Chuyển đổi Xanh

Chuyển đổi xanh để bắt kịp xu thế

Hoàng Hiền 22/02/2024 - 17:59

(TN&MT) - Là một trong những nước châu Á đặt tham vọng lớn nhất trong tiến trình giảm phát thải khí nhà kính, chiến lược phát thải ròng bằng "0" của Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 43,5% lượng phát thải. Chính phủ cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có những bước đi nhanh, mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Các chính sách hỗ trợ kịp thời

Để bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải, chuyển đổi năng lượng. GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch HĐ Đại học Bách Khoa cho biết, năm 2022, Việt Nam ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022; tiếp đó là Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 tại Quyết định số 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/7/2022. Trong các chiến lược này đều có đề cập đến nhiều giải pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải.

Trong công văn số 149 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời kiến nghị của cử tri Bình Định liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trạm sạc xe điện được ký đầu năm 2024 cho biết, 18 tiêu chuẩn liên quan đến trạm sạc xe điện và các thiết bị điện liên quan như đầu sạc, dây cáp sạc, thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện đang được Bộ xây dựng.

thue-xe-dap-cong-cong-tphcm-00-3861.jpg
Xe đạp công cộng của Tập đoàn Trí Nam

Ngoài ra, Bộ cũng sửa đổi và bổ sung một số điều của Thông tư 23 ban hành năm 2013 quy định về đo lường đối với phương tiện nhóm 2 với nội dung bổ sung "thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện". Thông tư sửa đổi bổ sung này dự kiến ban hành trong năm 2024.

Công văn cũng đề cập về việc Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp cùng với các bộ, ngành nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại phương tiện này .

Giao thông xanh - xu thế tất yếu

Phát triển giao thông xanh đang là xu thế tất yếu ở các đô thị trên thế giới. Với Việt Nam, giao thông xanh cũng là yêu cầu cấp thiết để xây dựng đô thị xanh và đô thị thông minh.

Về việc xanh hóa giao thông công cộng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, TP.HCM sẽ tập trung chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng, xe buýt, taxi. Thành phố sẽ tăng mức trợ giá, hỗ trợ trạm sạc đối với xe buýt điện, miễn giảm thuế trước bạ, hỗ trợ điều kiện vận hành, khai thác đối với xe taxi điện.

trien-vong-dich-vu-xe-buyt-dien-ha-noi-sau-khi-thu-nghiem.jpg
Xe buýt điện thông minh hoạt động thử nghiệm ở các tuyến đường nội bộ Khu đô thị Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm)

Đối với các loại môtô, xe 2 bánh cũ, thành phố cũng nghiên cứu, khoanh vùng và xác định một số đối tượng thí điểm như huyện Cần Giờ, khu vực trung tâm. Các đối tượng sẽ được hưởng các hỗ trợ gián tiếp bằng chính sách hoặc trực tiếp qua chi phí mua xe điện.

Từ năm 2020 đến nay, Thủ đô Hà Nội và TP.HCM đã có chủ trương phát triển giao thông xanh. Hà Nội đưa vào vận hành các tuyến xe buýt sử dụng năng lượng xanh, bao gồm xe buýt điện của VinBus và xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch khí nén CNG. Dịch vụ xe đạp công cộng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam đã chính thức khai trương tại hai thành phố lớn này cũng tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông xanh cho người dân đi lại và du khách tham quan khu vực trung tâm thành phố.

"Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Việt Nam đã đưa vào một số luật nhiều cơ chế để thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng phương tiện sạch như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường 2022. Trong đó đề cập những ưu đãi rất rõ và cụ thể ôtô sử dụng điện, bên cạnh những chính sách đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch,… Bên cạnh đó, Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/7/2022 đặt mục tiêu rất cụ thể chuyển đổi sang
năng lượng sạch, giảm phát thải khí carbon và khí methan cho lĩnh vực giao thông vận tải. Chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và sử dụng nhiên liệu sạch là một trong những giải pháp chủ đạo của lĩnh vực giao thông vận tải”

GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch HĐ Đại học Bách Khoa

Trên thực tế, muốn xây dựng và phát triển giao thông xanh, cần có những chính sách mang tính sáng tạo, đổi mới trong việc vận hành, triển khai các mô hình giao thông xanh, thuyết phục để người dân tự giác chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng nói chung và phương tiện giao thông xanh nói riêng. Cùng với đó là hành lang pháp lý đạt quy chuẩn quốc gia về xe buýt điện, đơn giá định mức, định hướng trong công tác quản lý sau này một cách đồng bộ, chặt chẽ; tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho giao thông xanh, nhất là xe điện, tàu điện. Khích lệ xã hội hóa và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để phát triển giao thông xanh…

Tăng tốc chuyển dịch năng lượng xanh

Để phương tiện giao thông chuyển đổi xanh, việc chuyển đổi năng lượng cũng cần phải được tăng tốc. Ngay từ sớm, nhiều chủ trương, chiến lược đã được hình thành để huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng tái tạo, như: Phát triển thủy điện từ những năm 2000, phát triển điện gió từ sau 2010.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW (Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020)...

hanoimoi.com.vn-uploads-images-tuandiep-2023-03-24-_lap-dat-he-thong-dien-mat-t.jpg
Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam

Theo đó, để phát triển năng lượng tái tạo cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn...

Riêng đối với điện gió và điện mặt trời, chủ trương của Việt Nam là ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Trong 4 năm tính đến 2021, tỷ trọng điện lượng Mặt Trời tại Việt Nam đã tăng từ mức thực tế gần như bằng 0 lên gần 11% (theo Tạp chí The Economist của Anh số ra ngày 4/6/2022). Đây không chỉ là tốc độ tăng nhanh hơn hầu hết mọi nơi trên thế giới, mà tỷ trọng này còn cao hơn so với các nền kinh tế lớn như Pháp hay Nhật Bản, qua đó, Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong khu vực về chuyển đổi năng lượng sạch.

Theo kế hoạch đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Việt Nam dự kiến đạt mức phát thải cao nhất vào năm 2030 và mức phát thải ròng bằng 0 năm 2050, với mục tiêu tạo ra 60 GW năng lượng tái tạo vào năm 2030. Tuy nhiên, hệ thống năng lượng của Việt Nam còn đối mặt với một số thách thức, trong đó có hiểm họa khí hậu như bão và lũ lụt. Để Việt Nam tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á về năng lượng bền vững, Việt Nam phải giải quyết những thách thức này một cách hiệu quả.

Hoàng Hiền