Môi trường

Chi Lăng (Lạng Sơn): Giảm nghèo bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Hoàng Nghĩa 01/03/2024 - 18:13

(TN&MT) - Những năm qua, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã quan tâm triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân, hướng tới giảm nghèo bền vững.

Triển khai đồng bộ chính sách giảm nghèo

Triển khai công tác giảm nghèo bền vững, thời gian qua UBND huyện Chi Lăng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo.

Chú trọng xây dựng, thực hiện hiệu quả nghị quyết của cấp ủy về giảm nghèo; phân công cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, địa bàn khó khăn. Lồng ghép Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo với các chương trình dạy nghề, tạo việc làm, phát triển nông - lâm nghiệp, dịch vụ, giao thông, thủy lợi và các chương trình về y tế, chăm sóc trẻ em, giáo dục đào tạo....

Đổi mới, duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo bằng những hình thức, nội dung phù hợp, đưa được các chính sách đi vào đời sống người dân, nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại của người dân.

img_1703556045435_1703556626431.jpg
Người dân Chi Lăng đã tập trung phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi...đem lại thu nhập, vươn lên làm giàu.

Từ năm 2022 đến nay, UBND huyện Chi Lăng đã giao vốn để triển khai các mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế cho người dân. Có thể kể đến như: Mô hình chăn nuôi bò sinh sản và trồng cỏ voi tại 5 xã Gia Lộc, Bằng Hữu, Thượng Cường, Bằng Mạc, Hòa Bình; mô hình chăn nuôi vịt tại xã Vân An; mô hình chăn nuôi lợn tại xã Chiến Thắng; mô hình chăm sóc cây ăn quả tại xã Vân Thuỷ, Lâm Sơn...

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm thực hiện. Trong năm 2023, tổ chức đào tạo 3 lớp học nghề cho học viên là người lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tuyển sinh và đào tạo được 580 học viên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%; ước giải quyết việc làm mới cho khoảng trên 1.700 lao động.

Hỗ trợ gần 500 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Hỗ trợ xây mới nhà ở cho 80 hộ nghèo từ Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào DTTS&MN.

Cùng với đó đã triển khai tập huấn nâng cao năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững cho gần 800 đại biểu là cán bộ giảm nghèo cấp xã, thôn, khu phố và đại diện cộng đồng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo, chi phí học tập cho 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách. Trợ giúp pháp lý miễn phí cho 100% hộ nghèo, người nghèo có nhu cầu, tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo.

20230923_075450.jpg
Huyện Chi Lăng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường để BVMT, nâng cao chất lượng sống.

Đa dạng hoạt động bảo vệ môi trường

Song song với công tác giảm nghèo, Chi Lăng cũng luôn chú trọng triển khai các giải pháp, mô hình bảo vệ môi trường, gắn công tác giảm nghèo với nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Theo UBND huyện Chi Lăng, những năm qua, huyện đã duy trì tổ chức các chương trình bằng hành động thực tiễn có tác động trực tiếp đến môi trường như phong trào Ngày Chủ nhật đỏ chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; ra quân hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường...

Các hoạt động đã thu hút 20 xã, thị trấn với hàng chục nghìn lượt người tham gia thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, làm lò đốt rác, nhà tắm, xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh...

Đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào sinh hoạt thường xuyên của cộng đồng dân cư để người dân chủ động tham gia giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường. Xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường và các mô hình tự quản về môi trường nhằm phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội; khơi dậy trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền người dân giảm thiểu việc sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần, dần thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham mưu để xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch và công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên trong sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin, tiến bộ khoa học, công nghệ về bảo vệ môi trường để triển khai rộng rãi đến toàn thể các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện để cùng biết, nắm bắt và áp dụng công nghệ về bảo vệ môi trường.

Thông qua triển khai hàng loạt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương.

img_1639142421225_1644913991084.jpg
Huyện Chi Lăng đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo đã giảm qua các năm.

Đến hết năm 2023, toàn huyện Chi Lăng còn 1.249 hộ nghèo, tỷ lệ 6,48%; 1,280 hộ cận nghèo, tỷ lệ 6,64%. Huyện đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống, giúp người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội, trước hết là về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin, việc làm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo do thiếu hụt các chiều tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.

Hoàng Nghĩa