Trường học đặc biệt của lực lượng Biên phòng
(TN&MT) - Đối với những cán bộ, quân nhân huấn luyện chó của Trường Trung cấp 24 Biên phòng, câu thành ngữ “khuyển mã chi tình” được ghi nhớ nằm lòng, trở thành một trong những phương châm, ứng xử của huấn luyện viên với những “đồng đội” đặc biệt này.
Đối với những cán bộ, quân nhân huấn luyện chó của Trường Trung cấp 24 Biên phòng, câu thành ngữ “khuyển mã chi tình” được ghi nhớ nằm lòng, trở thành một trong những phương châm, ứng xử của huấn luyện viên với những “đồng đội” đặc biệt này.
Cách đây hơn 1 năm, câu chuyện về chiến công của đội cứu hộ Việt Nam góp phần cứu hộ thành công nhiều người mắc kẹt trong thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí, tình cảm chính quyền, người dân nước sở tại và bạn bè thế giới. Trong đội cứu hộ ấy có 9 cán bộ Trường Trung cấp 24 Biên phòng và 6 chó nghiệp vụ. Đó chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện ấn tượng được viết nên bởi người lính quân hàm xanh.
PGS, TS Đại tá Nguyễn Thanh Tú - người có 6 năm là Bộ đội Biên phòng công tác trên vùng biên giới phía Bắc kể rằng, nhiều chú chó nghiệp vụ thông minh, tình cảm từ lò huấn luyện của Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã chung thủy, đồng hành với người lính Biên phòng trên từng bước đường công tác bảo vệ vùng biên. Thời điểm những năm 80, 90 của thế kỷ trước, một trong những công việc quan trọng của lực lượng Biên phòng là ngăn chặn thám báo, nạn xâm nhập trái phép. “Quả thực, nếu không có những “đồng chí” này, chúng tôi rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Những “đồng chí” quân khuyển gan dạ, dũng cảm và vô cùng nhanh nhẹn, có hiệu lệnh là lao như tên bay quật ngã đối tượng để chúng tôi khống chế, tóm gọn. Rất nhiều trường hợp các “đồng chí” cứu chúng tôi thoát chết trong gang tấc”.
Những chú chó nghiệp vụ qua bàn tay huấn luyện của con người đã trở thành thứ vũ khí đặc biệt, vũ khí sống, đóng góp công trạng lớn lao, góp phần vào thành công chung. Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày nay, những “chiến sĩ đặc biệt” này còn tham gia làm nhiệm vụ tại các sự kiện lớn của đất nước và quân đội, đặc biệt, tham gia các hoạt động cứu hộ quốc tế như cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023, góp phần khẳng định Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm với khu vực và thế giới.
Nhưng, để biến loài vật đơn thuần trở thành thứ vũ khí sống đặc biệt lợi hại như vậy cần một quá trình huấn luyện bền bỉ và sự giao tiếp đặc biệt giữa người và động vật.
Trước khi mong muốn “học viên” hiểu mình nói gì, huấn luyện viên phải học cách đọc ý đồ của con vật thông qua ánh mắt, hành vi, động tác. Từng cách vẫy đuôi hay cụp đuôi, từng ánh mắt dữ tợn hay hiền hòa, lòng trắng cao hay sâu… đều thể hiện tâm lý, tính cách, thói quen, đặc tính riêng… của con vật. Sau khi hiểu tâm tính mới nói đến câu chuyện huấn luyện nghiệp vụ.
Thiếu tá Trần Quốc Hương - Cụm trưởng, Cụm Cơ động chó nghiệp vụ 1, Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết, quá trình huấn luyện chó bắt đầu từ giai đoạn 3 - 4 tháng tuổi cho đến 10 - 12 tháng tuổi và dựa vào thói quen để phân loại huấn luyện. Các chú chó ham thích, hay cắp các đồ vật, hoạt bát và hay hít, ngửi sẽ được đưa vào đào tạo chuyên ngành chó phát hiện ma túy, chó phát hiện chất nổ, chó tìm kiếm cứu nạn và chó giám biệt nguồn hơi, hỗ trợ công tác điều tra hình sự. Các chú chó thần kinh mạnh, linh hoạt và hay cắn đồ vật, hay sủa sẽ được đưa vào đào tạo chuyên ngành chó chiến đấu;... Mỗi chú chó sẽ chỉ được học một chuyên ngành cho đến khi kết thúc khóa học. Mỗi chú chó sau khi được sinh ra từ 10 - 12 tháng tuổi còn phải trải qua ít nhất 12 tháng tiếp theo huấn luyện, đào tạo mới được ra trường trở thành chó nghiệp vụ.
