Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh làm việc với các đối tác quốc tế về hợp tác phát triển bền vững
(TN&MT) - Sáng 4/3, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã tiếp và làm việc với các đối tác quốc tế trao đổi, hợp tác về tài nguyên môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.
Tại cuộc tiếp và làm việc với Ông Honna Hitoshi - Chủ tịch Tập đoàn Erex - một trong những Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về công nghệ điện sinh khối, hiện mong muốn được triển khai dự án phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư nhà máy điện sinh khối và chuyển đổi các nhà máy điện than sang nhà máy điện sinh khối tại Việt Nam.
Theo Ông Honna Hitoshi, Tập đoàn đã đến Việt Nam và có các cuộc làm việc với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh/ thành phố về tiềm năng phát triển điện sinh khối và khả năng chuyển đổi các nhà máy điện than sang điện sinh khối tại Việt Nam. Tập đoàn nhận thấy Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên sinh khối lớn với trữ lượng khoảng 120 triệu tấn chưa được sử dụng hiệu quả. Tài nguyên quý giá này gồm phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp chuyển đổi. Việc chuyển đổi phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp giúp cho nông nghiệp phục vụ công nghiệp. Chủ tịch Tập đoàn Erex tin tưởng rằng việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sinh khối này góp phần thay đổi nền kinh tế Việt Nam.
Trao đổi với chủ tịch Erex, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá Erex là công ty có kinh nghiệm chuyển đổi nhà máy nhiệt điện than sang nhà máy điện sinh khối tại Nhật Bản với một số sáng kiến như cơ chế cùng đốt nhiên liệu sinh khối cùng với nhiên liệu than để thích ứng với nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng. Vì vậy chiến lược đầu tư của Tập đoàn Erex sẽ phù hợp với điều kiện hiện tại của Việt Nam - một sự phát triển đúng với cam kết quốc tế về phát thải ròng bằng không vào năm 2050 đi kèm ổn định công suất nền phục vụ các hoạt động kinh tế xã hội khác.
Trao đổi thêm với ông Honna Hitoshi , hiện nay cơ chế JCM được đánh giá là một trong các cơ chế cụ thể hóa định hướng của Thỏa Thuận Paris, có nhiều tiềm năng thành cơ chế toàn cầu với mạng lưới các quốc gia tham gia ngày càng tăng. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về triển khai cơ chế JCM trên thế giới và hoàn toàn có thể sử dụng JCM làm công cụ để đạt được các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC, phát triển nền kinh tế các bon thấp.
Những dự án trong cơ chế này cần phải đúng, trúng và tương thích với nhu cầu và điều kiện của mỗi ngành kinh tế Việt Nam, có vậy mới có được lộ trình khả thi, phạm vi bao quát và thu hút được sự tham gia, phối hợp hiệu quả từ các thành phần trong xã hội, từ các Bộ, ban, ngành cho tới ủy ban nhân dân ở các địa phương.
Do đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, các đề xuất, dự án của Tập đoàn Erex cần phải tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo đời sống cho bà con tại địa phương thực hiện dự án, đảm bảo tính bền vững và uy tín cho nhà nước và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và chủ tịch Honna Hitoshi giao các cơ quan chuyên môn của hai bên để xây dựng các chương trình phối hợp. Hai bên tin tưởng rằng sau cuộc gặp ngày hôm nay, Tập đoàn Erex và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có thêm nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai quốc gia Việt - Nhật, đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
*** Trong sáng 4/3, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã có buổi tiếp và làm việc với ông Kees van Baar, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và Đại sứ cùng nhau trao đổi về chương trình hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới dựa trên những mục tiêu, điều kiện của Việt Nam và Hà Lan.
Cũng tại cuộc làm việc, thông tin về sự kiện Nhà vua và Hoàng hậu Hà Lan dự kiến sẽ thăm chính thức Việt Nam trong một vài ngày tới (18-22/3/2024). Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và Đại sứ Kees van Baar tin tưởng rằng chuyến thăm quan trọng này của Nhà vua và Hoàng hậu sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Hà Lan, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt hợp tác về tài nguyên và môi trường.
Thông qua chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng Hậu, Bộ trưởng giao Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp cùng Đại sứ quán sắp xếp cuộc làm giữa Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý tài nguyên nước Hà Lan Mark Harbers và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam để hai bên thảo luận các chương trình hợp tác.
Cũng tại buổi làm việc, với những thế mạnh, tiềm lực của Hà Lan, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông qua ngài đại sứ Kees van Baar sẽ là cầu nối để phía Hà Lan hỗ trợ Việt Nam trong các công tác quản lý về địa chất như nghiên cứu tài liệu về các khoáng sản thiết yếu của Việt Nam, Hỗ trợ xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản…; đề nghị Hà Lan xem xét, hỗ trợ triển khai điều tra cơ bản và quy hoạch tài nguyên nước; hoàn thiện khung pháp lý về quản lý tài nguyên nước như Luật Tài nguyên nước sửa đổi và các Nghị định, Thông tư liên quan, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước.
Trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu mong muốn Hà Lan tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực sau đại học trong lĩnh vực này, hỗ trợ kỹ thuật trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, đặc biệt đối với công nghệ điện mặt trời, điện gió ngoài khơi và tích hợp nguồn năng lượng tái tạo trong vận hành hệ thống điện; chia sẻ kinh nghiệm trong việc cập nhật Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP)…; về lĩnh vực môi trường, đề nghị Hà Lan xem xét, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn thông qua tái chế, tái sử dụng chất thải thành hàng hóa, sản phẩm có giá trị; xây dựng các chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật để phát triển các dự án biến chất thải thành năng lượng; chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật trong quản lý, phát triển và áp dụng công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường và chất thải đặc thù nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính…
Đại sứ Kees van Baar cho biết, Đại sứ quán Hà Lan sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình để tin tưởng rằng sau cuộc gặp ngày hôm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Đại sứ quán Hà Lan làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai quốc gia nói chung và tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói riêng.