Văn phòng đăng ký đất đai Quảng Nam: Gỡ “nút thắt” từ thực tiễn
(TN&MT) - Được thành lập vào năm 2015, Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) tỉnh Quảng Nam đã có nhiều đóng góp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai. Tuy nhiên, hiện Văn phòng đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Nhiều vướng mắc
Văn phòng ĐKĐĐ Quảng Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hai cấp thành Văn phòng ĐKĐĐ một cấp theo Quyết định số 3515/QĐ-UBND ngày 30/9/2015 của UBND tỉnh Quảng Nam. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, mô hình tổ chức Văn phòng ĐKĐĐ và hệ thống các Chi nhánh đã phát huy được tính hiệu quả, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành tập trung, đảm bảo thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai theo quy trình thống nhất, đồng bộ và ngày càng chuyên nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu của tổ chức, người dân, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thị trường bất động sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo kết quả giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, trong giai đoạn 2020 - 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận 320.778 hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và đã giải quyết 308.310 hồ sơ đủ điều kiện. Trong đó trễ hạn 23.957 hồ sơ, chỉ chiếm tỷ lệ 7,7%. Các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân đã dần được khắc phục, bước đầu mang lại sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân.
Cùng với kết quả đạt được, hiện mô hình đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Theo ông Phạm Công Chung - Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Quảng Nam, TTHC về đất đai, nhất là thủ tục cấp GCNQSDĐ, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là một trong số TTHC có tính chất phức tạp, cần phải kiểm tra, xác minh qua nhiều bước theo quy định. Bên cạnh đó, số lượng hồ sơ TTHC về đất đai hằng năm rất lớn; yêu cầu của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ngày càng cao, luôn đòi hỏi phải nhanh, kịp thời. Tuy nhiên hiện nay, số lượng viên chức ở mỗi Chi nhánh rất ít, chỉ có từ 3 - 4 viên chức (kể cả viên chức lãnh đạo) vì vậy, chất lượng công việc chưa đảm bảo theo yêu cầu, nhiệm vụ. Điều này gây khó khăn trong công tác quy hoạch viên chức lãnh đạo, quản lý, điều hành, giải quyết hồ sơ tại Chi nhánh.
Hiện trụ sở làm việc của nhiều Chi nhánh vẫn chưa đảm bảo, phần lớn được bố trí tạm tại trụ sở Phòng TN&MT cấp huyện hoặc trụ sở cũ nên không có kho lưu trữ riêng dẫn đến việc lưu trữ hồ sơ còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, những khó khăn trong cơ chế tài chính cũng ảnh hưởng đến hoạt động của Văn phòng. Hiện nay, một phần viên chức biên chế phải thực hiện các nhiệm vụ mang tính chất quản lý nhà nước như: thống kê, kiểm kê; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai; xử lý đơn thư, khiếu nại; lưu trữ; quản lý, vận hành duy trì hệ thống công nghệ thông tin ngành TN&MT... nhưng các chi phí tiền lương, các khoản đóng góp và chi thường xuyên của số lượng biên chế thực hiện các nhiệm vụ, đơn vị phải cân đối từ nguồn thu hoạt động dịch vụ công của mình.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 48/241 xã, phường đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu dạng số, các địa phương còn lại, phần lớn hồ sơ địa chính được biên tập trên giấy, qua nhiều năm sử dụng đã mờ, nhàu nát, hình thể thửa đất không còn tỷ lệ đo đạc ban đầu. Việc sử dụng bản đồ này để đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; cập nhật, chỉnh lý sẽ gây khó khăn, tốn nhiều thời gian.
Tập trung tháo gỡ
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng thẳng thắn cho rằng, nhiều năm qua, công tác tổ chức cán bộ của hệ thống văn phòng ĐKĐĐ từ huyện đến tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. Tỉnh cũng ít kiểm tra, nhắc nhở, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chưa chỉ đạo cụ thể, để kéo dài quá lâu; cấp huyện thiếu đến 50% giám đốc, phó giám đốc ở các văn phòng ĐKĐĐ.
Để nâng cao hoạt động của hệ thống, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Quảng Nam đề xuất Bộ TN&MT xem xét bổ sung chức năng, nhiệm vụ về pháp chế (giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tham gia các vụ án tại Tòa án nhân dân các cấp) tại Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 4/4/2015 về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Văn phòng ĐKĐĐ.
Đồng thời, hướng dẫn địa phương thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính, điều chỉnh theo cơ chế khoán lương trên cơ sở định mức lao động kỹ thuật để tăng thu nhập cho viên chức và người lao động. Thực hiện hiệu quả công tác số hóa hồ sơ địa chính từ dạng giấy sang dạng số tại các địa phương để phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, để khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong giải quyết TTHC về đất đai, cùng với các giải pháp, đơn vị đã thường xuyên tổ chức cũng như tăng cường làm việc với tập thể lãnh đạo Văn phòng ĐKĐĐ và các Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các TTHC về lĩnh vực đất đai.
Đồng thời, Sở trình UBND tỉnh bổ sung, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ thuộc Nghị quyết 33/NQ-HĐND ngày 17/9/2020 về Đề án Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Phối hợp thực hiện thẩm định thiết kế kỹ thuật dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai các huyện. Tiếp tục thực hiện Dự án số hóa hồ sơ địa chính từ dạng giấy sang dạng số tại thị xã Điện Bàn; mở rộng cho các huyện: Duy Xuyên, Tiên Phước, Phú Ninh hướng tới mục tiêu giải quyết TTHC gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai.