Kinh tế

Cây măng tre Bát Độ giúp hàng nghìn hộ xoá đói, giảm nghèo

Thanh Ngà (thực hiện) 27/02/2024 - 14:25

(TN&MT) - Trong những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn 2024, các địa phương của huyện Trấn Yên (Yên Bái) đang tích cực ra quân trồng mới diện tích cây tre Bát Độ nhằm giúp người dân phát triển kinh tế và tăng độ che phủ rừng, PV Báo TN&MT đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Mầu – Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên về hiệu quả mà cây trồng này mang lại.

z5193182034350_577de4a97419463e9233d6996c18aa56.jpg
Ông Nguyễn Đức Mầu – Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên.

PV: Xin ông cho biết kế hoạch trồng cây, trồng rừng và đặc biệt là trồng tre Bát Độ phát triển kinh tế trong dịp đầu năm của người dân trên địa bàn huyện Trấn Yên?

Ông Nguyễn Đức Mầu: Hưởng ứng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân” huyện Trấn Yên đã tổ chức các phong trào trồng cây, trồng rừng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện; diện tích rừng trồng hàng năm gần 3.000ha, vượt kế hoạch được giao; độ che phủ rừng của huyện đạt 70%.

Đặc biệt, huyện Trấn Yên đã quan tâm đến phát triển và khai thác lợi thế về phát triển kinh tế rừng, phát triển mạnh trồng cây tre măng Bát Độ để phát triển lâm nghiệp theo hướng đa mục tiêu: Kinh tế - xã hội - môi trường. Có thể khẳng định, phong trào trồng rừng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp cảnh quan thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Đồng thời, tạo môi trường sống xanh - sạch - đẹp của địa phương, góp phần thực hiện chủ trương không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra.

z5190143092679_6e51d5e845acc9a638da369a7e4b7460.jpg
Ông Nguyễn Đức Mầu – Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên ra quân trồng măng tre Bát Độ tại xã Việt Hồng.

PV: Thưa ông! Cây măng tre Bát Độ được xem là một trong những cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện Trấn Yên trong suốt thời gian qua, ông có thể đánh giá rõ hơn hiệu quả mà cây trồng này mang lại?

Ông Nguyễn Đức Mầu: Cây tre măng Bát Độ bén duyên với huyện Trấn Yên từ năm 2003, có thể khẳng định, cây trồng này rất phù hợp với điều kiện canh tác của bà con nhân dân. Huyện đã xác định đây là cây trồng xoá đói, giảm nghèo cho bà con tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng măng tre Bát Độ để phát triển kinh tế. Người dân cũng đã chuyển đổi dần các diện tích cây trồng hiệu quả thấp như: Keo, bồ đề và vườn tạp sang trồng tre Bát Độ.

Đến nay toàn huyện có trên 4.000ha tre măng bát độ đã được thu hoạch, dần đưa cây trồng này trở thành vùng hàng hoá lớn nhất của tỉnh Yên Bái với 10 xã được quy hoạch thành vùng trồng tre măng tập trung. Trong năm 2024, huyện sẽ trồng mới từ 300ha trở lên, phấn đấu đến năm 2025 có trên 5.000ha cây măng tre Bát Độ.

Hàng năm cây trồng này cho sản lượng măng thương phẩm đạt trên 30.000 tấn, với giá thu mua trung bình từ 5.000 đồng – 6.000 đồng/kg, mỗi héc ta măng Bát Độ người dân có thu nhập hơn 50 triệu đồng, đối với diện tích thâm canh cao có thể đạt từ 70 – 80 triệu đồng/ha. Cây măng tre Bát Độ đã mang lại cuộc sống ấm no cho hàng nghìn người dân ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài hiệu quả phát triển kinh tế, cây tre Bát Độ có tác dụng rất lớn về bảo vệ môi trường, chúng tôi theo dõi trong vòng 10 năm vừa qua, tại những vùng trồng tre măng Bát Độ tập trung đều không có hiện tượng xảy ra sạt lở hoặc lũ quét ở những vùng này, đây là điều rất quý. Bên cạnh đó, cây trồng nay đã góp phần trong việc che phủ đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn huyện Trấn Yên, góp phần đưa tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 70%.

PV: Để cây trồng này tiếp tục phát triển và mang lại hiệu quả huyện đã làm gì? Thưa ông!

Ông Nguyễn Đức Mầu: Hiện nay, với việc hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, tre măng Bát độ đang trở thành cây trồng chủ lực, không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà đã trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ dân.

Từ hiệu quả của việc liên kết “4 nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả tích cực, cải thiện đáng kể thu nhập của nông dân và góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

429478503_410681884831569_8533482753832876936_n.jpg
Các địa phương của huyện Trấn Yên đang tích cực ra quân trồng mới diện tích cây tre Bát Độ.

Để tạo mô hình liên kết trong phát triển tre măng, chính quyền các xã đã vận động thành lập hợp tác xã, tạo “cầu nối” giữa doanh nghiệp và nông dân trong thu mua, tiêu thụ nông sản. Măng của bà con trồng, thu hoạch đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó. Các đơn vị thu mua chính như: Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty cổ phần Yên Thành liên doanh với Công ty TNHH YAMAZAKI Việt Nam.

Tới thời điểm thu hoạch, trước khi bước vào vụ, Ban quản lý chương trình tre măng Bát Độ của huyện chủ động tuyên truyền, tư vấn nông dân thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chỉ đạo doanh nghiệp thu mua bố trí lịch cân và thời gian thu mua hợp lý. Ngoài ra, thực hiện tư vấn, hỗ trợ các chủ thể dự án liên kết thực hiện các nội dung Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị măng tre Bát Độ: Xây dựng thiết kế logo, tem nhãn, bao bì sản phẩm, xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng măng tre, hỗ trợ người dân một phần kinh phí về giống, phân bón giúp người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong phát triển nông nghiệp bền vững và tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Ngà (thực hiện)