Triển khai Luật Đất đai 2024

TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng triển khai Luật

Quỳnh Nguyễn 22/02/2024 - 09:16

(TN&MT) - Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 sẽ tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” trong công tác quản lý đất đai của TP.HCM. Ngay sau khi bộ Luật đặc biệt quan trọng này được thông qua, lãnh đạo UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở TN&MT chuẩn bị tốt nhất nhân lực để triển khai hiệu quả Luật.

Giúp tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn”

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Luật Đất đai 2024 là bộ Luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bám sát quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

nguon-luc-dat-dai.jpg
TP.HCM sẵn sàng triển khai Luật Đất đai 2024

Luật Đất đai 2024 đã cụ thể nhiều nội dung, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến quyền lợi của người sử dụng đất như: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đặc biệt, Luật Đất đai 2024 đã có nhiều quy định đổi mới, cơ bản giải quyết được các tồn tại, vướng mắc hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước, trong đó có TP.HCM.

Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, trước đó, trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TP.HCM đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” của thành phố và cơ bản đã được đưa vào Luật. Điển hình như đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, TP.HCM kiến nghị ngoài bồi thường bằng tiền, có thể bồi thường bằng loại đất khác nhằm đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu người dân, từ đó đẩy công tác bồi thường góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm của quốc gia, thành phố.

Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể những nội dung liên quan đến công tác thu hồi đất, xây dựng bảng giá đất, xác định giá đất cụ thể... Đây đều là những vấn đề mà TP.HCM đang gặp vướng mắc, trong đó, khó khăn trong công tác xác định giá đất cụ thể tại các dự án đầu tư đang ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp, quyền lợi của người dân và nguồn thu của thành phố. Với 4 phương pháp định giá đất; cách xác định thời điểm xác định giá đất, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... được quy định trong Luật chắc chắn sẽ giúp TP.HCM tháo gỡ được vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể - một trong vấn đề khó khăn, nổi cộm nhất trong công tác quản lý đất đai của thành phố thời gian qua.

Tập trung xây dựng hệ thống văn bản

Theo lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM, chỉ 8 ngày sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị “Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và định giá đất” tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giúp cho các địa phương nắm được những điểm đổi mới, đột phá của Luật. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các địa phương được trao đổi, thảo luận, xin ý kiến đối với những vấn đề thực tiễn; đóng góp ý kiến cho Bộ TN&MT trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật trong tổ chức thực hiện Luật Đất đai 2024.

Trước đó, một ngày sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành TN&MT TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã yêu cầu Sở TN&MT cần chuẩn bị tốt nhân lực để triển khai hiệu quả Luật, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm 2024. Vì đây là bộ Luật rất quan trọng, có nội dung đồ sộ, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của TP.HCM, đặc biệt là giúp thành phố tháo gỡ rất nhiều “điểm nghẽn”, khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển nhanh, bền vững.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, nhiệm vụ trước mắt là đội ngũ cán bộ, viên chức phụ trách lĩnh vực đất đai phải chủ động nghiên cứu kỹ các nội dung của Luật Đất đai 2024, nhất là các điểm mới, bổ sung, chỉnh sửa, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến những vướng mắc của thành phố. Đồng thời, Sở TN&MT TP.HCM sẽ cử đại diện lãnh đạo Sở, phòng ban và chuyên viên phụ trách tham dự đầy đủ, nghiêm túc và tích cực đóng góp ý kiến tại các hội nghị tập huấn Luật do các đơn vị của Bộ TN&MT tổ chức.

Trên cơ sở đó, Sở TN&MT sẽ rà soát toàn bộ các quy định hiện hành trong lĩnh vực đất đai do UBND Thành phố ban hành; nghiên cứu kỹ nội dung các dự thảo Nghị định thi hành Luật Đất đai 2024 do Bộ TN&MT xây dựng, lấy ý kiến. Khi các Nghị định của Chính phủ được ban hành, TP.HCM sẽ ban hành ngay hệ thống văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, đảm bảo tính khả thi cao nhất khi Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Ông Võ Trung Trực - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết thêm: Riêng nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Sở TN&MT đã kiến nghị với lãnh đạo Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất (Bộ TN&MT) để sớm tổ chức một hội nghị tập huấn cho TP.HCM và các tỉnh/thành phía Nam dự kiến trong tháng 3 hoặc tháng 4/2024.

Quỳnh Nguyễn