian và chi phí tuân thủ để thực hiện thủ tục hành chính.

8a.jpg
Huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) quan tâm đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản

Đối với khoáng sản là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; khoáng sản ở khu vực lòng sông, lòng hồ, khu vực biển không phải thực hiện thủ tục lập, phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, Bộ cũng đề nghị phân công, phân cấp cho UBND cấp tỉnh tiếp tục duy trì việc phân cấp quản lý nhà nước về khoáng sản như Luật hiện hành, cụ thể, UBND cấp tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm III, IV; giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nhóm I, II và III; giấy phép khai thác khoáng sản nhóm I và II tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ khoanh định và công bố.

Đồng thời, bổ sung việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh đối với các nội dung: Phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương; Quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Bộ đề xuất Nhà nước đầu tư vốn ngân sách để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn để đấu giá quyền khai thác khoáng sản đem lại hiệu quả cao nhất cho ngân sách Nhà nước quy định tại Điều 52 Dự thảo Luật.

Tiếp đó, Bộ đề xuất bỏ quy định về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Thay vào đó, Bộ TN&MT đề xuất để không giảm thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động khoáng sản, cần tăng thuế suất tại biểu khung thuế suất thuế tài nguyên khoáng sản được quy định trong Luật Thuế tài nguyên.

Ngoài ra, Bộ cũng xin ý kiến Chính phủ về phạm vi điều chỉnh của Luật đối với hoạt động chế biến khoáng sản; quản lý thống nhất, tập trung về quy hoạch.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm

Đại diện Bộ Tư pháp đề nghị đẩy mạnh đấu giá tài nguyên khoáng sản theo tinh thần Nghị quyết 10; làm rõ cơ sở, căn cứ khoa học về việc quản lý đất, đá chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp cũng như đất đá thải của mỏ như khoáng sản nhóm IV; rà soát, bảo đảm tính khả thi trong thực hiện các quy định trong dự thảo Luật, thống nhất, đồng bộ với một số luật liên quan về đầu tư, quy hoạch, đấu giá, đất đai, tài chính...

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, các thủ tục đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản cần thống nhất, đồng bộ với Luật Đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị cần có đầu mối chịu trách nhiệm quản lý thống nhất trong điều tra, thăm dò địa chất, tài nguyên khoáng sản, đồng thời phân định rõ phạm vi, thẩm quyền quản lý của các bộ chuyên ngành về khai thác, chế biến, sử dụng... khoáng sản.

Đối với ý kiến này, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phân cấp để có phương thức quản lý phù hợp đối với khâu điều tra, thăm dò, đánh giá trữ lượng, cấp phép khai thác khoáng sản nguyên khai; còn khâu chế biến, sử dụng, kinh doanh khoáng sản tuân thủ theo các quy định pháp luật khác.

Về phân nhóm khoáng sản có giá trị cao, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng kiến nghị làm rõ nội hàm loại khoáng sản vật liệu xây dựng công nghiệp, thông thường; đơn giản hóa thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Đại diện Bộ NN&PTNT kiến nghị đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định hạn chế hoạt động khai thác khoáng sản đối với khu vực rừng tự nhiên, phòng hộ, đặc dụng thay vì cấm hoàn toàn như Luật Khoáng sản hiện hành.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ TN&MT tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính về tính pháp lý trong quy định về thu tiền cấp quyền khai thác theo sản lượng khai thác thực tế; làm rõ nội hàm các loại khoáng sản chiến lược, giá trị, nhu cầu sử dụng lớn được Nhà nước đầu tư điều tra, thăm dò, đánh giá trữ lượng, cũng như các loại khoáng sản vật liệu xây dựng chủ lực, thông thường; phối hợp với các bộ, ngành rà soát, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật liên quan.

Cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng cần quy định rõ giới hạn về công suất khai thác mỏ theo thiết kế phù hợp với nhu cầu thị trường; thống nhất cơ sở pháp lý về điều kiện thu hồi giấy phép khai thác mỏ, đóng cửa mỏ của pháp luật đầu tư, đất đai, môi trường, nông nghiệp; bổ sung quy định đánh giá tác động, cân nhắc giữa lợi ích bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa, tự nhiên, rừng với trữ lượng, giá trị khoáng sản khai thác; phương án sử dụng hiệu quả đất đá thải trong quá trình khai thác mỏ, nhất là lớp đất có thổ nhưỡng phì nhiêu; làm rõ khái niệm điều chỉnh cục bộ quy hoạch khai thác khoáng sản; xây dựng tiêu chí doanh nghiệp tham gia đấu thầu, đấu giá trong điều tra, thăm dò, khai thác khoáng sản; quan tâm đánh giá đầy đủ giá trị, trữ lượng, phương án khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản đi kèm với khoáng sản chính...

Mai Đan