Môi trường

Hỗ trợ sinh kế lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học

Khánh Ly 29/02/2024 - 16:22

(TN&MT) - Nhằm giảm bớt tác động của con người đến tài nguyên đa dạng sinh học, từ năm 2023, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã triển khai hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân các xã vùng đệm thuộc huyện Vĩnh Cửu và huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai).

picture1.png
Một góc Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai

Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) Đồng Nai được UNESCO công nhận vào ngày 29/6/2011, trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắk Nông với tổng diện tích 756.000 ha. Đây là khu bảo tồn đa dạng sinh học lớn nhất ở khu vực Đông Nam Bộ, có hệ động thực vật đa dạng phong phú và là nơi sinh sống của 11 nhóm dân tộc.

Triển khai dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, trong 2 năm 2023 – 2024, Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã triển khai 2 mô hình phát triển sinh kế cho người dân khu vực lân cận.

81-ho-dan-tai-xa-gia-canh-duoc-trao-nguon-von-trong-co-nuoi-bo-nuoi-de.png
Người dân xã Gia Canh (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) nhận hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế

Cụ thể, mô hình nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trái cây có múi và xoài được thực hiện tại 3 xã Mã Đà, Hiếu Liêm và Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Theo UBND huyện Vĩnh Cửu, thống kê diện tích trồng xoài tại 3 xã là 2.800 ha; diện tích trồng cây có múi là 700 ha. Trong những năm qua, việc sản xuất xoài và cây có múi ở địa phương gặp nhiều khó khăn như vật tư, nguyên liệu đầu vào cao, giá bán thấp… dẫn đến đời sống người dân còn khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Phương, điều phối viên Dự án BR tại KDTSQ Đồng Nai cho biết, trong năm 2023, cán bộ dự án đã tổ chức 9 lớp tập huấn kĩ thuật cho các tổ sản xuất của địa phương về tập huần kỹ thuật như: ứng dụng công nghệ sinh học IMO, phân bón vi sinh, cách ủ phân hữu cơ và làm thuốc trừ sâu hữu cơ, kỹ thuật cải tạo đất trong trồng cây ăn quả. Cùng với tập huấn là các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Mặt khác, 154 hộ tham gia dự án đã nhận được vốn vay để triển khai sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật với tổng số vốn 1,3 tỷ đồng.

7879-1703737865_1200x0.jpg
Huyện Vĩnh Cửu có thế mạnh trồng cây có múi

Một mô hình khác được triển khai song song là mô hình mô hình trồng cỏ kết hợp nuôi bò, dê nhằm cải thiện thu nhập cho cộng đồng tại 2 xã Thanh Sơn và Gia Canh thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Cán bộ dự án đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật liên quan và trao nguồn vốn trồng cỏ, nuôi bò, nuôi dê cho các hộ dân sinh sống tại vùng giáp rừng. Đến cuối năm 2023, đã có 150 hộ dân nhận vốn vay tại 2 xã với tổng số vốn gần 1,1 tỷ đồng. Trong đó, 5 triệu đồng/hộ trồng cỏ, 16 triệu đồng/hộ nuôi bò, 7 triệu đồng/hộ nuôi dê và trong vòng 1 năm không tính lãi.

Thực tiễn cho thấy, các mô hình phát triển sinh kế dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có, gắn với định hướng phát triển kinh tế của địa phương đã cho thấy hiệu quả tích cực, với sự ủng hộ của chính quyền địa phương và người dân. Theo bà Trần Mỹ Ngọc - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Vĩnh Cửu, trong thời gian tới, sau quy trình trồng, chăm sóc, người dân cũng mong muốn có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các hoạt động sản xuất, thu hái, bảo quản, chế biến và tiếp cận thị trường, nhằm tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững cho nông sản địa phương. Qua đó, giảm sức ép khai thác tài nguyên thiên nhiên cho khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

1-0000149545_a.jpeg
Các hộ dân huyện Định Quán được hỗ trợ phát triển đàn dê

Việc triển khai các mô hình sinh kế là một hoạt động hỗ trợ giảm áp lực đa dạng sinh học cho các khu vực không phải vùng lõi trong KDTSQ Đồng Nai nhưng có mức độ ưu tiên cao về đa dạng sinh học. Vị trí các xã trên cũng giúp tăng tính kết nối giữa các phân khu để bảo tồn đa dạng sinh học trong KDTSQ Đồng Nai. Công tác tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức đã giúp cho người dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triến rừng. Thực tiễn cho thấy, đời sống của người dân từng bước được nâng cao thì ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng dân cư cũng sẽ nâng lên rõ rệt và giúp giảm các hoạt động khai thác tài nguyên rừng không bền vững.

Theo Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, trong năm 2024, Ban quản lý phối hợp cùng các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển các dịch vụ và sản phẩm du lịch sinh thái phù hợp. Tuy nhiên, do địa bàn xa và rộng nên việc mở rộng hỗ trợ dự án cho các xã ở vùng đệm Lộc Bắc, Lộc Bảo thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng còn gặp khó khăn. Trước mắt, Ban quản lý sẽ đề xuất với nhà tài trợ xem xét và sớm chấp thuận mở rộng phạm vi dự án tại xã Gia Canh, tăng số hộ gia đình hưởng lợi lên 1.000 hộ.

Khánh Ly