Môi trường

Phân loại rác tại nguồn ở Yên Bình (Yên Bái): Cần triển khai nghiêm túc và hiệu quả

Thanh Ngà 28/02/2024 - 11:33

(TN&MT) - Theo chủ trương của lãnh đạo huyện Yên Bình (Yên Bái) việc phân loại rác thải tại nguồn cần tiếp tục triển khai nghiêm túc và có hiệu quả.

Nhận thức của người dân dần thay đổi

Trong thời gian qua, huyện Yên Bình đã và đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn.

z5196191448282_1b9be6d9ce7d6cba855842e8f0a9dfb3.jpg
Huyện Yên Bình tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Bà Phan Thanh Yên – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Bình cho biết: Trong năm 2023, Hội đã chủ trì phối hợp thực hiện phong trào “phân loại rác thải tại nguồn” và xử lý rác thải hữu cơ bằng công nghệ vi sinh trên địa bàn toàn huyện. Hội đã tổ chức 29 cuộc tập huấn, truyền thông cho hơn 3.600 cán bộ, hội viên và nhân dân tham dự. Qua đó, đã có hơn 650 hộ dân sử dụng thùng ủ xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh. Phong trào này được người dân tích cực hưởng ứng.

“Phong trào phân loại rác thải tại nguồn đã được người dân thực hiện phân loại chất thải vô cơ và chất thải hưu cơ. Đối với chất thải hưu cơ như: Rau, củ, quả…đã được ủ bằng men vi sinh để sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Hiện nay, đối với những hộ gia đình đăng ký xử lý rác thải sinh hoạt tại lò đốt của huyện, hội tiếp tục triển khai tới các xã nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn”, bà Phan Thanh Yên nói.

z5196191363156_171df79f7137dc009c0b3c4d4aa1e75a(1).jpg
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã tổ chức 29 cuộc tập huấn, truyền thông cho hơn 3.600 cán bộ, hội viên và nhân dân về việc phân loại rác thải tại nguồn.

Được biết, trong năm 2023, huyện Yên Bình được UBND tỉnh Yên Bái đầu tư, xây dựng hai lò đốt rác tại xã Vĩnh Kiên và xã Cảm Nhân, đến cuối năm 2023 hai lò đã hoàn thành.

Dự án lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại xã Vĩnh Kiên và xã Cảm Nhân đều có công suất 1 tấn/giờ. Trong đó, lò đốt của xã Vĩnh Kiên sẽ thực hiện thu gom và xử lý rác của 8 xã, thị trấn: Vĩnh Kiên, Hán Đà, Đại Minh, Yên Bình, Bạch Hà, Vũ Linh, Phúc An và thị trấn Thác Bà. Đối với lò đốt của xã Cảm Nhân sẽ thu gom và xử lý rác của 7 xã: Xuân Long, Ngọc Chấn, Cảm Nhân, Phúc Ninh, Mỹ Gia, Xuân Lai và Yên Thành.

Hiện nay, cả hai lò đốt đều có công suất xử lý rác thải trung bình đạt khoảng 15 tấn/ngày đêm và có thể đáp ứng khả năng xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2030 ước khoảng 20-23 tấn/ngày đêm.

Cần triển khai có hiệu quả

Lò đốt rác tại xã Vĩnh Kiên sẽ được huyện tiến hành chạy thử trong tháng 3/2024. Sau khi lò đốt của xã Vĩnh Kiên chạy thử nghiệm huyện Yên Bình sẽ rút kinh nghiệm và tiếp tục đưa lò đốt của xã Cảm Nhân đi vào hoạt động.

Dự kiến trong tháng 3/2024 huyện sẽ đưa lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Vĩnh Kiên đi vào hoạt động thử nghiệm. Chính vì vậy, việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ phải thực hiện một cách nghiêm túc để mang lại hiệu quả.

Ông Lã Tuấn Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: Trước đây, huyện đã tích cực triển khai việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn nhằm hạn chế lượng rác thải ra môi trường. Để lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Vĩnh Kiên đi vào hoạt động có hiệu quả, ngày 22/2 UBND huyện Yên Bình đã tổ chức hội nghị với các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị triển khai công tác chuẩn bị đưa lò đốt chạy thử nghiệm trong thời gian tới.

z5196191448147_799f8a09a6e44a02d38d076b3e88d770(1).jpg
Nhiều hộ gia đình đã thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Trong đó, huyện yêu cầu các xã phải thành lập hợp tác hoặc tổ đội thu gom rác thải. Đặc biệt, đối với các hộ gia đình và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn các xã đã đăng ký xử lý rác thải rắn sinh hoạt sẽ tiếp tục được tập huấn, hướng dẫn quy trình phân loại rác thải tại nguồn nhằm hạn chế rác thải cần xử lý cũng như để lò hoạt động hiệu quả.

Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn, huyện Yên Bình đã chuẩn bị các trang thiết bị để thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tới nơi xử lý.

Thanh Ngà