Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường hỗ trợ các đảo nhỏ chống biến đổi khí hậu
(TN&MT) - Trong bài phát biểu trước Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) tại Saint Vincent và Grenadines mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh cần có thêm kinh phí để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển ở đảo nhỏ (SIDS) chống biến đổi khí hậu.
Ông Guterres đã xem xét dự án “Phòng thủ biển Georgetown” đang giúp quốc gia ở Caribe này chống lại tác động của tình trạng xói mòn bờ biển và nước biển dâng - một trong những tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Mặc dù đánh giá cao dự án này, nhưng ông cho rằng cần phải tăng cường hỗ trợ tài chính hơn.
Ông cho biết: “Người dân ở các quốc gia đang phát triển ở đảo nhỏ đang ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu. Họ không góp phần vào sự nóng lên toàn cầu nhưng chính họ đang phải trả giá”.
Các quốc gia Caribe từ lâu đã kêu gọi trách nhiệm bồi thường khí hậu, chẳng hạn như quỹ "tổn thất và thiệt hại" do các nước giàu hơn chi trả để các quốc gia dễ bị tổn thương tiếp cận nguồn vốn bồi thường thiệt hại do thảm họa khí hậu gây ra.
Các quốc gia Caribe cũng phải đối mặt với tỷ lệ nợ trên GDP cao và đã kêu gọi giảm nợ để các chính phủ không bị buộc phải lựa chọn giữa việc triển khai các dự án ứng phó nhân đạo khẩn cấp và việc trả nợ.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề mà ông sẽ đề cập tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, bên cạnh phản ứng của quốc tế đối với cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng trầm trọng ở Haiti.
Ông nhận định, đây là thời điểm để thừa nhận rằng châu Mỹ Latinh và vùng Caribe đã là nạn nhân của một hệ thống tài chính quốc tế bất công và đặc biệt nhiều người trong số họ là nạn nhân của tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng.
Trước thực tế này, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi: “Chúng ta phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ cộng đồng quốc tế - điều mà chúng ta gọi là công lý khí hậu - đòi hỏi có nguồn tài chính dồi dào hơn với chi phí hợp lý để cho các nước đang phát triển thích ứng và giảm nhẹ thiệt hại của việc biến đối khí hậu, đặc biệt đối với các quốc đảo nhỏ đang phát triển”.
Theo một đánh giá cập nhật của các chuyên gia, dòng tài chính công quốc tế dành cho các nước đang phát triển để chi trả cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu nhỏ hơn 10 - 18 lần so với mức cần thiết. Giới chuyên gia cảnh báo rằng trong bối cảnh thảm họa khí hậu gia tăng, việc có các nguồn tài chính mới và sáng tạo là hết sức khẩn cấp.