Ngành TN&MT

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ đạo xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản

Khương Trung 01/03/2024 19:49

(TN&MT) – Ngày 1/3, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chủ trì họp xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.

small_20240301-bo-truong-hop-luat-dia-chat-khoang-san-1.jpg
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chủ trì cuộc họp xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản

Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Trần Quý Kiên, lãnh đạo các đơn vị Vụ Pháp chế, Cục Khoáng sản Việt Nam, Cục Địa chất Việt Nam, Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản cùng các thành viên trong Tổ soạn thảo.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã nghe Thứ trưởng Trần Quý Kiên, lãnh đạo các đơn vị tham dự cuộc họp báo cáo tiến độ xây dựng dự án Luật, đồng thời tiếp thu, bổ sung ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ.

small_20240301-bo-truong-hop-luat-dia-chat-khoang-san-2.jpg
Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Theo đó, đến nay Chính phủ đã thống nhất với các chính sách được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) gồm: Chính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; Hoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; Hoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản; Hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản: Hoàn thiện chính sách tài chính về địa chất và khoáng sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện quá trình xây dựng dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 01 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010), tăng 01 chương và giảm 19 điều (so với Đề cương đã được thông qua).

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Tổ soạn thảo hoàn thiện dự án Luật bám sát quan điểm Luật được xây dựng phải đồng bộ với các pháp luật liên quan, rõ ràng, dễ hiểu và mang tính khả thi cao. Luật khi ban hành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, gắn liền với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản, đồng thời phải phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch.

small_20240301-bo-truong-hop-luat-dia-chat-khoang-san-3.jpg
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh Luật Địa chất và Khoáng sản sau khi được thông qua sẽ đặt lợi ích của Nhân dân, của đất nước lên trên hết, để tài nguyên khoáng sản xứng đáng với vai trò quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, Dự thảo Luật cần tập trung vào nội dung giám sát, quản lý khai thác khoáng sản. Để làm được điều này Luật phải đưa ra các quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên, khoáng sản; có đánh giá tổng thể về trữ lượng khoáng sản hiện nay để phục vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, đưa ra các yêu cầu, quy định về giám sát các hoạt động khai thác khoáng sản…

Bộ trưởng cũng đề nghị Luật phải phân cấp mạnh cho địa phương, muốn làm được điều đó cơ quan soạn thảo phải phân nhóm, phân loại được các loại khoáng sản; đồng thời phân công nhiệm vụ, gắn trách nhiệm quản lý khoáng sản cho địa phương, đảm bảo công tác phối hợp, quản lý, không để thất thoát tài nguyên quốc gia.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị Luật phải thể chế hoá đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời kế thừa các quy định đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp với thực tiễn.

small_20240301-bo-truong-hop-luat-dia-chat-khoang-san-4.jpg
Toàn cảnh cuộc họp ngày 1/3

Bộ trưởng cũng lưu ý cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm những vấn đề đang tồn tại hiện nay như bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, tận thu khoáng sản, các quy định về hoá đơn thuế, phí… nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản…

Bộ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để Luật Địa chất và Khoáng sản sau khi được Quốc hội thông qua sẽ đặt lợi ích của Nhân dân, của đất nước lên trên hết, để tài nguyên khoáng sản xứng đáng với vai trò quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Khương Trung