Xã hội

Bến Lức (Long An): Đổi mới vì sự phát triển bền vững

Bạch Thanh 29/02/2024 - 15:54

(TN&MT) - Là địa phương có lợi thế tiếp giáp với TP.HCM, huyện Bến Lức (Long An) đã có nhiều thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Đặc biệt, trong thời gian qua, Bến Lức tập trung xây dựng, triển khai thực hiện được nhiều mô hình “Giảm nghèo bền vững” đã góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương.

Phát huy hiệu quả các mô hình

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bến Lức, thời gian qua, MTTQ và các tổ chức thành viên đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy tính tích cực, tự giác trong tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Trong đó, hoạt động an sinh xã hội cũng được quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Điều đáng ghi nhận nhất là Bến Lức đã triển khai thực hiện, xây dựng mô hình mới, nhân rộng mô hình hay, hiệu quả, tiêu biểu như các mô hình: Tổ hợp tác chăn nuôi bò; Trồng sen đá khởi nghiệp; Hợp tác trong lĩnh vực xây dựng; Sản xuất Yến sào Thành Tài; Tổ may túi sách gia công; Thiết kế, chế tạo ra dụng cụ lọc nước từ những vật liệu dễ làm, nhỏ, gọn tiết kiệm hiệu quả để lọc nước kênh, rạch thành nước sinh hoạt; Trồng rau công nghệ sinh học; Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; Cánh đồng an toàn; Trồng chanh công nghệ cao; Trồng rau theo hướng Vietgap; Cải tiến máy cày để phun thuốc…

h1.jpg
Huyện Bến Lức chú trọng nâng cao đời sống người dân

Bên cạnh đó, huyện còn tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhân rộng và xây dựng các mô hình điểm ở khu dân cư, cụ thể như: mô hình khu dân cư “2 không, 1 tăng, 3 giảm”; mô hình “Xóm đạo bình yên”; mô hình “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biển đổi khí hậu”; mô hình “Hũ gạo nghĩa tình”; mô hình “Vận động và tiết kiệm làm theo gương Bác gây quỹ hoạt động từ thiện”; mô hình “Vạn tấm lòng vàng”; mô hình “Tư vấn pháp luật và lắng nghe phản ánh, bức xúc của nhân dân”…

Đặc biệt, Bến Lức đã thực hiện tốt việc đổi mới phương thức tổ chức nâng cao chất lượng vận động quỹ vì người nghèo, đồng thời tăng cường thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Chỉ tính riêng năm qua, địa phương này đã tổ chức vận động quỹ vì người nghèo được gần 1,3 tỷ đồng; xây dựng 11 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với tổng số tiền trên 600 triệu đồng; vận động trao tặng 64.237 phần quà trị giá gần 24,3 tỷ đồng… Ngoài ra, 100% MTTQ cấp xã còn quan tâm triển khai, tổ chức đăng ký xây dựng mô hình giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tính đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn huyện Bến Lức chỉ còn 0,47%; hộ cận nghèo 0.99%.

Đổi mới để phát triển

Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên các trục giao thông chính, thời gian qua, huyện Bến Lức trở thành địa phương đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An. Đặc biệt, với lợi thế tiếp giáp với TP.HCM, nơi có nhiều đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia đi qua, điều này cũng tạo điều kiện tốt cho Bến Lức thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Theo UBND huyện Bến Lức, năm 2023, trong lĩnh vực thu hút đầu tư, trên địa bàn có thêm 150 doanh nghiệp, chi nhánh trong nước với số vốn 1.624 tỉ đồng và 6 doanh nghiệp, chi nhánh đầu tư nước ngoài với số vốn 3,1 triệu USD đăng ký hoạt động. Huyện cũng đã và đang tập trung triển khai đầu tư mới thêm 2 khu công nghiệp tổng diện tích 650ha và mở rộng 01 khu công nghiệp 80ha. Về công nghiệp - xây dựng, giá trị sản xuất ước đạt 127.007 tỉ đồng, chiếm khoảng 38,12% so với toàn tỉnh. Lĩnh vực hoạt động thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.

h2..jpg
Bến Lức quan tâm đầu tư vì sự phát triển nhanh và bền vững

Kế hoạch năm 2024, huyện Bến Lức tập trung chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cạnh đó, triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch của huyện gắn với Quy hoạch của tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện, thúc đẩy phát triển công nghiệp - xây dựng và đô thị.

Đồng thời, phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong đó, huyện Bến Lức chú trọng phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ theo hướng thông minh, hiện đại; hạ tầng kỹ thuật ngày càng phát triển đồng bộ với hạ tầng xã hội được đầu tư tại các dự án khu dân cư đô thị, giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên.

Ông Lê Thành Út, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức cho biết, để đưa Bến Lức trở thành huyện phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, địa phương đã xây dựng chương trình huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để nhằm tập trung huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Theo ông Lê Thành Út, với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà, nhất định sẽ vượt qua khó khăn, tạo bước đột phá, xây dựng địa phương ngày càng phát triển với những nét độc đáo, hấp dẫn riêng. Bên cạnh, có được tự tin và khát vọng, nhất định sẽ đưa Bến Lức phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, từng bước hiện đại hóa. Đồng thời, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “mỗi người dân Bến Lức đều được hưởng thành quả tăng trưởng.

Bạch Thanh