Xã hội

Đắk Glong bớt “long đong”

Phạm Hoài 29/02/2024 - 16:01

Mùa xuân ở Đắk Glong đang vào độ thắm. Xuân khoác lên mình Đắk Glong muôn màu hoa rực rỡ. Xen giữa màu hoa là màu những ngôi nhà mới. Đắk Glong nay đã khác xưa rồi…

Những ngày đầu xuân mới, theo lời mời tha thiết của cán bộ địa chính xã Đắk Som, rằng “để mắt thấy tai nghe sự đổi thay tích cực trong mục tiêu đẩy lùi cái nghèo”, chúng tôi về huyện Đắk Glong. Mặc dù trước đó, tôi đã có nhiều dịp qua lại vùng đất này nhưng hôm nay, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi chỉ một thời gian ngắn không trở lại mà trông Đắc Glong thật sự đổi khác, như khoác trên mình bộ áo mới với muôn màu của ấm no.

caonguyendaknong.baodaknong.org.vn-uploads-image-2022-05-20-_baoanh507-3.jpg
Những người dân như gia đình anh Nông Văn Thình (Đắk Som, huyện Đắk Glong) hết sức phần khởi vì được hưởng nhiều chính sách giúp thoát nghèo

Trước mắt chúng tôi, con đường uốn lượn quanh co ôm lấy những vạt rừng, dáng núi. Mùa xuân, cây cối rủ nhau đâm chồi nảy lộc nên núi rừng đồng loạt xanh ngát ngập tràn sức sống. Dừng chân trước một ngôi nhà khá khang trang, người cán bộ đồng hành giới thiệu với chúng tôi đây là cơ ngơi mới của gia đình anh Nông Văn Thình. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước một nếp nhà với đầy đủ tiện nghi cùng vườn rẫy. Mô hình canh tác sinh thái đi đôi với nhận khoán bảo vệ rừng đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập rất khá và ổn định để có thể từ việc trang trải cuộc sống hằng ngày đến góp nhóp dựng căn nhà mới, mua sắm đồ. Anh Thình bảo, Tết nay vợ chồng con cái ăn Tết trong ngôi nhà mới, cái nghèo đã lùi xa khỏi gia đình anh rồi, anh tự tin vì giờ đây anh đã có cuộc sống tươm tất, đường hoàng hơn.

Trong làn khói tỏa lan từ ấm trà đầu xuân, anh Thình kể, vợ chồng anh theo gia đình di dân từ tỉnh Lạng Sơn vào Đắk Nông từ năm 2004. Ban đầu đặt chân đến Đắk Glong, gia đình anh mua rẫy trồng cây để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do thời điểm mới vào, điều kiện kinh tế còn khó khăn, có chút vốn thì đã dồn vào mua đất nhưng để canh tác được trên nương rẫy đó đâu có dễ dàng như anh tưởng tượng. Khi đó, ngoài thời gian dành cho rẫy, anh phải đi làm thuê đủ nghề để vợ chồng trang trải cuộc sống hằng ngày. “Thời điểm mươi mười lăm năm trước, gia đình tôi bữa no, bữa đói, đi làm thuê làm mướn cực vô cùng mà đi lại khó khăn lắm chớ không có đường cái rộng rãi như giờ.

Tuy nhiên, sau khi tôi được nhà nước tạo điều kiện vay vốn xóa đói giảm nghèo và được Vườn Quốc gia Tà Đùng cho nhận giao khoán rừng thì thu nhập đã được cải thiện từng ngày. Giờ đây nói thật là chúng tôi đang có nguồn thu lớn từ công việc, tôi không chỉ có của ăn mà còn có của để, rồi làm nhà, sắm sanh đồ đạc. Mấy mươi năm giờ mới có cái tết đầm ấm thế này”, anh Thình vui mừng chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Đắk Som Lê Văn Đại - người chứng kiến nhiều đổi thay trên quê hương cũng không giấu được niềm vui trước câu chuyện mà chúng tôi chia sẻ. Ông bảo “Không riêng nhà Thình đâu, Đắk Som nói riêng và Đắk Glong nói chung có nhiều người cũng thoát nghèo, rồi giàu lên như vợ chồng Thình đó”.

Gia đình chị Huỳnh Thị Nương ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong cũng là một điển hình như thế. Chia sẻ với chúng tôi, chị Nương không khỏi bồi hối nhớ lại những tháng ngày chân ướt, chân ráo đặt chân lên mảnh đất rừng núi với nhiều khó khăn chống chất. “Hồi mới lên chưa có đất, suốt ngày đi làm thuê rồi gom góp vay mượn thêm mua được ít đất trồng cà phê. Bao năm vợ chồng bôn ba mưu sinh bằng nghề nông thuần túy, trồng thì chỉ biết trồng, rồi trồng xong cũng không biết phải chăm bón sao, cũng tại chưa nắm được kỹ thuật nên năm nào cũng chỉ đủ phân bón, công cán”.

Khoảng 5 năm trở lại đây, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương từ các nguồn vốn giảm nghèo nên gia đình chị Nương đã tiếp cận được và phát huy hiệu quả. Hiện tại, gia đình chị có hơn 1ha cà phê và một ít đất trồng hoa màu bán kiếm thêm thu nhập. Mô hình lấy ngắn nuôi dài cùng với kỹ thuật trồng và chăm bón cây cà phê từ đội ngũ kỹ thuật của huyện đã giúp diện tích cà phê cho hiệu quả cao, cà phê thu hoạch có đầu ra chứ không phải bán non để ứng tiền như trước. Có tiền, chị mua thêm 2 con bò giống, mỗi năm tổng thu nhập của gia đình hơn 250 triệu đồng. “Nhờ nhà nước khuyến khích, hỗ trợ mà tôi và gia đình đã vươn lên thoát nghèo có được nguồn vốn để nuôi con ăn học, phát triển kinh tế”. Chị Nương vui mừng chia sẻ.