Lựa chọn chó huấn luyện nghiệp vụ đã khắt khe, việc lựa chọn các học viên đào tạo thành huấn luyện viên chó cũng khắt khe không kém. Bên cạnh tuân thủ các tiêu chí tuyển sinh theo quy định của Bộ Quốc phòng, huấn luyện viên chó nghiệp vụ đòi hỏi thể lực tốt; tính cách đủ kiên nhẫn, kiên trì trước những công việc tỉ mẩn, lặp đi lặp lại; nhãn quan đủ tinh nhanh, nhạy cảm tinh tế đọc được ý nghĩ của loài vật; trái tim đủ yêu thương loài vật, trân trọng công lao đóng góp của chúng và biết “học” ở chúng những hành vi bản năng để sinh tồn… Thiếu một trong những tiêu chí ấy sẽ vất vả hơn đối với huấn luyện viên.
Huấn luyện viên và
người đồng đội đặc biệt của mình trên thao trường.
Ảnh: Khương Trung
Đại tá Nguyễn Quang Thuyên - Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết, loài chó có những giác quan và nhận thức đặc biệt tinh khôn, nhạy cảm. Đối với chó nghiệp vụ đã qua chọn giống và sàng lọc, mức độ tinh khôn, nhạy cảm đặc biệt cao hơn. Vì vậy, huấn luyện, giáo dục, rèn luyện các “đồng chí” ấy không chỉ cần đến kiến thức, kỹ năng, mà còn cần tình thương yêu, sự quan tâm để ý. Chúng luôn thèm tình cảm của con người, không chỉ chăm sóc ăn uống mà còn là sự vỗ về vuốt ve, những lời khen khi huấn luyện tốt, hoàn thành nhiệm vụ, những ánh mắt tạo sự giao cảm, đó là chưa kể đến những chú chó cá biệt, hay hờn dỗi, bỏ ăn... lại càng phải để ý hơn. Vì thế, mỗi người lính Trường Trung cấp 24 Biên phòng không chỉ là một huấn luyện viên mà còn là một người bạn thân thiết, một bác sĩ tâm lý của chó nghiệp vụ.
Loài chó nói chung là loài vật sống tình cảm, trung thành. Người Việt có câu rất tinh tế: “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”, tức coi chó, quý trọng chó như con người. Đó là ứng xử nhân văn đã và đang được chứng minh tính đúng đắn ở Trường Trung cấp 24 Biên phòng. Với họ, trước đây, hôm nay và mai sau, chó không chỉ là vũ khí mà còn là “đồng chí”, “đồng đội”. Mà với người lính thì trong nhiều trường hợp, tin đồng chí, đồng đội hơn tin cả chính mình. “Khuyển mã chi tình” nảy sinh từ sự lựa chọn kỹ lưỡng cũng như khả năng nhạy cảm và sự gắn bó của người huấn luyện và “đồng đội” đặc biệt của họ.
Tham quan Trường Trung cấp 24 Biên phòng, chúng tôi đã chứng kiến một ngày huấn luyện chó nghiệp vụ mới thấm thía phương châm “chi tình” mà Đại tá Nguyễn Quang Thuyên từng nhắc đến. Cái sự chi tình trao đi đổi lại giữa con người và loài vật khiến cho công việc của họ trở nên ý nghĩa hơn, không chỉ là những người lính thực hiện nhiệm vụ mà còn là những tình nguyện viên tham gia bảo tồn loài. Từ nơi đây, những động vật tinh khôn có ích sẽ được nhân giống, lai tạo để cho ra đời những phiên bản tốt hơn, sàng lọc huấn luyện để trở nên có ích hơn, hoàn hảo hơn.
Có một hệ thống giáo án được những cán bộ, huấn luyện viên kỳ cựu, có kinh nghiệm xây dựng nên, truyền lại cho các thế hệ học viên. Nhưng cũng có một loại giáo án không tên được viết nên bởi sứ mệnh, trách nhiệm của người lính, tình yêu Tổ quốc và tình yêu thương dành cho loài vật. Những “giáo án đặc biệt” đó đã và đang làm nên sự đặc biệt của Nhà trường, góp phần vun đắp nên truyền thống vẻ vang 65 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành.