Quản lý chất thải rắn

Bình Định: Bài học hay từ mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt của người dân Thuận Nghĩa

Thanh Tùng 02/03/2024 - 19:34

Mô hình phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đang được người dân tại khối phố Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) rất đồng tình hưởng ứng. Từ mô hình này, nhận thức và ý thức của người dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường được nâng cao.

Giải quyết hiệu quả rác thải sau phân loại

Hàng ngày, vào khoảng 7 giờ tối, cô Nguyễn Thị Thu ở khối 2, khối phố Thuận Nghĩa lại mang theo 2 chiếc thùng đi quanh hơn 30 hộ gia đình để thu gom chất thải hữu cơ. Các chất thải được thu gom gồm thức ăn thừa, vỏ rau củ quả, lá cây… đã được các hộ gia đình phân loại riêng và chứa trong xô màu xanh để trước nhà. Khi đưa về, các chất thải này được cô Thu đem về ủ trong 3 chiếc thùng lớn do cơ quan nhà nước hỗ trợ đặt tại nhà. Sau thời gian ủ khoảng 2 tháng, chất thải sẽ trở thành phân bón hữu cơ và được cô bón cho 1 sào đất trồng ớt của gia đình.

img_2397.jpg
Cô Nguyễn Thị Thu (người mặc áo đỏ) là 1 trong 8 người trong đội thu gom, xử lý chất thải thực phẩm của Mô hình. Ảnh: Thanh Tùng

Cô Nguyễn Thị Thu cho biết, ban đầu khi các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, vận động triển khai mô hình này đến người dân, nhiều người cũng tỏ ra băn khoăn. Công việc nhà nông bận rộn nên nhiều người lo sợ mất thời gian, “ngại” tham gia những công việc này. “Thế là cô mạnh dạn xung phong làm. Lúc đầu cũng còn bỡ ngỡ, vừa làm vừa phải học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các chị em khác để công việc được tốt hơn. Giờ mọi người đều quen, lại thấy thích vì thấy nhiều cái lợi quá”, cô Thu vui vẻ nói, đồng thời cho biết, từ khi dùng phân hữu cơ được ủ cộng với nước rỉ rác từ thùng ủ, sào ớt trồng của gia đình tươi tốt hẳn lên.

Gia đình chị Trương Thị Mỹ Lệ ở khối phố Thuận Nghĩa có hơn 500 m2 đất trồng hành, đậu phộng. Giống như cô Nguyễn Thị Thu, chị Lệ hàng ngày cũng mang thùng đi thu gom rác thải hữu cơ của 36 hộ gia đình xung quanh về ủ làm phân bón. Chị Trương Thị Mỹ Lệ cho biết, việc phân loại rác của các hộ gia đình trong khu phố lúc đầu cũng chưa tốt do chưa quen, nhưng theo thời gian cùng với việc tăng cường tuyên truyền, ý thức của người dân đã tốt lên, dần đi vào nền nếp. Chị cho rằng, mô hình phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt như ở Thuận Nghĩa là phù hợp với điều kiện của địa phương, có thể nhân rộng ra toàn thị trấn và các khu vực khác trong tỉnh có điều kiện tương tự.

img_2415.jpg
Chị Trương Thị Mỹ Lệ sử dụng phân hữu cơ từ thùng ủ chất thải sinh hoạt cho diện tích trồng trọt của gia đình. Ảnh: Thanh Tùng

Công việc mà cô Nguyễn Thị Thu và chị Trương Thị Mỹ Lệ đang thực hiện hàng ngày thuộc Đội thu gom, xử lý chất thải thực phẩm của Mô hình phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn năm 2023 tại khối phố Thuận Nghĩa do Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định phối hợp với UBND huyện Tây Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai từ tháng 6/2023 đến nay. Theo đó, qua tiến hành khảo sát, điều tra 470 hộ dân tại khối phố Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, đã có 290 hộ dân tham gia mô hình.

Ông Nguyễn Văn Vui, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Sơn cho biết, Thuận Nghĩa đã thành lập các tổ, đội để hỗ trợ công tác triển khai mô hình, cụ thể: Tổ giám sát, hỗ trợ triển khai Mô hình (5 thành viên) để thực hiện giám sát định kỳ việc triển khai mô hình; Tổ hướng dẫn triển khai Mô hình (25 thành viên) nhằm hướng dẫn việc phân loại, thu gom, vận chuyển theo đúng kế hoạch và Đội thu gom, xử lý chất thải thực phẩm (8 thành viên) để thu gom chất thải thực phẩm tại hộ dân đem về ủ trong thùng ủ đặt tại nhà theo mô hình xử lý phân tán.

