Đưa vào khai thác đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng
(TN&MT) - Các đơn vị và địa phương đã thống nhất một số phương án, giải pháp triển khai để sớm đưa vào khai thác đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng, dự kiến vào dịp 26/3.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đoàn công tác của địa phương vừa có buổi làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về triển khai đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, để triển khai đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng cần đánh giá, xác định nhóm khách chính sử dụng tuyến đường này làm phương tiện đi lại để hướng đến chọn phương án triển khai phù hợp; tìm hiểu các mô hình tương tự để đưa ra phương án phù hợp. Xây dựng dịch vụ của tuyến đường Huế - Đà Nẵng phải khác biệt theo hướng dịch vụ đi tàu có trải nghiệm cung đường và dịch vụ du lịch trên cung đường và trên đoàn tàu cũng như dịch vụ du lịch giữa hai điểm đến Huế và Đà Nẵng và điểm đến du lịch Lăng Cô. Xây dựng các phương án triển khai để có thể kết hợp với doanh nghiệp du lịch, lữ hành và các doanh nghiệp liên quan giữa hai thành phố tạo nên sự kết hợp chặt chẽ việc hợp tác giữa Tổng công ty đường sắt Việt Nam, chính quyền TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế, các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ tại hai địa bàn.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế giao cho Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh thực hiện việc khảo sát trên 400 người khách và người dân tại Huế và Đà Nẵng để khảo sát những mong muốn, các yêu cầu của người dân khi đi lại hoặc trải nghiệm tuyến đường sắt Huế - Đà Nẵng. Sở Du lịch và Viện Nghiên cứu phát triển cũng đã có phiên làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế và hơn 20 doanh nghiệp du lịch và lữ hành, ẩm thực của tỉnh để đề xuất các nội dung hợp tác và các đề xuất các dịch vụ bổ sung và các trải nghiệm trên tàu.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong năm 2023, công ty đã bố trí kinh phí để cải tạo nội thất, đầu tư mua mới các trang thiết bị phục vụ hành khách tại ga Huế và ga Đà Nẵng; cải tạo không gian thoáng, mát lắp đặt được máy điều hòa không khí; giảm bớt diện tích các phòng làm việc, phòng bán vé để tăng diện tích phòng đợi tàu; thay hệ thống bảng biểu khung nhôm bằng các màn hình tivi đời mới; thay thế các ghế băng đợi tàu đã cũ bằng các loại ghế mới bằng nhiều chất liệu, hình dạng, kích cỡ phù hợp với không gian phòng đợi; lắp đặt hệ thống điện sạc pin điện thoại, bình nước uống miễn phí hoặc tủ bán nước giải khát tự động… Trong năm 2024, tiếp tục khảo sát, thiết kế các công trình, diện tích bên ngoài phòng đợi tàu để mở rộng không gian phục vụ hành khách: tạo thêm cây xanh bóng mát, vườn hoa cây cảnh; bố trí ghế đá ngồi chờ; tăng cường đèn chiếu sáng, đèn trang trang trí...
“Việc triển khai đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng đáp ứng tiêu chí an toàn và thoải mái cho hành khách. Đây là dịch vụ rất phù hợp cho đối tượng trải nghiệm cùng gia đình, giúp khách du lịch ngắm phong cảnh núi non, bờ biển… Lợi thế của việc vận chuyển hành khách bằng đường sắt tại tuyến này là hai ga Huế và Đà Nẵng đều nằm trong trung tâm thành phố, lưu lượng lớn khách trong và ngoài nước có nhu cầu di chuyển 2 chiều, thuận tiện cho hành khách đi lại. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ của tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP. Đà Nẵng trong việc triển khai đoàn tàu du lịch này. Đồng thời sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp du lịch để cùng trao đổi xây dựng các phương án chạy tàu, phương án kinh doanh tối ưu nhất để cùng đạt được các mục tiêu do các bên đề ra”, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ.
Tại buổi làm việc, các đơn vị đã tập trung trao đổi các nội dung liên quan đến phương án hợp tác vận hành; năng lực chạy tàu; khối lượng vận tải hành khách; phương án đổi mới sản phẩm dịch vụ nâng cao chất lượng ẩm thực; cải thiện chất lượng toa tàu; bổ sung các dịch vụ giải trí trên toa tàu..., sớm đưa vào khai thác đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng vào dịp 26/3/2024.