Xã hội

Thừa Thiên – Huế: Ngư dân nỗ lực vươn khơi đầu xuân

Văn Dinh - Thảo Vy 22/02/2024 - 17:40

(TN&MT) - Những ngày này, ngư dân Thừa Thiên – Huế đồng loạt ra quân đánh cá vụ Nam đầu xuân, với hy vọng một năm bội thu, đánh bắt hiệu quả, thu nhập ổn định.

Thời tiết sau Tết Giáp Thìn thuận lợi, nắng ấm, gió nhẹ nên ngư dân vùng biển Thuận An (TP. Huế) đồng loạt mở chuyến biển đầu năm. Trong khi đó, một số bà con cho biết họ đã xuất quân chỉ sau 3 ngày Tết ở những vùng biển gần, ra khơi vài ngày để “xông biển”, thế nhưng vẫn cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

Ngư dân Trần Văn T. (SN 1960, ở phường Thuận An) cho hay, gia đình ông có hơn 30 năm bám biển đánh bắt hải sản để mưu sinh. Nhờ nỗ lực và cần mẫn bám biển nên sau nhiều năm đã có kinh tế khá khẩm, đóng mới được tàu cá công suất hơn 400 CV thay cho con tàu cũ, qua đó việc đánh bắt hải sản được thuận lợi hơn.

“Nhờ thời gian dài bám biển nên tôi biết được ngư trường nào thường xuất hiện nhiều luồng cá vào thời điểm đánh cá vụ Nam này. Bà con đi chuyến biển này khoảng 15-20 ngày. Tôi và các ngư dân đi trên tàu mong mỏi chuyến ra khơi đầu năm sẽ gặp nhiều may mắn, đánh bắt thật nhiều hải sản, mang lại thu nhập cao, phát triển kinh tế bền vững, đồng thời vừa tham gia giữ biển đảo quê hương mình”, ông T. tâm sự.

ngudanhue-1.jpg
Ngư dân phấn khởi với nhiều tôm, cá đầu xuân

Phường Thuận An có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ lớn của Thừa Thiên - Huế với hơn 370 phương tiện, trong đó có 170 tàu đánh bắt xa bờ, chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa.

Theo ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường Thuận An, tất cả tàu cá của bà con ngư dân ở địa phương đều đã ra khơi đánh bắt cá vụ Nam. Bên cạnh việc phát huy thế mạnh với đội tàu lớn và ngư dân giàu kinh nghiệm, phường đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn, kêu gọi bà con ngư dân đầu tư nâng cấp tàu cá, ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại, đa dạng loại hình thủy sản đánh bắt để khai thác hiệu quả kinh tế biển.

Lãnh đạo TP. Huế đề nghị phường Thuận An tiếp tục đề xuất các cơ chế, giải pháp để hỗ trợ bà con ngư dân vươn khơi, bám biển. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển năng lực đánh bắt, đóng mới, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn trong chỉ tiêu hạn ngạch để vươn khơi đánh bắt xa bờ. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, đa dạng nghề trên một phương tiện tàu thuyền nhằm đánh bắt sản phẩm có giá trị xuất khẩu, tăng giá trị và hiệu quả kinh tế…

Ngoài phường Thuận An, những ngày đầu xuân Giáp Thìn, hàng nghìn ngư dân ở các xã biển ở tỉnh Thừa Thiên - Huế như Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (huyện Phú Vang); Lộc Trì (huyện Phú Lộc)… cũng đều xuất quân ra khơi. Tuy nhiên, không ít ngư dân cũng lo lắng về giá nguyên liệu tăng cao, giá thu mua hải sản giảm.

“Tôi vừa trở về sau chuyến đi biển kéo dài vài ngày, chủ yếu đánh cá thu, cá ngừ. Tuy nhiên giá xăng dầu tăng mà sản lượng vẫn chưa được kì vọng, nên thu nhập chưa tốt lắm. Hi vọng những chuyến tới sẽ ổn định hơn”, một ngư dân ở xã Phú Hải (huyện Phú Vang) chia sẻ.

ngudanhue-2.jpg
Bà con ngư dân nỗ lực cải tiến ngư lưới cụ, tàu thuyền với hi vọng một năm thu nhập ổn định, tôm cá đầy khoang

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin rằng, toàn tỉnh hiện có hơn 650 tàu cá đăng ký trên hệ thống dữ liệu quốc gia. Kinh tế biển đang trở thành động lực phát triển của tỉnh, góp phần khai thác lợi thế phát triển du lịch và thủy sản, giải quyết tình trạng chia cắt, cô lập trong mùa mưa bão, bảo đảm quốc phòng an ninh. Nghề biển đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hơn 10.000 hộ gia đình với hơn 21.000 lao động, trong đó lao động khai thác hải sản xa bờ khoảng 5.000 người. Năm 2023, nhờ nỗ lực bám biển của ngư dân nên tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 61.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt khoảng 41.000 tấn.

Để đạt được kết quả trên, trong thời gian qua, chính quyền các xã ven biển đã tích cực phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động các ngư dân tăng cường đoàn kết, bám biển, tham gia vào các tổ tàu đoàn kết. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác hải sản và sẵn sàng giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn trên biển. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn tích cực tuyên truyền ngư dân, các chủ tàu cá thực hiện nghiêm các quy định trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển, không tham gia đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài để cùng góp sức gỡ “thẻ vàng” IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định).

“Trong năm 2024, Sở sẽ chỉ đạo ngành thủy sản tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ bà con ngư dân vươn khơi bám biển. Đồng thời huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển năng lực đánh bắt, đóng mới, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn trong chỉ tiêu hạn ngạch để ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó tiếp tục kêu gọi ngư dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại để đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó giúp ngư dân tăng sản lượng đánh bắt hải sản, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo và vươn lên làm giàu…”, ông Đức nói.

Năm 2024, ngành thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế phấn đấu đạt 62.000 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 42.000 tấn, qua đó góp phần giúp ngư dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Văn Dinh - Thảo Vy