Môi trường

Bảo vệ môi trường trong các KCN tại Quảng Bình: Cần giải pháp quyết liệt hơn

Thanh Tùng 29/02/2024 - 09:23

(TN&MT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang có 8 khu công nghiệp (KCN) đã được phê duyệt quy hoạch phân KCN, quy hoạch chi tiết và 6 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ môi trường (BVMT) theo quy định của pháp luật tại các khu, CCN này còn nhiều hạn chế, cần có giải pháp quyết liệt trong thời gian tới.

Hạ tầng BVMT chưa được đầu tư kịp thời

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có có 8 KCN đã được phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng gồm: KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN Bắc Đồng Hới, KCN Cảng biển Hòn La, KCN Tây Bắc Quán Hàu, KCN Hòn La II, KCN Cam Liên, KCN cửa ngõ phía Tây khu kinh tế Hòn La và KCN Bang. Trong số này, có 4 KCN đã được thành lập là KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN Bắc Đồng Hới, KCN Cảng biển Hòn La và KCN Tây Bắc Quán Hàu.

11-1-.jpg
Một doanh nghiệp hoạt động trong KCN Tây Bắc Đồng Hới. Ảnh: Thanh Tùng

Thông tin về tình hình xây dựng hạ tầng BVMT của các KCN này, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cho biết, đối với KCN Cảng biển Hòn La đã có hệ thống thu gom nước thải (nhưng vẫn còn thiếu 600m đường đấu nối) và trạm xử lý nước thải tập trung công suất 500m3/ngày đêm; KCN Tây Bắc Đồng Hới đã có hệ thống thu gom nước thải bằng HDPE với chiều dài 1.021m nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Đối với KCN Tây Bắc Đồng Hới và KCN Bắc Đồng Hới, Ban Quản lý Khu kinh tế đã trình UBND tỉnh phương án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung theo hình thức xã hội hoá. Đến nay, Dự án “Đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải tại KCN Tây Bắc Đồng Hới và KCN Bắc Đồng Hới” đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương và được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và bố trí vốn thực hiện từ nguồn vượt thu năm 2021; tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng; thời gian thực hiện 2023 - 2024.

Đối với KCN Tây Bắc Quán Hàu và KCN Cảng biển Hòn La, Ban Quản lý Khu kinh tế đã đề xuất dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Tây Bắc Quán Hàu với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng tại Văn bản số 882/KKT-KHĐT ngày 17/7/2023 về kế hoạch đầu tư công năm 2024, đề xuất lắp đặt hệ thống quan trắc tự động tại Nhà máy xử lý nước thải KCN Cảng biển Hòn La với tổng mức 3 tỷ đồng tại Công văn số 875/KKT-TNMT&DN ngày 14/7/2023 về xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2024 và giai đoạn 2024 - 2026.

Đối với KCN Cam Liên, hiện Công ty TNHH Đầu tư Capella Quảng Bình đang đề xuất triển khai thực hiện dự án Đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Cam Liên. Dự án đang trình Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư Capella Quảng Bình sẽ đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng KCN Cam Liên, bao gồm 1 Nhà máy xử lý nước thải công suất 11.000 m3/ngày đêm.

“Đối với các KCN còn lại, do chưa có kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN và số lượng dự án đăng ký đầu tư còn ít nên chưa đề xuất phương án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn này”, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cho biết.

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn Quảng Bình có 6 CCN được thành lập với tổng diện tích là 75,44ha. Tuy nhiên, chỉ có CCN thị trấn Quán Hàu đã đầu tư xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung gồm bể điều hòa, bể lắng, bể lọc, bể khử trùng; CCN Thuận Thuận Đức đang được Sở Công thương đầu tư hoàn thiện hạ tầng gồm các hạng mục giao thông, điện, hệ thống xử lý nước thải, CCN Tiến Hóa đã được HĐND huyện Tuyên Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hệ thống xử lý nước thải tập trung. Còn lại, các CCN khác, vừa cho thuê vừa tiếp tục đầu tư nên hạ tầng chưa đồng bộ.

Không cấp chủ trương đầu tư dự án mới khi chưa có hạ tầng BVMT

Có thể thấy, ngoại trừ KCN Cảng Biển Hòn La và CCN thị trấn Quán Hàu đã có hệ thống xử lý nước thải, các KCN, CCN khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến thời điểm hiện tại chưa đáp ứng được các yêu cầu về hạ tầng BVMT nhưng đã đi vào vận hành chính thức. Như vậy, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, là không thực hiện đúng theo yêu cầu hoàn thành trước 31/12/2023 của UBND tỉnh tại Công văn số 1151/UBND-KT ngày 13/6/2023.

Trước thực trạng này, trong báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Bình về việc triển khai thực hiện các quy định về BVMT của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, CCN mới đây, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình Phan Xuân Hào cho rằng, để tạo điều kiện thu hút dự án đầu tư vào các KCN, CCN, vừa thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh xem xét khẩn trương bố trí nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện hạ tầng BVMT theo quy định tại Khoản 1, Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường cho các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố không tham mưu, cấp chủ trương đầu tư mới hay nâng quy mô công suất các dự án đầu tư trong các KCN, CCN đã được thành lập khi chưa có hạ tầng BVMT theo quy định. Tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa để hoàn thiện hạ tầng BVMT các KCN, CCN trong tình hình ngân sách còn khó khăn.

Mặt khác, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh cần chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình, Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quy định tại Điều 50 Luật Bảo vệ môi trường. Xây dựng lộ trình, kế hoạch đầu tư để đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật BVMT của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định tại Điều 47, 48, 49 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Đặc biệt, không tiếp nhận thêm dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, CCN trong trường hợp khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, CCN không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng BVMT được quy định tại Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ- CP.

Thanh Tùng