Thế giới

Châu Á - Thái Bình Dương có thể vượt qua toàn cầu về chuyển đổi năng lượng

Mai Đan 23/02/2024 - 14:01

(TN&MT) - Công ty tư vấn nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie (WoodMac) vừa nhận định, năm 2050, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm gần 50% cơ hội công nghệ carbon thấp trên thế giới.

Là nơi sinh sống của 50% dân số thế giới và đóng góp 1/3 vào GDP toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ duy trì 50% nhu cầu năng lượng sơ cấp và 60% lượng phát thải carbon trên toàn cầu cho đến năm 2050. Nếu không có hành động chính sách và đầu tư mạnh mẽ thì xu hướng này khó có thể thay đổi.

Tuy vậy, theo báo cáo “Triển vọng chuyển đổi năng lượng châu Á - Thái Bình Dương” (ETO) của Wood Mackenzie, đây vẫn là khu vực có tiềm năng biến những thách thức trên thành cơ hội và trở thành khu vực dẫn đầu toàn cầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

powering_the_clean_energy_transition.jpg
Nhà máy thủy điện ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào xuất khẩu điện sang Thái Lan. Nguồn ảnh: ADB

Ông Prakash Sharma, Phó Chủ tịch phụ trách Nghiên cứu kịch bản và Công nghệ tại Wood Mackenzie cho biết, mỗi quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều rất khác nhau về tốc độ tăng dân số, phát triển kinh tế, bối cảnh chính sách, nguồn tài nguyên thiên nhiên mà họ có và quan trọng hơn, những gì họ không có sẽ quyết định cách họ chuyển đổi sang con đường phát thải thấp.

Đẩy mạnh chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp

Wood Mackenzie khẳng định, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là thị trường sản xuất điện và năng lượng tái tạo lớn nhất hiện nay và cũng là thị trường đa dạng nhất. Mỗi quốc gia có các nguồn lực địa phương, các yếu tố kinh tế và tình hình chính trị khác nhau để thúc đẩy sự phát triển của ngành này.

Chuyên gia về chuyển đổi năng lượng Jom Madan cho rằng, để cân bằng các bước cần thiết nhằm khử carbon phù hợp với điều kiện thực tế thì năng lượng tái tạo và xe điện (EV) sẽ đóng vai trò quan trọng cho quá trình chuyển đổi của khu vực này.

Việc áp dụng công nghệ chuyển đổi năng lượng sẽ tạo chuyển đổi lớn. Theo kịch bản cơ bản của Wood Mackenzie, nguồn cung xe điện tại châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng từ 24 triệu xe hiện nay lên 635 triệu chiếc vào năm 2050, một con số đáng kinh ngạc.

Bên cạnh đó, nguồn cung xe điện dự kiến sẽ tăng thêm 30% trong kịch bản các nước tuân theo đúng cam kết đã đặt ra. Đồng thời, với kịch bản “không phát thải ròng”, nguồn cung xe điện sẽ đạt mức tăng đáng kể là 60%. Sự tăng trưởng theo cấp số nhân này được thúc đẩy bởi giá cả phải chăng của xe điện và sự sẵn có của các nguồn tài nguyên trong khu vực.

apac-energy-transition-outlook-chart.jpg
Mỗi quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều rất khác nhau về tốc độ tăng dân số, phát triển kinh tế, bối cảnh chính sách, nguồn tài nguyên thiên nhiên mà họ có và quan trọng hơn, những gì họ không có sẽ quyết định cách họ chuyển đổi sang con đường phát thải thấp

Cũng theo kịch bản trên, nhu cầu về lithium được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp ba lần trong Kịch bản phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhu cầu về niken, coban đồng khả năng cũng sẽ tăng mạnh.

Sẽ có những thách thức phải vượt qua. Bối cảnh pháp lý đối với các công nghệ mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ít thuận lợi hơn so với Châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn là khử carbon, cùng với những hạn chế về tài trợ công, là những trở ngại chính. Trong bối cảnh đó, các chính sách khử carbon khác nhau trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng.

Châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm gần 50% công nghệ mới phát thải carbon thấp

Quá trình chuyển đổi năng lượng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là một quá trình hỗn hợp. Quá trình khử carbon là một chủ đề phổ biến nhưng bản chất của thách thức này vẫn chưa phổ biến. Mức độ giàu có khác nhau, trữ lượng hydrocarbon, thực tế chính trị và tiềm năng năng lượng tái tạo đã biến khu vực này thành một chiếc kính vạn hoa với những hoàn cảnh độc đáo, nơi mọi công nghệ đều có vai trò.

Theo kịch bản cơ bản của Wood Mackenzie, nguồn cung carbon thấp chiếm 35% sản lượng điện hiện nay và dự báo sẽ tăng lên 75% vào năm 2050, trong khi tỷ lệ năng lượng gió và năng lượng mặt trời tăng đến hơn 54%.

Ví dụ, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió tích lũy là 2.000 GW vào năm 2030, vượt mục tiêu đề ra. Ấn Độ đặt mục tiêu tăng cường năng lượng tái tạo lên 500 GW vào năm 2030. Nhật Bản và Hàn Quốc đã đặt ra lộ trình sử dụng hydro để thực hiện tham vọng không khí thải của họ. Trong khi đó, đến năm 2050, Australia sẵn sàng dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về sản xuất năng lượng tái tạo, với thị phần hơn 80%.

Báo cáo của Wood Mackenzi chỉ rõ, sự tăng trưởng nhanh chóng về năng lượng tái tạo này sẽ đi kèm với việc áp dụng phương pháp lưu trữ năng lượng, hydro, lò phản ứng hạt nhân mô - đun nhỏ và công nghệ địa nhiệt. Đến năm 2050, gần 50% cơ hội công nghệ mới về phát thải carbon thấp trên thế giới được cho là sẽ diễn ra ở châu Á - Thái Bình Dương.

Việc triển khai thành công lộ trình thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) và hydro carbon thấp cần có sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ. Bà Roshna Nazar, nhà phân tích nghiên cứu, chuyển đổi năng lượng tại Wood Mackenzie cho biết: “Mặc dù một số thị trường đã đặt ra mục tiêu đạt được lượng phát thải ròng bằng 0 nhưng hiện tại rất ít quốc gia đang trên đà đạt được mục tiêu đó. Cần có chính sách định giá carbon mạnh mẽ, ưu đãi thuế và các chế độ quản lý hỗ trợ để khuyến khích quá trình chuyển đổi và thu hẹp khoảng cách phát thải”.

Mai Đan