Môi trường

Giữ màu xanh những cánh rừng ven sông Đà

Nguyễn Nga 01/03/2024 - 18:14

(TN&MT) - Những ngày đầu xuân, trong chuyến công tác về với mảnh đất Quỳnh Nhai, chúng tôi có dịp ghé thăm Cà Nàng - xã di vén lòng hồ thủy điện Sơn La, nơi sinh sống của đông đảo bà con dân tộc Thái, Dao, Kháng để lắng nghe câu chuyện giữ rừng của người dân nơi đây.

Sinh kế bền vững từ rừng

Con đường quanh co, khúc khuỷu hơn 50km đưa chúng tôi từ trung tâm huyện về với Cà Nàng, một xã vùng 3 còn nhiều khó khăn của Quỳnh Nhai. Toàn xã có 7 bản, hơn 960 hộ dân, trên 4.400 nhân khẩu, và có hơn 10.000ha diện tích đất rừng tự nhiên.

xa-ca-nang-neu-cao-tinh-than-trach-nhiem-trong-cong-tac-bao-ve-rung.jpg
Xã Cà Nàng nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng.

Cách đây hơn 10 năm, sau khi di dân tái định cư, do diện tích đất ít, độ dốc cao, sản xuất độc canh cây lúa, cây ngô của nhiều xã trong huyện Quỳnh Nhai cho năng suất thấp, đời sống của bà con các dân tộc gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, UBND huyện Quỳnh Nhai đã chỉ đạo các xã chủ động chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đặc biệt là phát huy lợi thế đất rừng tự nhiên, triển khai thực hiện tốt các chương trình dự án đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Hơn 40 tuổi, dáng người cao, hơi đậm, làn da ngăm ngăm đặc trưng vùng sông nước, ông Lò Văn Châư, bản Pạ Lò, xã Cà Nàng bồi hồi nhớ lại: Trước đây, đời sống bà con còn nhiều đói khổ, chỉ trông chờ vào cây ngô, cây lúa. Thế nhưng, quanh năm vất vả, mệt nhọc mà cái nghèo vẫn đeo bám, tôi luôn trăn trở làm thế nào để thoát nghèo? Bởi thế, khi được cán bộ xã tuyên truyền, hướng dẫn về các mô hình, loại cây trồng phù hợp, tôi mừng lắm.

Năm 2020, gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký thực hiện trồng thí điểm mô hình cây dược liệu khôi nhung và thiên niên kiện dưới tán rừng. Những ngày đầu, cũng còn nhiều băn khoăn, lo lắng, nhưng được sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình của cán bộ huyện, xã, đến năm 2022, đã cho thu hoạch hơn 1 tấn lá tươi cây khôi nhung và 8 tạ cây khô từ cây thiên niên kiện, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình dần khấm khá lên.

mo-hinh-trong-rung-duoc-lieu-thien-nien-kien-cua-htx-nhan-thuan-ban-pa-lo-xa-ca-nang-nam-2020.jpg
Trồng dược liệu dưới tán rừng đã đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.

Nói rồi, ông Châư hăng hái mở đường, dẫn chúng tôi đi sâu vào những tán rừng để đến thăm “kho báu” của mình. Vừa đi, ông vừa chia sẻ kinh nghiệm: Trồng cây khôi nhung thật ra không khó, một lần trồng cho thu hoạch trên 10 năm, vừa tận dụng được diện tích đất đưới tán rừng, vừa giúp khống chế cỏ dại. Không chỉ thế, khoảng thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch ngắn, không tốn nhiều công chăm sóc, trung bình năm đầu tiên thu hoạch từ 2- 3 lứa, từ năm thứ 2 trở đi thu hoạch mỗi năm từ 5 - 7 lứa. Thiên niên kiện cũng thế, đây là loại cây cũng rất phù hợp trồng xen dưới các tán rừng, cây ưa bóng nhưng có khả năng chịu hạn rất tốt, dễ chăm sóc.

Thấy được lợi ích của loại cây quý này, ông Châư đã chia sẻ, hướng dẫn những người dân cùng bản tham gia để tạo thêm thu nhập cho gia đình. Đến nay, Cà Nàng có 25 hộ dân đăng ký trồng cây dược liệu dưới tán rừng, với tổng diện tích khoảng 120 ha, tập trung chủ yếu tại bản Pạ Lò, bản Phướng.

Một niềm vui khác với bà con nơi đây, đó là, trong năm qua, toàn xã đã nhận được hơn 5,8 tỷ đồng nguồn chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Công sức gìn giữ từng cánh rừng xanh của bà con nơi đây đã được đền đáp. Từ nguồn kinh phí này, Ban quản lý các bản đã xây phương án sử dụng tiền phục vụ cho các hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng và mua sắm tài sản, công cụ, dụng cụ, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa tài sản trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng; mua sắm, xây dựng các công trình công cộng của bản như làm đường nông thôn, sửa chữa nâng cấp nhà nhà văn hóa, lắp đền đường, hỗ trợ cải thiện đời sống cho các hộ dân.

