Lạng Sơn: Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo
(TN&MT) - Là tỉnh miền núi, biên giới vùng Đông Bắc của Tổ quốc, trong năm 2023, công tác giảm nghèo đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn quan tâm, thực hiện đồng bộ, góp phần đẩy mạnh giảm nghèo nhanh và bền vững.
Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo
Lạng Sơn có diện tích tự nhiên hơn 8.310 km2, dân số là 807.300 người gồm 7 dân tộc chính, trong đó, 83,91% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở địa bàn nông thôn, miền núi. Toàn tỉnh có 10 huyện, 1 thành phố loại II; 200 đơn vị hành chính cấp xã, có 1.646 thôn, tổ dân phố.
Để triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương về chính sách giảm nghèo, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các cơ chế, chính sách, dự án hỗ trợ công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023; rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định hộ làm nông – lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2023. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình, hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đạt 3%.
Theo UBND tỉnh, trong năm qua, Lạng Sơn đã triển khai hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, như: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; cấp thẻ BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số; hỗ trợ tiền điện, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cứu đói giáp hạt… góp phần giúp người nghèo ổn định cuộc sống, an tâm đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo.
Tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH với 2 huyện nghèo là Văn Quan, Bình Gia. Trong 2 năm 2022 – 2023, đã đầu tư xây dựng 63 công trình sửa chữa, bảo dưỡng 7 công trình giao thông. Tập trung các nguồn lực triển khai Đề án hỗ trợ huyện Văn Quan thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025.
Tại 11 huyện, thành phố, đã phê duyệt 155 mô hình giảm nghèo, các huyện đã hướng dẫn, đôn đốc cấp xã xác định thôn, nội dung hỗ trợ, triển khai cho các hộ dân đăng ký đảm bảo đúng đối tượng.
Đặc biệt, thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo, trong năm, đã có trên 5.600 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; tạo việc làm cho trên 4.100 lao động; trên 8.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây mới, sửa chữa cải tạo từ nguồn vốn tín dụng chính sách; trên 2.700 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn. Nguồn vốn vay đã giúp người nghèo, các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm; cải tạo, chăm sóc và trồng rừng, cây ăn quả…
Cùng với đó, tiếp tục quan tâm triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, khuyến khích, động viên người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Chú trọng việc nhân rộng, giới thiệu các cá nhân, tập thể, hộ gia đình tiêu biểu có ý chí vươn lên thoát nghèo.
Xây dựng cơ sở dữ liệu hộ nghèo, cận nghèo
Tuy nhiên, năm 2023, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của Lạng Sơn năm 2023 chỉ đạt 2,9%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra là 3%. Công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, việc sử dụng các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ phát triển sản xuất, tín dụng, giải quyết việc làm, nhân rộng mô hình giảm nghèo… còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa phát huy hết hiệu quả.
Sự phối hợp, huy động, lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn lực chưa nhiều, chưa khai thác được nội lực để thực hiện hiệu quả chương trình, dự án tại địa phương. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn còn thấp (đặc biệt là vốn sự nghiệp) so với kế hoạch do còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đối tượng thụ hưởng, cơ chế chính sách, quy trình triển khai, như Dự án 2, Dự án 3, Tiểu dự án 1 thuộc dự án 4, Tiểu dự án 1 thuộc dự án 6, Tiểu dự án 2 thuộc dự án 7… Việc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo tại một số địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát.
Nhận định rõ những tồn tạ, hạn chế, năm 2024, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giảm nghèo, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án, hoạt động về giảm nghèo. Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo về kiến thức trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại. Đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo.
Trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét điều chỉnh Nghị quyết số 47-NQ/TU, ngày 9/9/2021 về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, dự kiến, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 - 2,5% (riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4,5%/năm); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 2 - 2,5%/năm.
Xây dựng cơ sở dữ liệu hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo quản lý thống nhất về công tác giảm nghèo, tăng cường cung cấp các thông tin liên quan về KT-XH, giúp người nghèo kết nối với thị trường lao động, thị trường hàng hoá để đầu tư sản xuất, kinh doanh, sinh kế hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về quản lý Chương trình; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình.
Đến hết năm 2023, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh Lạng Sơn còn 12.397 hộ nghèo, tỷ lệ 6,02%, giảm 2,9% so với năm 2022; 18.438 hộ cận nghèo, tỷ lệ 8,96%.
Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 95% trên tổng số hộ nghèo, giảm 0,23% so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên tổng số hộ dân tộc thiểu số là 7,05%, giảm 3,37% so với năm 2022.