Cũng như anh Thình, chị Nương, nhiều hộ gia đình khác tại Đắk Glong đang được hưởng lợi từ các chính sách của nhà nước về xóa đói giảm nghèo. Với đặc thù dân cư di cư từ các vùng miền tụ lại, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến gần 80% nên câu chuyện giảm nghèo ở Đăk Glong không hề đơn giản. Thế nhưng, bằng quyết tâm, nỗ lực cố gắng của chính quyền và người dân, bằng chính sách ưu đãi giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm. Riêng Đắk Som, đến cuối năm 2023, xã còn chưa đầy 800 hộ nghèo (trên tổng số 2.200 hộ), tỷ lệ giảm nghèo là 37,3% - vượt kế hoạch đề ra.

“Những năm qua được sự quan tâm của Đảng và nhà nước về một số chính sách ưu tiên cho vùng kinh tế khó khăn phát triển đã giúp cho các hộ dân nghèo có điều kiện tiếp xúc với một số chương trình mục tiêu quốc gia và từ đó người dân có nguồn vốn phát huy hiệu quả mang lại thu nhập và dân thoát nghèo. Đây là một tín hiệu hết sức tích cực và địa phương cũng đang rà soát để tiếp tục hỗ trợ nhằm giúp đời sống của bà con ngày một tốt hơn”, ông Đại chia sẻ.

Đúng là dù đã có nhiều chuyến đi công tác tới vùng đất Đắk Glong những chuyến đi trong mùa xuân này với tôi thật sự vui và ý nghĩa. Qua ghi nhận thực tế tại một số xã khác trên địa bàn huyện Đắk Glong, đời sống của người dân đã được cải thiện hết sức rõ nét. Phần lớn các hộ dân đã có điều kiện để sản xuất nông nghiệp, con cái đã được đến trường. Tỷ lệ tảo hôn ở một số bon, bản đã giảm đáng kể so với thời điểm cách đây hơn 3 năm.

04.jpg
Diện mạo ở một số xã trên địa bàn huyện Đắk GLong đã đổi thay đáng kể nhờ chính sách phù hợp

Chia sẻ niềm vui với chúng tôi về trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân và từng bước phát triển kinh tế của huyện, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần cho biết, thời gian qua địa phương đã triển khai các dự án, phương án sản xuất cộng đồng để tạo sinh kế cho người dân. Trong năm 2023, Đắk Glong đã triển khai 27 dự án, phương án sinh kế tại 7/7 xã của địa bàn. Các dự án, phương án sinh kế chủ yếu là chăn nuôi bò sinh sản, nuôi heo, nuôi dê, nuôi gà… Thời gian thực hiện các dự án, phương án sinh kế từ 7 - 26 tháng. Mỗi dự án, phương án sinh kế có từ 4 - 36 thành viên. Tổng số thành viên tham gia các dự án, phương án sinh kế giảm nghèo là gần 300 người. Tùy vào số thành viên và quy mô, Nhà nước hỗ trợ ngân sách từ 60 - 300 triệu đồng cùng vốn đối ứng của người dân để thực hiện dự án. “Trải qua bao thăng trầm, nỗ lực cố gắng, giờ thì Đắk Glong đã bớt long đong rồi. Dân ấm là cán bộ vui”.

Vui là vui vậy nhưng cũng còn nhiều điều phải tính, nhiều vướng mắc băn khoăn phải gỡ. Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, mặc dù huyện cũng đã cố gắng nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giảm nghèo và những năm qua đã có những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trên thực tế, để Chương trình giảm nghèo bền vững phát huy hiệu quả, không chỉ cần sự vào cuộc của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương mà ngay cả người dân cũng chủ động thực hiện cải cách canh tác mới hiệu quả được.

2.jpg
Khu du lịch Tà Đùng ở xã Đắk Sớm, huyện Đắk GLong vừa tạo điểm nhấn vừa giúp người dân địa phương có việc làm

Ước mong lớn nhất của Chủ tịch Đắk Glong trong mùa xuân này là tới đây “Trung ương sớm bổ sung Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên vào đối tượng thụ hưởng các nội dung giáo dục nghề nghiệp để có cơ sở pháp lý triển khai các nội dung liên quan. Gì thì gì chứ giáo dục là cứ phải đi trước, đi sớm, kiến thức và nguồn vốn cứ phải song hành, được như vậy thì cây gậy giảm nghèo sẽ vững chắc hơn, để Đắk Glong ngày càng bớt đi long đong mà vươn lên, không chỉ thoát nghèo mà còn phải làm giàu, phải thực sự phát triển đáp ứng theo kịp các tiêu chí phát triển thời kỳ mới”.

Tỷ lệ hộ nghèo ở Đắk Glong năm 2023 giảm 12,24%, vượt kế hoạch (giảm từ 5 - 7%) đề ra. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 21,16%, vượt xa so với kế hoạch (giảm tối thiểu 6%). Hiện toàn huyện có 2.531 hộ nghèo (tỷ lệ 13,44% dân số toàn huyện) với 14.293 nhân khẩu.

Phạm Hoài