Môi trường

Hà Giang: Nâng cao hiệu quả xử lý rác tại nguồn để tăng trưởng xanh

Lê Tí 28/02/2024 - 17:40

Để chủ động với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và tiến tới thu gom, quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn hiệu quả, tỉnh Hà Giang thời gian qua đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, bước đầu có kết quả nhất định, đang góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường.

Đưa phân loại rác thải tại nguồn vào nhiệm vụ trọng tâm

Thời gian qua, công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải được cải thiện rõ rệt, 100% xã, phường đã tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày; 112 xã, thị trấn có lò đốt rác thải sinh hoạt; tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom đạt 85,4%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại đạt 92,6%; vận động trồng được trên 179km đường hoa, xây dựng 125 tuyến đường xanh - sạch - đẹp kiểu mẫu… Nhờ đó, cảnh quan, môi trường được cải thiện, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên.

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang, thời gian qua MTTQ tỉnh và các huyện, thành phố đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền tổ chức xây dựng các mô hình về BVMT, lồng ghép với 5 nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ cấp cơ sở vận động nhân dân xây dựng các tuyến phố, khu dân cư kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp, bổ sung những nội dung về BVMT vào hương ước, quy ước để người dân cùng thực hiện.

anh-1-hg.jpg
Thời gian qua công tác quản lý, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt được cải thiện rõ rệt

Đặc biệt, việc xây dựng các mô hình tự quản về môi trường như “Khu dân cư tự quản BVMT”, “Tổ tự quản BVMT”, “Tổ thu gom rác thải”… đã góp phần đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội trong công tác BVMT. Qua đó, 11/11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang đều có cách làm hay, sáng tạo trong công tác chung tay BVMT, đặc biệt là công tác thu gom phân loại rác thải tại nguồn ở cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn đang được MTTQ tỉnh và các đơn vị phối hợp triển khai xây dựng mô hình ủ rác hữu cơ làm phân bón, vận động các gia đình xây dựng các lò đốt rác, thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như hệ thống loa phát thanh, truyền thanh di động, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Tăng trưởng xanh đích đến lâu dài

Với sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển KT - XH và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là mục tiêu, xu hướng tất yếu của toàn cầu hóa hiện nay. Thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Hà Giang đã chủ động nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn năng lượng, xây dựng nông thôn mới hòa hợp, tăng cường quản lý và sử dụng tài nguyên hợp lý, thúc đẩy đô thị, tiêu dùng và mua sắm xanh…

Trong kế hoạch hành động thực hiện TTX giai đoạn 2021 - 2030, Hà Giang đã đề ra mục tiêu TTX với 18 chủ đề, 105 nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm; chú trọng tích hợp các giải pháp TTX trong kế hoạch phát triển KT - XH; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng.

anh-2-hg.jpg
Thành phố Hà Giang nằm hai bên dòng Sông Lô

Đặc biệt, thời gian qua nhiều địa phương đã chú trọng, đẩy mạnh phong trào xây dựng “Nhà sạch - Vườn đẹp”, làm đường giao thông, vệ sinh đường làng, ngõ xóm; xây dựng các công trình vệ sinh, đưa chuồng trại gia súc ra xa nhà ở; cải tạo vườn tạp vừa tăng tỷ lệ cây xanh, vật nuôi vừa giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; đầu tư lò đốt rác, bãi chôn lấp rác thải, chất thải rắn, thành lập các tổ thu gom, xử lý rác thải tại khu dân cư. Nhờ đó, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 95%, tỷ lệ xử lý đạt 86%; giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; không săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt hủy diệt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Tăng cường quản lý tài nguyên, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong các lĩnh vực xã hội như lao động, việc làm, y tế và du lịch.

anh-4-hg.png
Phát triển kinh tế xanh và du lịch xanh đang được Hà Giang đặc biệt quan tâm

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang, TTX sẽ hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội là lựa chọn tất yếu, đồng thời cũng là cơ hội để tỉnh phát huy lợi thế, phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu TTX theo kế hoạch, cần nhiều giải pháp đồng bộ trong đó tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, đảm bảo cung cấp năng lượng đáp ứng các mục tiêu phát triển KT – XH và chú trọng công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức, hành động của doanh nghiệp và người dân về TTX; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc trưng, chất lượng cao theo chuỗi giá trị; tích cực bảo vệ và phát triển rừng và kiểm soát chặt chẽ chất lượng môi trường.

Lê Tí