Nhờ đó mà giờ đây, diện mạo xã vùng 3 Cà Nàng đang ngày một khởi sắc. Dọc 2 bên đường, những ngôi nhà khang trang lợp mái ngói đỏ tươi, những con đường bê tông đã vươn tới những bản làng xa xôi, hẻo lánh. Trường học được xây dựng kiên cố; các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nước hợp vệ sinh. Niềm vui, sự phấn khởi hiển hiện rõ trên từng nét mặt của bà con nơi đây.

xa-ca-nang-tang-cuong-cong-tac-bao-ve-phat-trien-rung-phong-chay-chua-chay-rung.jpg
Cà Nàng tăng cường bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Để những cánh rừng mãi xanh

Gắn bó với mảnh đất Cà Nàng nhiều năm nay, anh Hà Trọng Tài, kiểm lâm phụ trách địa bàn chia sẻ: Cà Nàng là xã còn nhiều khó khăn, 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi thế, ngay sau khi được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn, anh Tài đã xây dựng kế hoạch họp bản, họp dân, thường xuyên tổ chức tuyên truyền các quy định của Luật Lâm nghiệp, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, huyện, xã và những quy định có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của bà con nhân dân về bảo vệ, phát triển rừng.

- Nhà báo có muốn đi tuần rừng cùng anh em không?

Dứt lời, anh đưa chúng tôi đến nhà văn hóa bản Pạ Lò. Tại đây, hơn 10 người thuộc tổ đội quần chúng bảo vệ rừng của bản đã có mặt đông đủ, đang chuẩn bị hành trang cho công cuộc tuần tra, bảo vệ rừng.

“Tại 7 bản đều đã kiện toàn tổ, đội quản lý, bảo vệ rừng, với 21 người/tổ, chia thành các đội để tuần tra, bảo vệ rừng. Nhất là bây giờ đang là thời gian cao điểm của mùa khô hanh, nguy cơ cháy rừng luôn hiện hữu. Thế nên, chúng tôi luôn phải nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên tuần tra, canh gác lửa rừng, kiểm tra rừng, khoanh vùng các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, phát phá, khai thác, lấn, chiếm rừng. Mục tiêu đề ra là hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng, xâm hại vào rừng” – anh Tài nói.

Thoăn thoắt dạo bước trên các vạt đồi rừng, Trưởng bản Pạ Lò, ông Lò Văn Chumg, chia sẻ: Nghe theo lời cán bộ kiểm lâm, chúng tôi biết được tác dụng của rừng. Giữ rừng là giữ môi trường sống, giữ đất, nước, hạn chế mưa lũ, xói mòn. Nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước về bảo vệ rừng còn tạo thu nhập cho bà con để phát triển kinh tế. Bởi thế, bà con luôn bảo nhau không được lấn, chiếm, phá rừng làm nương.

nguoi-dan-ban-pa-lo-phat-quang-duong-bang-can-lua-mua-kho-hanh.jpg
Người dân bản Pạ Lò phát quang đường băng cản lửa mùa khô hanh.

Không chỉ thế, ban quản lý bản còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong việc bảo vệ rừng, không đốt nương làm rẫy, không khai thác chặt phá rừng trái phép…

Nhắc nhở người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, tham gia cùng với lực lượng chức năng để tuần tra, kiểm soát các khu vực có nguy cơ khai thác rừng trái phép. Phân công cụ thể lịch trực chốt bảo vệ rừng cho từng hộ gia đình trong bản để cùng thực hiện. Những giải pháp này, đã giúp giải quyết tình trạng lén lút chặt cây hay đốt nương làm rẫy, nhiều diện tích đất của các bản trên địa bàn huyện trước đây là đồi núi trọc nay được phủ bởi những cánh rừng xanh tốt.

Chứng kiến sự đổi thay trên mảnh đất quê hương, ông Cam Văn Chưn, Chủ tịch UBND xã Cà Nàng chia sẻ: Trước đây, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 60%. Làm thế nào để đời sống bà con được khởi sắc, điều tiên quyết là phải khơi dậy tinh thần, ý chí, nghị lực và quyết tâm vươn lên của bà con.

Bởi thế, chính quyền xã, bản đã cùng nhau đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, “cầm tay chỉ việc”, đến với từng hộ dân để nói cho bà con nghe, hiểu, hướng dẫn bà con thay đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây ăn quả trồng thay thế những diện tích cây nông nghiệp đã bạc màu, kém hiệu quả.

“Đến nay, toàn xã duy trì 610 ha diện tích cây lương thực và các loại cây trồng trên nương; hơn 3.000 con trâu, bò; trên 800 con lợn, đàn gia cầm trên 20.000 con; 40 lồng cá nuôi trên lòng hồ... Năm 2023, đã tiếp nhận, trồng trên 5.000 cây trồng phân tán, phủ xanh đất trống đồi núi trọc; trồng, chăm sóc hơn 200ha rừng thông đuôi ngựa thuộc dự án trồng phòng hộ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%; xã đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới; độ che phủ rừng đạt 64%” – Ông Cam Văn Chưn không giấu được niềm phấn khởi.

Rời Cà Nàng khi nắng chiều sắp tắt. Hai bên đường, những hàng cây xanh rì rào trong gió, như gửi lời chào tạm biệt đến người bạn phương xa. Vẫn biết chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn rằng, với tinh thần đoàn kết, lòng quyết tâm, không ngại khó, ngại khổ của bà con nơi đây, Cà Nàng sẽ tiếp tục chuyển mình, bứt phá mạnh mẽ, hướng tới hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới trong năm 2024, góp sức đưa huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Nguyễn Nga