Xã hội

Huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng : Giảm nghèo bền vững nhờ lợi thế đất đai

Đình Du 29/02/2024 16:01

(TN&MT) – Lạc Dương là huyện có tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo cao của tỉnh Lâm Đồng, những năm gần đây chính quyền sở tại đã lồng ghép hiệu quả nhiều chương trình mục tiêu của quốc gia và địa phương để phát triển kinh tế và giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn này.

(TN&MT) – Lạc Dương là huyện có tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo cao của tỉnh Lâm Đồng, những năm gần đây chính quyền sở tại đã lồng ghép hiệu quả nhiều chương trình mục tiêu của quốc gia và địa phương để phát triển kinh tế và giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn này.

anh-1.jpg
Thổ nhưỡng huyện Lạc Dương phù hợp giúp năng suất cà phê cao

Phát huy dư địa từ đất

Huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng có tới 67% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn là người K’Ho. Những năm qua, huyện Lạc Dương tập trung nguồn vốn và nhân lực lớn nhất cho việc hỗ trợ phát triển sản xuất kinh tế từ đất đai, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo để từng bước góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trong năm 2021 - 2023, tổng kinh phí dành cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở huyện Lạc Dương trên 10,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 5,1 tỷ, ngân sách địa phương gần 800 triệu đồng, huy động người dân đóng góp hơn 214 triệu và các nguồn vận động khác gần 4,3 tỷ đồng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lạc Dương, trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả và mang tính bền vững. Bên cạnh đó, thông qua các buổi tập huấn, dạy nghề cho lao động nông thôn, người dân đã mạnh dạn sử dụng các loại giống cây trồng mới, áp dụng khoa học công nghệ mới vào việc trồng trọt và vật nuôi.

Đặc biệt là một trong những địa phương có thổ nhưỡng và dư địa đất đai phù hợp trong việc trồng cây cà phê Arabica (loại cà phê có giá cao bậc nhất thế giới) nên huyện chú trọng mô hình thâm canh loại cây này. Các nông hộ áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến như bón phân cân đối, tỉa cành tạo tán, phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản để nhằm tăng năng suất chất lượng cây cà phê trên địa bàn.

anh-2.jpg
Người dân đã mạnh dạn sử dụng các loại giống cây trồng mới sản xuất nông nghiệp

Bức phá vươn lên

Ngoài ra, là nơi có điều kiện thời tiết gần giống thành phố Đà Lạt, do đó, những năm qua huyện Lạc Dương cũng chủ trương quy hoạch căn cơ những vùng trồng hoa, rau sạch và dược liệu theo hướng công nghệ cao vừa tăng sản lượng, vừa tăng thu nhập cho người dân địa phương. Huyện Lạc Dương rất chú trọng đến việc kết nối người dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp để bảo đầu ra cho sản phẩm. Điển hình, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đà Lạt Green hỗ trợ người dân trồng rau sạch, HTX sản xuất cà phê Arabica Lạc Dương phối hợp với người dân sản xuất cây cà phê theo chuỗi giá trị, chú trọng chế biến sâu. Chính nhờ sự quan tâm của Nhà nước và sự phối hợp của người dân mà diện mạo các bản làng trên địa bàn từng ngày thay da đổi thịt, giúp nhiều hộ giảm nghèo bền vững.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng, huyện Lạc Dương thời gian qua đã triển khai đạt hiệu quả giải pháp đa dạng hóa sinh kế như cải tạo đất trồng trọt cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các xã Lát, Đạ Chais, Đưng K’nớ và thị trấn Lạc Dương và đang nhân rộng mô hình ra các xã khác với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, đơn vị. 100% học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí theo quy định. 100% người nghèo, cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề được đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp. Với những nỗ lực đó, ước đến cuối năm 2023, số hộ nghèo toàn huyện còn 224 hộ, chiếm tỷ lệ 2,9%, giảm 2,9% so với cuối năm 2022, trong đó, số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 220 hộ, chiếm tỷ lệ 4,3%, giảm 4,5% so với cuối năm 2022.

Theo ông Cil Poh, Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bằng nhiều giải pháp tổng hợp, giai đoạn 2021- 2025, Muốn các hộ nghèo giảm nghèo nhưng không tái nghèo, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng nhiều chương trình hành động cụ thể, trong đó xâu chuỗi nhiều giải pháp tổng hợp nhằm hình thành bệ tỳ giúp hộ nghèo vươn lên. Trong đó, các tiểu dự án nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững được tận dụng triệt để.

Những năm qua huyện Lạc Dương thông qua việc thực hiện các dự án, tiểu dự án đã giúp người dân thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất trong phát triển kinh tế nông nghiệp từ nguồn đất đai trên địa bàn, người dân thực tại đã biết lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chính quyền hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm hàng hóa tập trung có chất lượng đạt hiệu quả kinh tế cao.

Chương trình mục tiêu Giảm nghèo bền vững ở huyện Lạc Dương đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng đã làm tiền đề vững chắc cho công tác giảm nghèo bền vững những năm tiếp theo.

Đình Du