Nghiên cứu, nâng cao giá trị cây chè dây
Ở miền núi xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), có một thầy giáo ngoài việc giảng dạy ở Trường Tiểu học Hòa Bắc, còn là nông dân sản xuất giỏi với sản phẩm Chè dây Hòa Bắc Lê Anh Tú.
Duyên nợ với miền núi Hòa Bắc
Sinh ra và lớn lên ở huyện Anh Sơn (Nghệ An), thế nhưng thầy Lê Anh Tú (sinh năm 1979) lại chọn mảnh đất Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) để an cư lạc nghiệp. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), thầy Tú đã tình nguyện lên xã Hòa Bắc để dạy học.
Lúc bấy giờ, việc xung phong lên xã Hòa Bắc dạy học là điều hiếm thấy. Đây là vùng đất có nhiều người đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Thời điểm này đường sá đi lại khó khăn, kinh tế còn chưa phát triển, nên việc giáo viên xin về dạy tại nơi đây rất ít. Ngoài ra, cuộc sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn nên việc học hành của các cháu ít được quan tâm, vì vậy thầy phải đến từng nhà để động viên các em đi học.
"Tại đây, tôi tiếp xúc với nhiều em học sinh người đồng bào Cơ Tu, và khi đến thăm nhà thì nhà nào cũng mời một loại nước uống giống nhau, có màu vàng trong, thơm nhẹ, khi uống thì có vị đắng và hậu vị ngọt, rất ngon và lạ. Hỏi ra thì mới biết đây là nước uống nấu từ cây chè dây, một loại lá cây rừng được xem là thức uống đặc trưng của người Cơ Tu, giúp điều trị bệnh dạ dày, ăn ngon dễ ngủ. Đó là một trong những yếu tố giúp người dân tộc Cơ Tu dù điều kiện sinh sống thiếu thốn, nhưng họ vẫn luôn khoẻ mạnh", thầy Tú tâm sự.
Vốn sinh ra trong một gia đình làm nghề thầy thuốc, quen thuộc với những bài thuốc nam, thầy Tú gọi về thăm hỏi gia đình thì được chỉ bảo chè dây là một cây thuốc quý. Từ đó, thầy ấp ủ một dự định trồng chè dây để phát triển kinh tế, giúp người dân nơi đây thoát nghèo.
Sau đó, thầy Tú bắt tay vào tìm hiểu cách trồng, chăm sóc loài cây đặc biệt này trong một thời gian dài. Khi đầy đủ hết kiến thức cũng như phương pháp trồng, thầy Tú đã đem ý tưởng của mình bàn với vợ lên kế hoạch khởi nghiệp để phát triển kinh tế.
Phát triển thương hiệu Chè dây Hòa Bắc, tạo sinh kế cho người dân
Anh Tú cho biết: "Năm 2015, vườn ươm đầu tiên của tôi được hình thành trên diện tích 100m2, với hơn 50 bầu ươm. Nhưng vì chưa nắm rõ kỹ thuật ươm trồng nên những đợt đầu tôi thất bại, cây không phát triển".
Không nản chí, anh Tú vừa trồng vừa quyết tâm nghiên cứu từ sách vở, trên mạng cũng như từ bà con đồng bào Cơ Tu nơi đây. Khi nghe thông tin Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng trồng chè dây cho nông dân ở huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), anh Tú khăn gói vào để xin được tham gia.
Từ kiến thức học được cũng như đúc rút kinh nghiệm về khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, anh Tú đã thành công với vườn chè dây của mình.
Dám nghĩ dám làm, đến năm 2019, anh Tú mạnh dạn đầu tư 450 triệu đồng để xây dựng vườn chè dây trên diện tích 1 ha rừng của gia đình. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang hỗ trợ 100 triệu đồng. Vụ đầu vì gặp mưa nhiều nên cây chết, anh mất trắng gần 10 triệu đồng tiền giống. Rút kinh nghiệm từ đó, anh chọn thời điểm sau Tết để vào vụ, vì lúc này thời tiết nắng ráo, chè dây sinh trưởng tốt.
Nghĩ lại những khó khăn ban đầu, anh Tú cho biết: “Lúc mới khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn lắm, có lúc cây tươi tốt nhưng có thời điểm bị hư hại. Lúc thì bị hạn nên cây chết, lúc thì bị mưa lũ về đá tràn lấp hết cây. Hai vợ chồng đi dạy về lại lao vào dọn dẹp để trồng lại, vất vả lắm”. Trong đó, đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2022, đã khiến 1ha chè dây của gia đình anh Tú bị nhấn chìm trong biển nước, gây thiệt hại lớn.
Để cây chè dây phát triển tốt, anh Tú đúc hàng trăm trụ bê tông, đan giàn lưới thép kiên cố tạo khung cho dây chè leo lên, sinh sôi, đâm chồi. Đặc biệt, anh Tú đã thiết kế hệ thống dẫn nước suối trực tiếp từ nguồn về và lắp hệ thống phun sương tự động để chủ động nguồn nước tưới, bởi chè dây không bị sâu bệnh hại, chỉ cần bảo đảm tưới nước mỗi ngày. Do vậy, cây không cần sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật vẫn sinh trưởng mạnh.
Đến nay, vườn chè dây của anh đã phát triển ổn định, cho sản lượng cao. Chè dây có khả năng tái sinh chồi mạnh sau khi cắt cành, vì vậy cứ 45 ngày anh sẽ thu hái một lần, sau khi chế biến chè khô đạt 350kg, giá bán 180.000 đồng/kg. Mỗi năm vườn cho 12 tạ chè dây khô, sau khi trừ đi chi phí, anh thu lãi hơn 150 triệu đồng. Đồng thời tạo việc làm thời vụ cho 8 lao động địa phương với mức lương 300.000 đồng/ngày.
Theo lời anh Tú, chè dây trồng sau 1 năm là có thể thu hoạch, sau đó đem về sơ chế và cắt nhỏ. Tiếp đến là sao trên bếp củi. Với 16kg chè tươi sau khi sao sẽ được 4kg chè khô. Khi sao chè xong để chè nguội rồi ủ thêm 12 tiếng, kế đến là phơi khô khoảng 3 nắng và công đoạn cuối cùng là đóng gói.
“Điều đặc biệt ở loại chè dây chính là tính dược liệu giúp điều trị bệnh dạ dày và giúp cải thiện giấc ngủ. Khi hái thì hái phần lá và thân dây còn non để tính dược liệu cao nhất. Sau khi sao chè và phơi sẽ có một lớp màu trắng phủ bề mặt chè, đây chính là phấn chè có tính dược liệu cao. Chính vì thế nên sản phẩm chè dây được nhiều người ưa chuộng, nhất là khu vực phía Bắc”, anh Tú thông tin thêm.
Sản phẩm chè dây của vợ chồng anh Tú được công nhận OCOP 3 sao, đạt giải Nhì trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Thời gian tới, anh Tú dự định đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại để tạo ra sảm phẩm mới là chè dây túi lọc và cao chè dây; mở rộng quy mô vườn chè lên 2 ha và liên kết với các hộ dân để chủ động nguyên liệu sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương về rừng dược liệu. Qua đó, giúp người đồng bào Cơ Tu bám đất bám rừng, có việc làm và nguồn kinh tế ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.