Môi trường

Trồng 500 cây xanh ở lăng vua Gia Long

Văn Dinh - Nhật Toàn 23/02/2024 - 10:49

(TN&MT) - Việc trồng cây xanh ở lăng vua Gia Long góp phần phủ xanh đất trống, tăng cường bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học cho di sản…

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa tổ chức lễ phát động Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn 2024 tại lăng hoàng đế Gia Long (xã Hương Thọ, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế).

428612021_914213040708842_7286595057830884428_n.jpg
Trồng cây ở lăng vua Gia Long

Theo đó, hàng trăm người đã trồng 500 cây xanh bản địa, cây đặc thù của di tích gồm Bạch hoa, Lộc vừng, Tràm bông đỏ và cây Lim trên tổng chiều dài hơn 2 km xung quanh khu vực hồ Dài, lối vào lăng và ven các cung đường đi dạo.

Hưởng ứng chủ trương trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động nhằm triển khai thực hiện chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, thời gian qua lăng vua Gia Long được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tập trung trùng tu tôn tạo cảnh quan hoàn chỉnh để phục vụ khách tham quan. Việc trồng cây xanh nhằm phát triển cảnh quan thiên nhiên, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng cường bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học cho khu di sản. Đồng thời, trồng cây còn mang lại nguồn lợi to lớn, lâu dài cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị cảnh quan môi trường di tích cũng như đóng góp vào việc bảo tồn Di sản Cố đô Huế.

428629185_914212990708847_4627018229051676209_n.jpg
Việc trồng cây xanh ở lăng vua Gia Long góp phần phủ xanh đất trống, tăng cường bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học cho di sản…
392874999_914213307375482_9216963166901319216_n.jpg

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, di sản Huế được xem là kiểu kiến trúc cảnh quan hết sức đặc biệt, mà trong đó, hệ thống cây xanh đóng vai trò cực kỳ quan trọng, làm tôn lên nét đẹp của các công trình kiến trúc, tạo cho các khu Di sản Huế sự sống động, tinh tế. Sự kết hợp hài hoà giữa các công trình kiến trúc giàu tính thẩm mỹ và yếu tố cảnh quan thiên nhiên thơ mộng đã làm cho các khu Di sản Huế trở thành một "Kiệt tác về thơ và kiến trúc đô thị".

“Sau đợt phát động Tết trồng cây lần này, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch nhằm triển khai các hoạt động trồng cây xanh bản địa tại các điểm di tích còn lại nhằm đảm bảo các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích không còn bị xâm chiếm trái phép, rừng cảnh quan tại các điểm di tích ngày càng được tôn tạo thêm và cảnh quan môi trường tại các điểm di tích ngày càng xanh sạch đẹp”, ông Trung nói.

Văn Dinh - Nhật Toàn