Xã hội

Lào Cai: Gieo màu xanh trên đất khó

Bích Hợp 29/02/2024 - 18:21

(TN&MT) - Những vạt đồi khô cằn suốt bao đời tưởng chừng như bị lãng quên giờ đã thay da đổi thịt với bạt ngàn cây ăn trái. Cây quýt không chỉ tạo nên màu xanh bất tận cho những sườn đồi dốc đá của Mường Khương( Lào Cai) mà nó còn mang lại cuộc sống ấm no cho cho người dân nơi đây.

Nẩy lộc xanh trên đất khô cằn

Với khi hậu khắc nghiệt, quanh năm thiếu nước, Mường Khương (Lào Cai) không được thiên nhiên ưu đãi về độ phì nhiêu của đất. Chính vì thế mà trên những sườn đồi nhiều năm trước người dân Mường Khương vẫn loay hoay tìm loại cây trồng cho phù hợp mà cứ hy vọng rồi lại thất vọng tràn trề khi chẳng có cây nào trụ được đến hai vụ. Nhưng tất cả đã khác khi người dân tìm ra cây quýt một loại cây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của Mường Khương.

Dẫn chúng tôi đi thăm đồi quýt đang trong thời gian thu hoạch, anh Giàng Seo Chu dân tộc Mông tại thị trấn Mường Khương chia sẻ “ 15 năm trước, cây quýt bén duyên mảnh đất vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai, từ một người nông dân Tu Dí Làn Mậu Thành, thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương. Chẳng ai nghĩ và cũng chả ai dám tin rằng tại mảnh đất mà ngay cả cây lúa, cây ngô còn “gặt” lấy thất bát này có ngày lại là nơi sinh sôi của cây ăn quả. Giờ thì hàng trăm gia đình người Tu Dí, Pa Dí, người Mông ở Mường Khương đã chuyển sang trồng quýt.

1.jpg
Những cây quýt đã đâm chồi, nẩy lộc phủ xanh gần 1000 ha đất đồi núi của huyện vùng có Mường Khương, Lào Cai.

Những cây giống lần lượt bén rễ, ra hoa, kết trái khắp thị trấn Mường Khương, rồi các xã Tung Chung Phố, Pha Long, Tả Gia Khâu, Tả Ngải Chồ… mà người nông dân chưa bao giờ phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm.

Những ngày giữa tháng 10, nắng vàng trải đều trên những nương đồi, sườn núi ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Trời xanh, ráo, gió đan qua nương quýt chín trên lưng chừng đồi. Dọc con đường bê tông uốn lượn vắt mình qua các thôn Sả Hồ, Chúng Chải… dễ thấy những đồi quýt sai trĩu quả, hương thơm vấn vít, ngọt ngào. Người dân tấp nập đóng gói quýt vận chuyển xuống chợ hoặc đưa đi xa theo đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh.

Đây là những đồi quýt chín sớm (thu hoạch từ tháng 8-10) do chính quyền huyện Mường Khương hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc với diện tích 20 ha, năng suất trung bình 10 tấn/ha, giá trị thu nhập đạt 150 triệu đồng/ha, mang lại nguồn lợi không nhỏ so với quýt chính vụ.

3.jpg
Cuộc sống của người dân huyện nghèo Mường Khương( Lào Cai) dần thay đổi nhờ vào trồng quýt.

Trong khi nhiều đồi quýt ở huyện Mường Khương còn đang xanh quả thì trên 2.500 gốc quýt chín sớm của vợ chồng anh Sền Pờ Diu thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương đã cho thu hoạch. Len lỏi giữa những gốc quýt sai quả, chị Pờ Thị Sen – vợ anh Diu cẩn thận cúi xuống, tay lựa nhẹ nhàng, tay kéo bấm, thảy từng chùm chín vàng rộm vào chiếc gùi trên lưng. Giống quýt chín sớm được trồng không chỉ mang lại hiệu quả cao gấp 7-10 lần trồng ngô, việc cây quýt cho thu hoạch sớm gần 2 tháng cũng cho giá bán cao hơn nhiều so với chính vụ.

Cây quýt trả ơn người trồng

Chúng tôi đến với Mường Khương vào dịp cuối năm, thời tiết vùng cao Mường Khương rét đậm. Thăm "trung tâm" quýt ngọt Lao Chải nằm ngay sát biên giới Việt Nam-Trung Quốc, chứng kiến bà con dân tộc Bố Y ở đây nhộn nhịp đổi công giúp nhau thu hoạch quýt chín, đóng gói, xếp lên xe ô-tô chuyển về Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh cho thương lái đầu mối là lòng không khỏi khấp khởi mừng cho một năm bội thu của bà con dân tộc...

Vợ chồng anh Giàng Seo Bình, dân tộc Bố Y mải miết thu hái, bao gói và xếp cẩn thận từng thùng quýt lên xe, không quên dán theo địa chỉ gửi cho khách hàng ở các tỉnh, thành phố. Anh Bình cho biết, giao thông thuận lợi cho nên việc bán hàng cũng dễ dàng, thuận tiện. Vợ chồng anh chỉ việc đóng hàng vào thùng nhựa theo quy cách, dán kèm địa chỉ người nhận, xe ô-tô tải đến tận vườn vận chuyển giao cho người mua.