Để đảm bảo hiệu quả, cơ quan chức năng đã tổ chức các lớp tập huấn triển khai mô hình cho các tổ, đội và hộ dân tại khối phố Thuận Nghĩa, đồng thời cấp phát dụng cụ đựng chất thải thực phẩm cho hộ dân, các thiết bị vận chuyển và thùng ủ phục vụ mô hình đội thu gom. Đến nay, công tác phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được triển khai tại 470 hộ dân khối phố Thuận Nghĩa và phân thành 3 loại chất thải theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ Môi trường, trong đó 180 hộ dân có chất thải hữu cơ được tận dụng cho sản xuất nông nghiệp của gia đình; 290 hộ dân còn lại đem chất thải thực phẩm ra ngoài để thu gom và xử lý theo mô hình.

img_2370.jpg
Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Sơn Nguyễn Văn Vui kiểm tra thùng ủ chất thải làm phân hữu cơ. Ảnh: Thanh Tùng

“Trên địa bàn huyện Tây Sơn hiện đang triển khai khoảng 4 mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian hơn 6 tháng triển khai, mô hình tại khu phố Thuận Nghĩa đã cho thấy tính khả thi, hiệu quả hơn. Mô hình phù hợp với phần lớn các đô thị hiện nay của các huyện vừa có yếu tố đô thị, vừa có yếu tố nông thôn, thuận lợi trong việc thu gom và xử lý chất thải hữu cơ dễ phân hủy. Riêng tại khối phố Thuận Nghĩa, mô hình còn có tác dụng hỗ trợ, quảng bá thêm cho nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng đối với làng rau an toàn Thuận Nghĩa” - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Sơn Nguyễn Văn Vui cho biết.

Nhân rộng các mô hình hay

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã đưa ra các quy định nghiêm khắc về việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Theo quy định tại Điều 79, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ cũng nêu rõ, hộ gia đình, cá nhân có thể bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Chính vì vậy, việc triển khai và nhân rộng các mô hình hay về phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đang được các cấp chính quyền và người dân quan tâm. Đánh giá về mô hình tại khối phố Thuận Nghĩa, ông Nguyễn Việt Cường - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, mô hình đã giải quyết được một vấn đề “khó” xưa nay là vấn đề xử lý chất thải sinh hoạt sau phân loại. Mô hình đã thiết lập được mạng lưới hệ thống từ giai đoạn phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình; đã xây dựng được một cơ chế pháp lý rõ ràng cho việc triển khai các hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt mang tính đặc thù địa phương.

Để duy trì công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Vui kiến nghị UBND huyện sớm bố trí nguồn kinh phí và giao việc thu gom phí xử lý chất thải của các hộ gia đình tại khối phố Thuận Nghĩa cho các chị trong đội thu gom để hỗ trợ cho công tác thu gom chất thải sau phân loại. Tuyên truyền người dân trên địa bàn về việc sử dụng sản phẩm phân, nước rỉ rác từ quá trình ủ để bà con trên địa bàn biết và sử dụng nhằm tái sử dụng sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời, nhân rộng mô hình và hình thành mạng lưới thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt phù hợp tại địa phương. Về lâu dài, nghiên cứu bố trí khu xử lý chất thải thực phẩm tập trung nhằm thu gom và xử lý hiệu quả.

img_2390.jpg
Con đường gọn gàng, sạch đẹp của khối phố Thuận Nghĩa. Ảnh: Thanh Tùng

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định cho biết, năm 2023, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh được thu gom đã có sự gia tăng so với các năm trước, thực hiện đạt 85,8%, vượt so với chỉ tiêu đề ra là 85%. Sang năm 2024, ngành Tài nguyên và Môi trường Bình Định đặt ra mục tiêu tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt 90-95%, tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom 70 - 75%.

Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Việt Cường - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, ngành Tài nguyên và Môi trường Bình Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường đối với các sở, ban, ngành, các hội đoàn thể, địa phương và các doanh nghiệp. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị và ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; tổ chức hội nghị về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, xác định thành phần và định mức phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Thanh Tùng