Môi trường

Thái Nguyên: Nâng cao thu nhập người dân nhờ trồng quế

Hoàng Ngân 29/02/2024 - 15:52

Những năm gần đây, quế là loại cây được nhiều hộ dân trong tỉnh lựa chọn trồng để cung cấp nguồn dược liệu và gỗ cho thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

84.jpg
Mô hình trồng quế tại huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên

Với đặc tính dễ chăm sóc và cho thu nhập cao, thời gian qua, nhiều hộ dân trong tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế. Hiện nay, Định Hóa và Võ Nhai là 2 địa phương đang phát triển mạnh giống cây này.

Huyện Võ Nhai hiện có gần 62.700 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có gần 20.000 ha rừng đặc dụng, 24.900 ha rừng sản xuất và trên 17.900 ha rừng phòng hộ. Từ năm 2021, huyện đã triển khai Dự án phát triển cây quế giai đoạn 2021-2025 và Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, địa phương tập trung hỗ trợ bà con nhân dân về cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế.

Tính riêng năm 2021, huyện đã hỗ trợ người dân trồng mới 97,5 ha quế. Năm 2022, huyện hỗ trợ triển khai trồng mới 145 ha, chiếm 25% trong tổng diện tích trồng rừng tập trung của toàn huyện (579 ha). Trong đó, theo Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên, bà con được hỗ trợ cây giống trồng mới 95 ha quế, với tổng kinh phí 475 triệu đồng. Dự án phát triển cây dược liệu huyện Võ Nhai hỗ trợ giống giúp người dân trồng 50 ha, với tổng kinh phí 285 triệu đồng. Đến nay, toàn huyện đã có trên 300 ha trồng quế.

Theo tính toán của người trồng quế trên địa bàn, chu kỳ từ khi trồng đến lúc khai thác toàn bộ kéo dài từ 9-15 năm. Loại cây trồng này có lợi thế là ngoài bán vỏ thì phần lá, cành, ngọn cũng được thu mua để chiết xuất tinh dầu và thân cây làm gỗ. Mỗi cây quế khoảng 9 năm tuổi sau khi khai thác có thể đạt giá trị 300-400 nghìn đồng/cây. Cây khai thác sau 12 năm tuổi có thể đạt giá trị 1,5-2 triệu đồng/cây và sau 20 năm tuổi trở lên có thể đạt 3-4 triệu đồng/cây. Như vậy, cây quế càng lâu năm có giá trị kinh tế càng cao.

Trồng quế chỉ vất vả trong 3 năm đầu khi thường xuyên phải chăm sóc, phát cỏ. Từ năm thứ 5 cây quế bắt đầu được khai thác tỉa cành, lá để bán.

rung2_20230709192927-1-.jpg
Người dân chăm sóc rừng trồng

Tương tự, tại huyện Định Hoá, Uỷ ban nhân dân huyện đã xây dựng nhiều chính sách, dự án hỗ trợ phát triển cây quế trên địa bàn. Theo đó, người dân được hỗ trợ cây giống, đối với các hộ trồng quế trong diện tích rừng phòng hộ còn được hỗ trợ thêm phân bón. Để khuyến khích mở rộng diện tích trồng quế, huyện Định Hóa đã xây dựng cơ chế hỗ trợ người dân trồng quế có diện tích đất lâm nghiệp được cơ quan có thẩm quyền cho thuê, giao khoán, đất lâm nghiệp sử dụng ổn định, lâu dài.

Theo đó, huyện hướng dẫn người trồng quế trồng với mật độ 5.000 cây/ha. Trong đó, huyện hỗ trợ chi phí mua cây giống 1.700 cây/ha, hỗ trợ 60% lãi suất trong 3 năm với khoản vay 50 triệu đồng/ha, thời hạn vay vốn tối đa là 10 năm, trong 3 năm đầu hỗ trợ lãi suất ngân hàng các hộ không phải trả nợ gốc, chỉ trả lãi. Sau 10 năm phát triển, đến nay diện tích trồng quế trên địa bàn huyện Định Hóa đã đạt khoảng 4.150 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Quy Kỳ, Linh Thông, Lam Vỹ, Điềm Mặc.

Xã Quy Kỳ là một trong những xã có diện tích trồng quế nhiều nhất huyện Định Hoá, theo lãnh đạo xã Quy Kỳ, với lợi thế về diện tích đất rừng, từ năm 2015 đến nay, bà con nhân dân trong xã đã trồng được hơn 700 ha quế, trong đó diện tích quế cho thu hoạch chiếm gần 30%. Trong xã đã có hàng trăm hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ trồng quế. So với trồng cây keo thì cây quế có giá trị kinh tế cao gấp 5-6 lần.

Để bảo đảm đầu ra cho người dân trồng quế, những năm qua, Công ty TNHH Vũ Hoa (địa chỉ tại thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa) đã tiến hành thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, Công ty có xưởng chế biến quế với công suất tối đa đạt 50 tấn cành, lá/ngày.

Giám đốc Công ty TNHH Vũ Hoa thông tin, với sản phẩm cành, lá quế được trồng từ năm 2015, công ty sẽ thu mua về và phân tách ra các phần để bán cành, lá hoặc chế biến bột lá quế, chiết xuất tinh dầu. Thời gian tới, căn cứ vào vùng trồng quế, Công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy tinh chế các sản phẩm từ quế có giá trị kinh tế cao. Khi đó, giá trị cây quế đem lại cho người dân sẽ cao hơn và thực sự trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế đồi rừng trên địa bàn.

Cây quế đã và đang khẳng định là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng. Cùng với đó, góp phần giữ đất, giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo đề án phát triển cây trồng chủ lực của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, cây quế được xác định là một trong sáu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Tỉnh đặt mục tiêu hình thành vùng trồng quế tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, quảng bá thương hiệu quế và các sản phẩm chế biến từ quế đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng quế đạt 6.500 ha, năm 2030 đạt 11.500 ha.

Hoàng Ngân