2.jpg
Quýt Mường Khương một thương hiệu được người dân tỉnh Lào Cai và cả nước biết tới.

Nhờ vậy, quýt đến tay người dùng bảo đảm tươi ngon, nguyên hương vị, không hư hỏng. Với gần 10.000 cây quýt trồng trên đồi nương thay cho trồng ngô như trước đây, trong đó có 4.000 cây đang cho thu hoạch, vụ này gia đình anh Bình bán ra thị trường khoảng 50 tấn quả, thu về hơn 500 triệu đồng, trừ chi phí còn hơn 300 triệu đồng. Nhờ trồng quýt thay cây ngô, anh Bình xây được nhà kiên cố, mua xe ô-tô du lịch đời mới, có tiền gửi ngân hàng, con cái được học hành đầy đủ, là hộ sản xuất giỏi của huyện Mường Khương và tỉnh Lào Cai.

Vườn nhà chị Lò Dìn Phủng, người Bố Y, thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương có 8.000 cây quýt; trong đó, quýt đang trong thời gian thu hoạch có khoảng từ 3.500 đến 4.000 cây, còn lại là những cây đang trong độ tuổi từ một đến ba năm. Chị Phủng cho biết, vụ quýt năm nay được mùa được giá, dự ước sẽ thu hoạch được khoảng từ 30 tấn đến 40 tấn quả, thu về khoảng 400 triệu đồng. Nhờ trồng giống chín sớm và chín muộn, sản phẩm bán rải vụ từ tháng 8 năm nay đến hết tháng 2 năm sau nên không lo bị ép giá. Theo chị Phủng, trồng quýt cho thu nhập cao gấp 10 lần so với trồng ngô như trước đây. Nhờ có cây quýt mà gia đình chị Phủng từ một hộ nghèo vươn lên thành hộ khá giả có của ăn, của để.

4.jpg
Người dân Bồ Y là những người đầu tiên mang cây quýt đến với mảnh đất biên giới Mường Khương.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương Lê Thanh Hoa, hiện có hơn 3.000 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở bảy xã vùng cao, trồng 815 ha quýt trên đất đồi thay thế cây ngô, trong đó có 400ha đang cho thu hoạch, với tổng sản lượng gần 5.000 tấn/năm. Quýt được trồng nhiều nhất tại thị trấn Mường Khương và các xã lân cận như: Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ, Lùng Khấu Nhin, Nậm Chảy, Thanh Bình…

Những năm trước, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cho nên ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân bán hàng thông qua các trang thương mại điện tử hoặc sử dụng điện thoại thông minh để giới thiệu và bán sản phẩm. Nhờ vậy, hiện nay, bà con đã khai thác rất tốt lợi thế này để bán hàng, gửi hàng đi khắp các địa phương trên cả nước, tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm. Năm nay, quýt Mường Khương giá bán cao hơn năm trước từ 2.000-3.000 đồng/kg, ước tính đem lại tổng thu khoảng gần 100 tỷ đồng. Đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới đang thực hiện chuyển đổi cây trồng theo hướng hiệu quả kinh tế cao, dựa vào lợi thế đất đai và khí hậu, thổ nhưỡng sẵn có.

Nhờ có cây quýt mà năm 2023, huyện Mường Khương giảm được 923 hộ nghèo; sửa chữa, làm nhà mới được 250 nhà ở cho các hộ nghèo với kinh phí trên 11 tỷ đồng.

6.jpg
Cùng với việc mang sản phẩm đi tiêu thụ, nhiều hộ trồng quýt Mường Khương còn cho du khách tham quan miễn phí và thu hái, mua quýt tại vườn.
5.jpg

Rồi đây, để công tác giảm nghèo đi vào thực tế và bền vững hơn nữa, Mường Khương sẽ hướng người trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ. Đồng thời, tiến tới sẽ thành lập các tổ hợp tác liên kết sản xuất quýt tạo mối liên kết ngang giữa những người nông dân trồng quýt nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào và hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật. Các tổ hợp tác này có vai trò tăng cường liên kết dọc giữa những người nông dân và các tổ chức tiêu thụ quýt trên địa bàn huyện như các siêu thị hoặc các chuỗi cửa hàng hoa quả sạch.

Tạm biệt Mường Khương, tạm biết những vườn quýt xanh mát cả núi đồi, vẫn biết rằng, còn đường đưa Mường Khương thoát nghèo và trở thành huyện nông thôn mới còn không ít những khó khăn vất vả, nhưng chúng tôi tin rằng, với sự đồng lòng của chính quyền và người dân nơi đây, với cách dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, cây quýt sẽ mãi xanh tươi, mang no ấm, trù phú đến với người Mường Khương...

Bích Hợp