Xã hội

Lạng Sơn: Chung tay xoá nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo

Hoàng Nghĩa 28/02/2024 - 09:01

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa để triển khai hiệu quả công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát, giúp người dân an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống, khơi dây ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo gồm: Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 1), hoàn thành hỗ trợ về nhà ở cho 6.009 hộ; chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2), hoàn thành hỗ trợ về nhà ở cho 2.848 hộ; chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành hỗ trợ về nhà ở cho 4.246 hộ.

screenshot_20230415_054525_facebook.jpg
Thời gian qua, Lạng Sơn đã triển khai nhiều chính sách về nhà ở, hỗ trợ cho hàng nghìn hộ có mái ấm, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Năm 2023, thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các trình tự, thủ tục lập, phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đến nay, huyện Bình Gia đã phân bổ nguồn vốn để hỗ trợ làm nhà ở cho 191 hộ nghèo, cận nghèo, trong đó hỗ trợ xây mới 114 nhà, sửa chữa 77 nhà tại 5 xã. Huyện Văn Quan đã hỗ trợ làm nhà ở cho 185 hộ nghèo, cận nghèo; đã xây mới 65/91 nhà, 26 nhà đang triển khai thực hiện; sửa chữa 70/94 nhà, còn 24 nhà đang đang triển khai thực hiện.

Có thể nói, công tác hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo, cận nghèo luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng của nhân dân trong quá trình triển khai, nỗ lực hoàn thành mục tiêu chương trình đã đề ra.

Các đối tượng được rà soát, bình xét theo đúng quy định, đảm bảo công khai minh bạch, công tác tuyên truyền hướng dẫn thực hiện được chú trọng, kiểm tra, giải đáp thường xuyên.

UBND các cấp đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để có thêm nguồn lực xã hội hoá hỗ trợ thêm cho các hộ nghèo thuộc đối tượng được hỗ trợ, nhiều hộ gia đình đã được hỗ trợ thêm từ các tổ chức, đoàn thể.

Ngoài ra, UBND cấp huyện, cấp xã đã thực hiện tốt công tác theo dõi, giám sát, và vận động các tổ chức Đoàn thể, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh,... giúp đỡ các hộ gia đình trong quá trình xây dựng, huy động nguồn lực hỗ trợ cả về vốn và nhân công để giúp đỡ những hộ gia đình không có khả năng tự xây dựng sửa chữa nhà ở.

fb_img_1685950016842.jpg
Cùng với các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ở Lạng Sơn cũng đã tích cực vào cuộc hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách...

Thông qua chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, góp phần làm thay đổi diện mạo, tạo sức sống, động lực mới để người nghèo đặc biệt là người dân tộc thiểu số sống ở các xã vùng sâu, vùng xa phát huy nội lực xoá đói, giảm nghèo.

Các chương trình tạo điều kiện cho các đối tượng được hỗ trợ về nhà ở tạo lập chỗ ở ổn định, yên tâm với cuộc sống sản xuất, góp phần tích cực trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, ổn định chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn gặp nhiều thách thức. Là một tỉnh miền núi, nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, nguồn vốn để thực hiện Chương trình chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương cấp, việc huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách rất hạn chế, đặc biệt là kinh phí đối ứng để bổ sung vào quá trình làm nhà đối với các hộ nghèo, cận nghèo.

Giá thành nguyên vật liệu làm nhà ở cao hơn các huyện vùng thấp do chi phí vận chuyển xa, khó khăn... Đa số các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều thuộc những huyện vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại đến các hộ gia đình thuộc đối tượng hỗ trợ còn nhiều khó khăn, nên công tác tuyên truyền, vận động tại các cơ sở còn hạn chế, chưa phát huy tối đa hiệu quả.

Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, kết hợp linh hoạt giữa các chính sách cho vay ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa của cộng đồng để các hộ tự cải tạo, sửa chữa nhà ở, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Bố trí ưu tiên đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đối với người nghèo, hộ nghèo; nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện.

Kết hợp lồng ghép kế hoạch giảm nghèo của tỉnh với kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực lồng ghép khác cho công tác giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn khác. Tiếp tục phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động, khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; vận động các tổ chức, cá nhân và hộ khá giúp đỡ hộ nghèo theo địa chỉ.

img_1660100762451_1660181300156.jpg
Thông qua chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, góp phần làm thay đổi diện mạo, tạo sức sống, động lực mới để người nghèo đặc biệt là người dân tộc thiểu số sống ở các xã vùng sâu, vùng xa vươn lên.

Theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở trên địa bàn 2 huyện là 2.092 hộ. Trong đó, huyện Bình Gia 1.233 hộ, gồm 688 nhà đăng ký xây dựng mới, 545 nhà đăng ký sửa chữa. Huyện Văn Quan 859 hộ, gồm 472 nhà đăng ký xây dựng mới, 387 nhà đăng ký sửa chữa.

Hoàng Nghĩa