Xã hội

Ninh Thuận: Điểm đến du lịch theo hướng độc đáo, khác biệt

Đỗ Vương 22/02/2024 - 08:58

Ninh Thuận sở hữu tuyến đường ven biển dài hơn 105 km từ huyện Bình Tiên đến Cà Ná, những dãy núi cao nhô ra biển tạo nên những vũng, vịnh với biển xanh, cát trắng, nắng vàng như: Ninh Chữ, Bình Tiên, Cà Ná, đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh, Hang Rái,... trong đó, Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là 1 trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam và vườn quốc gia Núi Chúa là 1 trong 9 vùng sinh quyển của thế giới.

Thiên nhiên cũng ban tặng cho vùng đất Ninh Thuận các vùng sinh thái đặc thù là lợi thế để phát triển du lịch biển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và là nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, biển Nam Trung Bộ, với các loài động vật thực vật quý hiếm, trong đó có loài rùa biển. Với khí hậu 360 ngày nắng, Ninh Thuận phù hợp cho cây trồng và vật nuôi, như: nho, táo, tỏi, măng tây, nha đam, cừu, dê…. sinh trưởng và phát triển tốt, trở thành thương hiệu điểm nhấn cho du lịch Ninh Thuận.

1701461.jpg
Du khánh tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt tháp PÔ KLONG GARAI

Trong những năm qua, ngành du lịch Ninh Thuận chú trọng phát triển theo hướng xanh, sạch và bền vững, thu hút nhiều dự án đầu tư du lịch với quy mô lớn. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng tăng về số lượng, chất lượng; nhiều loại hình du lịch được đẩy mạnh, thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm khám phá vùng đất mới. Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, hiện có các khu Resort, tổ hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, như: Bình Tiên, Vĩnh Hy, Long Thuận Hoàn Mỹ, Sailing Bay Ninh Chữ…

Văn hóa các dân tộc là một thế mạnh để phát du lịch, Ninh Thuận có các công trình kiến trúc tháp Chăm gắn với Lễ hội Katê của người Chăm... với nghệ thuật ca múa nhạc dân gian đặc sắc, có làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc với truyền thống lâu đời. Ở miền núi, các dân tộc Raglai, Kơ-ho, Churu... cùng nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo như: Lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa, có nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc độc đáo như đánh mả la, thổi khèn bầu, đàn đá, đàn Chapi. Ở miền biển, ngư dân có các lễ cầu ngư, hội đua thuyền, lắc thúng, hè cù…

z5180595220514_35553bbaddf88afe10e77b0614d862b8.jpg
Tổ chức vui Xuân đón Tết thu hút khách du lịch đến Ninh Thuận

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Tổng Giám đốc Resort Hòn Cò - Cà Ná, cho biết: "Công ty của chúng tôi lựa chọn đầu tư tỉnh Ninh Thuận bởi tiềm năng và nguồn lực nhân lực đảm bảo. Tỉnh dành cho các nhà đầu tư rất nhiều ưu đãi; các sở, ban, ngành giúp đỡ chúng tôi giấy phép và tiến hành làm các thủ tục. Tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ hết mình với chính sách một cửa để chúng tôi nhanh nhất có thể tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động.

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, cho biết phương châm phát triển du lịch của tỉnh là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện.”

Để khai thác và thực hiện có hiệu quả, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng và bền vững. Tỉnh tập trung kêu gọi các thành phần kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, làm mới các loại hình, dịch vụ đa dạng, độc đáo. Đồng thời, Ninh Thuận gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc như du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hóa lịch sử; du lịch sinh thái; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch golf; du lịch chữa bệnh; du lịch ẩm thực… mang nét đặc trưng riêng của địa phương và có khả năng cạnh tranh cao thu hút du khách trong và ngoài nước.

Địa phương sẽ phát triển thương hiệu du lịch “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt;” “Ninh Thuận huyền bí và hoàn hảo;” “Ninh Thuận đa dạng những sắc màu;” “Ninh Thuận - Bí ẩn thời gian” mang đậm nét đặc trưng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tài nguyên biển. Đồng thời, tỉnh xây dựng điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, “làm hài lòng du khách, ấm lòng chủ nhà.”

Ông Nguyễn Long Biên cho biết thêm, để xây dựng và phát triển thương hiệu, UBND tỉnh đang tập trung triển khai xây dựng quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm.

UBND tỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Ninh Chữ đến năm 2040; điều chỉnh quy hoạch phân khu Khu Du lịch bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị mới Đầm Cà Ná…. Tỉnh chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế đêm vào trong nội dung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong số đó, dự kiến các khu vực, địa bàn, tuyến được tập trung phát triển kinh tế đêm, các khu vực trung tâm và vệ tinh, các loại hình dịch vụ kinh tế đêm chủ yếu để có cơ sở triển khai trong tương lai.

UBND tỉnh sẽ đầu tư bến cảng thủy nội địa chuyên dùng tại khu vực Bình Tiên-Vĩnh Hy, Ninh Chữ, Cà Ná; các hạng mục du lịch của dự án cảng tổng hợp Cà Ná; nâng cấp, cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ tại ga Tháp Chàm và Bến xe tỉnh; hạ tầng du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Núi Chúa và Phước Bình để phát huy các tiềm năng du lịch, hình thành các điểm đến đẳng cấp quốc tế. Đồng thời, dành nguồn lực để tôn tạo, bảo tồn và phát triển cơ sở vật chất tại các làng nghề điển hình, có giá trị khai thác du lịch cao, nhằm kết hợp quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử gắn với thương hiện sản phẩm truyền thống để trở thành những điểm nhấn quan trọng về du lịch của tỉnh.

Ngoài ra, Ninh Thuận huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng du lịch; tăng cường nâng cấp, liên kết, mở rộng kết nối giao thông với các đầu mối giao thông du lịch quan trọng như sân bay Cam Ranh; cảng Cam Ranh; dự án sân bay Phan Thiết (sau khi hoàn thành), kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch, tiếp tục phát triển hệ thống giao thông công cộng, đầu tư các công trình cấp thoát nước, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng tại các địa bàn trọng điểm du lịch, kêu gọi đầu tư dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang-Đà Lạt, dự án sân bay Thành Sơn kết hợp phát triển du lịch.

Theo Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán toàn tỉnh đón 99.000 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 17,9% so cùng kỳ (10.000 lượt khách quốc tế, 89.000 lượt khách nội địa); thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 97 tỉ đồng.

Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó chú trọng phát triển toàn diện du lịch cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững, đẩy nhanh việc chuyển đổi số đối với hoạt động du lịch… phát triển du lịch theo hướng trọng điểm, đẳng cấp cao, khai thác và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực, tạo bước đột phá cho du lịch Ninh Thuận trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Đỗ Vương