Đất đai

Tây Ninh: Nông dân làm giàu trên đất phèn

Thục Vy 27/02/2024 - 14:27

(TN&MT) - Bằng ý chí làm giàu và tinh thần vượt khó, nhiều nông dân ở tỉnh Tây Ninh đã biến những vùng đất quanh năm nhiễm phèn và ngập mặn thành những mảnh vườn xanh mướt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

rau-rung.jpg
Cây rau rừng mọc xanh tốt trên những mảnh đất phèn, đem lại thu nhập ổn định cho người dân

Hồi sinh vùng đất khó
Đến với phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), nơi được xem là thủ phủ rau rừng của Tây Ninh, ắt hẳn ai cũng dễ dàng nhìn thấy những vườn rau rừng xanh mướt. Nhưng ít ai biết được, để có được những mảnh vườn tươi tốt đó là không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức và nỗ lực của người nông dân nơi đây để biến đất phèn thành miệt vườn trù phú.

Ông Lê Văn Ngọc (phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng) là một trong những hộ đầu tiên của địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đưa cây rau rừng về canh tác trên đất lúa nhiễm phèn kém hiệu quả của gia đình. Sau hơn một năm tìm tòi và bỏ công chăm sóc, những loại rau hoang dại mọc ven sông, trên rừng ngày xưa như trâm ổi, mặt trăng, sơn máu, cóc, lộc vừng... tưởng chừng như tuyệt chủng bởi diện tích rừng ngày thu hẹp do nạn khai thác quá mức theo kiểu tận diệt lại đâm chồi, nảy lộc xanh tươi trên diện tích hơn 5.000m2 đất nhiễm phèn của gia đình. Và cũng nhờ vườn rau rừng này, gia đình ông giờ đây đã có thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Ông Ngọc cho biết, mặc dù có hơn 1ha đất trồng lúa, nhưng trước đây kinh tế của gia đình ông luôn bấp bênh do đất bị nhiễm phèn và thổ nhưỡng đất đai ở đây cũng không phù hợp với cây lúa nên cho năng suất thấp. Do đó ngoài làm nông, vợ chồng ông còn đi hái rau rừng ven sông Vàm Cỏ Đông để đem ra chợ bán, kiếm thêm thu nhập. Trong quá trình này, ông Ngọc nhận ra nhu cầu của người tiêu dùng về nguồn rau rừng sạch ngày càng lớn, bởi loại rau là thực phẩm không thể thiếu khi ăn kèm với 2 món đặc sản của địa phương là bánh tráng phơi sương và bánh canh Trảng Bàng, khiến nguồn rau rừng trong tự nhiên ngày một khan hiếm. Vì thế, thay vì bỏ công đi tìm hái, ông đã tìm kiếm và bứng từng gốc rau rừng về trồng trên mảnh đất nhiễm phèn của nhà mình.

Ban đầu do chưa có kỹ thuật canh tác, cây rau rừng phát triển còi cọc, cho năng suất rất thấp và tỷ lệ sống khi trồng cũng không cao. Tuy nhiên, sau một thời gian trồng, ông đã rút được nhiều kinh nghiệm, vườn rau rừng ngày càng xanh tốt. Thấy mô hình trồng rau rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân địa phương đã học hỏi ông Ngọc về kỹ thuật trồng rau rừng để thay thế những mảnh ruộng lúa kém năng suất. Nhờ đó, nhiều hộ đã sản xuất nông nghiệp đô thịvà có cuộc sống ổn định.

Cũng như ông Ngọc và nhiều nông dân ở phường Gia Lộc, ông Nguyễn Văn Sáu (ngụ xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng) cũng thành công với mô hình trồng cây dứa trên đất phèn. Ông Sáu chia sẻ, trước đây khu vực này vốn là một vùng đất phèn, quanh năm ngập nước. Hồi đó, gia đình ông có 10ha đất canh tác 2 vụ lúa/năm. Do đất bị nhiễm phèn, cây lúa thường phát triển chậm, năng suất thấp, lợi nhuận đạt được không nhiều. Trăn trở tìm hướng sản xuất mới, nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông thị xã Trảng Bàng, năm 2017, ông Sáu mạnh dạn chuyển đổi 10ha đất trồng lúa sang trồng dứa. Sau những khó khăn ban đầu, giờ đây ông đã sở hữu 60ha trồng giống dứa Queen kết hợp nuôi cá, hiện gia đình ông Sáu thu nhập mỗi năm hơn 3,7 tỷ đồng. Cũng từ mô hình trồng dứa này, ông Sáu đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương, giúp họ ổn định cuộc sống.

dua.jpg
Cây dứa đem lại thu nhập cao và tạo ra công ăn việc làm cho người dân

Nhân rộng mô hình
Từ những thành công việc trồng rau rừng trên đất phèn, đến nay có nhiều hộ nông dân ở thị xã Trảng Bàng đã thoát nghèo, thậm chí có của ăn của để. Trong đó, hộ trồng ít nhất là 1.000m2, hộ nhiều nhất lên đến gần 1ha. Trung bình 1.000m2 đất trồng rau rừng cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đây không chỉ là mô hình phát triển kinh tế mang về thu nhập ổn định mà còn là cách để người dân giữ gìn và phát triển đặc sản của vùng đất Trảng Bàng. Dự kiến, địa phương sẽ vận động nhân dân tiếp tục nhân rộng mô hình này để người dân ổn định cuộc sống. Hiện người dân Trảng Bàng nhân rộng hơn 13 loại rau rừng như trâm ổi, lộc vừng, rau cách, mặt trăng, trâm sắn, sơn máu, rau chiếc, bí bái, chùm mồi, rau nhái, rau bứa, rau cóc, quế vị... trên diện tích hàng chục ha đất nhiễm phèn, là nguồn sống cho hàng trăm hộ gia đình ở địa phương này.

Riêng về cây dứa, hiện nay toàn tỉnh có tổng diện tích trồng dứa khoảng 300ha (phổ biến là giống Queen) với năng suất bình quân khoảng 25 tấn/ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Bến Cầu và Trảng Bàng. Do đặc tính của loại cây dứa nên vùng đất phèn ở Bến Cầu và Trảng Bàng rất thích hợp cho cây dứa phát triển và cho trái ngọt. Nếu biết áp dụng các yếu tố khoa học kỹ thuật trong chọn giống tốt có năng suất cao, cách chăm sóc, bón phân, làm kênh mương thuỷ lợi... thì nông dân ở vùng đất bị nhiễm phèn hoàn toàn có thể sống được với cây dứa. Hiện tỉnh Tây Ninh đã phân vùng cây trồng chuyên canh với diện tích khoảng 300.000 ha (hơn 69% đất tự nhiên của tỉnh) ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu với các loại cây trồng chủ lực. Còn tại các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu; thị xã Trảng Bàng, Hòa Thành và thành phố Tây Ninh sẽ tập trung cho sản xuất nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao hướng đến xuất khẩu.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, với vị trí địa lý quan trọng, tiềm năng, lợi thế đa dạng, phong phú và không gian phát triển lớn, Tây Ninh đã xác định 4 đột phá chiến lược, trong đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, là một trong những đột phá quan trọng góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm, phát triển bền vững, người nông dân Tây Ninh có thể sống, làm giàu từ đất nông nghiệp.

Thục Vy