Doanh nghiệp - doanh nhân

Tập trung nguồn lực phục hồi sản xuất Nhà máy Xơ sợi Việt Nam

Mai Anh 01/03/2024 - 14:22

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng tại hội nghị đánh giá tổng thể phương án sản xuất kinh doanh Nhà máy Xơ sợi Việt Nam.

Hội nghị đã tập trung đánh giá tổng thể phương án sản xuất kinh doanh của VNPoly (giai đoạn 2024 -2026) với mục tiêu là phục hồi toàn bộ sản xuất của Nhà máy Xơ sợi Việt Nam. Trong đó, lãnh đạo Petrovietnam yêu cầu phân tích kỹ các vấn đề, khó khăn về thị trường (trong nước, quốc tế), hiện trạng của nhà máy (bảo dưỡng sửa chữa, khả năng sản xuất), các giải pháp quản trị vận hành nhà máy (nguồn nhân lực, định mức kỹ thuật, nguồn lực tài chính), cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với ngành sản xuất nguyên liệu như xơ sợi tổng hợp…

chu-tich-hdtv-tong-giam-doc-petrovietnam-le-manh-hung-tap-trung-nguon-luc-phuc-hoi-san-xuat-nha-may-xo-soi-viet-nam-20240301113559.jpg
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Tổng Giám đốc VNPoly Phan Huy Thư cho biết, trong hai tháng đầu năm 2024, VNPoly bám sát kế hoạch sản xuất được Tập đoàn giao, sản xuất được 1.300 tấn sợi tổng hợp các loại. VNPoly đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh chi tiết trong 3 năm từ 2024 -2026. Trong đó, cập nhật và phân tích kỹ tình hình thị trường và xu hướng thị trường xơ sợi tổng hợp trong nước cũng như quốc tế. Từ đó, VNPoly triển khai xây dựng phương án kinh doanh với hệ thống đại lý, khách hàng chiến lược trong nước, quốc tế; xây dựng phương án quản trị sản xuất tối ưu, đa dạng sản phẩm sợi từ 3 sản phẩm cơ bản lên đến 15 sản phẩm.

Hệ thống máy móc, thiết bị của Nhà máy Xơ sợi Việt Nam vẫn đang được thực hiện đúng chế độ bảo dưỡng, bảo trì theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong tháng 3/2024, VNPoly sẽ phối hợp với các đơn vị trong ngành và 4 chuyên gia quốc tế của nhà sản xuất thiết bị tiến hành đánh giá tổng thể lại hiện trạng của hệ thống thiết bị, lên phương án và kế hoạch chi tiết, khả thi về bảo dưỡng tổng thể Nhà máy.

Về cơ chế chính sách bảo hộ ngành hàng xơ sợi tổng hợp, hiện nay Bộ Công Thương Việt Nam vẫn đang áp thuế 2% đối với xơ sợi nhập khẩu để chống lại tình trạng bán phá giá xơ sợi vào Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục theo đuổi kiện bán phá giá thì khả năng sẽ áp thuế tăng cao hơn nữa để có thể đảm bảo công bằng đối với sản phẩm xơ sợi tổng hợp sản xuất trong nước.

Hiện nay, VNPoly đã đủ khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm sợi tổng hợp theo các yêu cầu khắt khe của khách hàng trong nước cũng như quốc tế. Đặc biệt là các loại sợi yêu cầu cao, có đặc tính chống khuẩn, sợi y tế, sợi có thành phần nhựa tái sinh… để xuất bán vào các nước Châu Âu. Mặt khác, trong những năm qua VNPoly đúc rút nhiều kinh nghiệm tổ chức sản xuất cùng đối tác quốc tế như tối ưu hóa nguồn nhân lực, thời gian sản xuất, nâng công xuất từng dây chuyền kéo sợi… Từ đó, tối ưu định mức sản xuất (điện, dầu tráng sợi…) lên tới 60% so với giai đoạn vận hành trước đây.

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo PVFCCo, Tổng Giám đốc Phan Công Thành bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh của Nhà máy Xơ sợi Việt Nam, đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ, cũng như đồng hành cùng VNPoly trong thời gian tới.

chu-tich-hdtv-tong-giam-doc-petrovietnam-le-manh-hung-tap-trung-nguon-luc-phuc-hoi-san-xuat-nha-may-xo-soi-viet-nam-20240301113547.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Sau khi lắng nghe các phát biểu góp ý của lãnh đạo các ban chuyên môn, Thành viên HĐTV Petrovietnam Bùi Minh Tiến, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Xuân Huyên, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định, phục hồi sản xuất tại các đơn vị còn khó khăn trong Tập đoàn chính là tạo ra động lực mới phát triển Petrovietnam. Bởi vậy, việc tập trung mọi nguồn lực giải quyết khó khăn cho Nhà máy Xơ sợi Việt Nam là thực sự cần thiết.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, phải đồng lòng, nhất trí khôi phục sản xuất toàn bộ nhà máy một cách hiệu quả, bền vững; tuyệt đối tránh tâm lý chủ quan, xây dựng kế hoạch phải bám sát thực tế, trong đó phải lường hết được các rủi ro từ thị trường, cơ chế chính sách trong nước cũng như quốc tế… Đồng chí Lê Mạnh Hùng yêu cầu VNPoly xây dựng chi tiết lộ trình trong 3 năm (2024-2026) gồm 3 bước từ hòa dòng tiền, hòa chi phí đến hòa vốn và có lợi nhuận.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam cũng lưu ý 4 nhóm vấn đề cần giải quyết tại VNPoly gồm: Kỹ thuật, Thị trường, Tài chính và Nguồn nhân lực. Theo đó, đề ra 6 nhóm giải pháp: Xây dựng kế hoạch chi tiết, đưa ra các kịch bản để xử lý các vấn đề phát sinh; Xây dựng nguồn nhân lực để vận hành tối ưu nhà máy; Xây dựng kế hoạch tài chính tối ưu, tiết kiệm và hiệu quả; Tăng cường hợp tác với các đối tác trong nước cũng như quốc tế; Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, giá trị thặng dư cao; Đặc biệt là chuẩn bị kỹ càng các giải pháp, kịch bản ứng phó với các biến động từ thị trường.

VNPoly cũng cần tập trung xây dựng và phát triển Công ty gắn với văn hóa Dầu khí, phát triển thương hiệu xơ sợi Việt Nam thành thương hiệu mạnh trong nước cũng như quốc tế. Đồng chí Lê Mạnh Hùng khẳng định, việc phục hồi sản xuất Nhà máy Xơ sợi Việt Nam được làm bài bản, quyết liệt và chặt chẽ thì chắc chắn sẽ hoàn thành.

Mai Anh