Xã hội

Câu chuyện điện sáng và khát vọng giảm nghèo ở Điện Biên Đông

Trần Hương 21/02/2024 - 19:19

(TN&MT) - Chuyến ngược ngàn Tây Bắc cuối năm, tôi được nghe câu chuyện Điện Biên Đông giúp dân thoát nghèo thật đặc biệt. Thông thường, người ta giúp đồng bào thoát nghèo bằng cách “cho cá” hoặc “ trao cần câu”. Nhưng ở Điện Biên Đông họ không “cho cá”, cũng không trao “cần câu” mà trao đồng bào “mồi câu”. Và câu chuyện xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia ở Điện Biên Đông được ví như “túi mồi câu” hình thành từ ý nghĩ: muốn thoát nghèo thì phải có nhận thức, đồng bào phải được tiếp cận với văn minh…

“Sau 70 năm giải phóng, một bộ phận người dân chưa có điện… ổn không?”

Câu hỏi ngỏ được lặp đi lặp lại rất nhiều lần, tại các kỳ họp BCH Đảng bộ tỉnh Điện Biên và Đảng bộ huyện Điện Biên Đông được những người có trách nhiệm nêu lên làm cả nghị trường trầm lắng. Năm 2024 là tròn 70 năm Điện Biên giải phóng (7/5/1954 - 7/5/2024), nhưng cả tỉnh vẫn còn có khoảng khoảng 2% người dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, trong đó có 18 bản với trên 1.200 hộ dân vùng cao, vùng sâu thưa dân cư tại các xã của huyện Điện Biên Đông.

a1(3).jpg
Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông (người đội mũ mặc áo xanh, đứng giữa tay giơ cao) cũng đoàn cán bộ huyện xác định vị trí quy hoạch, nơi có đường điện đi qua

Trước thực tiễn khó khăn về địa hình, dân số không tập trung, nguồn lực mỏng. Nhiều năm liền lãnh đạo các cấp trăn trở: làm sao để đồng bào có điện, có điện mới mong thoát được đói nghèo. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2021, huyện Điện Biên Đông xác định mục tiêu phấn đấu năm 2021, 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, khi phê duyệt, trình danh mục chỉ được tỉnh ghi vốn cho 25/37 bản, do chưa bố trí được nguồn lực.

“Song với quan điểm không trông chờ thụ động. Rút kinh nghiệm từ những giai đoạn trước, chúng tôi đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 để đầu tư kéo điện cho 5 bản của xã Chiềng Sơ… Đến tận năm 2023 huyện Điện Biên Đông vẫn còn 7 bản ở các xã khác chưa xác định được nguồn vốn. Lẽ đó mà chúng tôi rà soát lại toàn bộ các danh mục đầu tư công mục đích để điều chỉnh lại các danh mục, nguồn vốn từ những dự án hiệu quả thấp sang các dự án điện nông thôn. Trong đó có 2 Dự án Chợ liên xã Xa Dung – Phì Nhừ và Phình Giàng – Pú Hồng, tổng mức 10 tỷ đồng phải chuyển danh mục đầu tư sang làm điện cho 2 bản 1 nhóm hộ của xã Sa Dung và xã Pú Hồng.”- Ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy, huyện Điện Biên Đông chia sẻ.

Vậy còn 5 bản và nhiều cụm bản nữa của Điện Biên Đông chưa có điện, địa phương lại thiếu nguồn lực, trong khi mục tiêu đề ra 100% thôn, bản sẽ có điện trong năm 2024? Giải pháp nào để Điện Biên Đông đạt được mục tiêu ấy?

a2(3).jpg
Công nhân Điện lực Điện Biên Đông đóng điện cho dân

Tôi vừa dừng câu hỏi. Bí thư Huyện ủy Mùa A Vảng không chút do dự đã trả lời ngay: “Cái này huyện đã chủ động tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh kết nối, xin hỗ trợ nguồn của TP. HCM và thành phố đã nhất trí ủng hộ 50 tỷ đồng để Điện Biên Đông thực hiện mục tiêu xóa bản “trắng” điện lưới và điện thắp sáng cho bà con khu dân cư rất thưa người. Để kịp thời đón đầu sự hỗ trợ ấy, trước đó, HĐND huyện đã sớm ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HĐND, ngày 8/11/2023, với 10 danh mục công trình đầu tư điện lưới trên địa bàn 7 xã gồm Sa Dung, Chiềng Sơ, Tìa Dình, Keo Lôm, Phì Nhừ, Pu Nhi và Mường Luân. Đến nay, chúng tôi đã phê duyệt và dự kiến bố trí vốn cho hầu hết các dự án đầu tư hệ thống điện sinh hoạt, điện lưới quốc gia cho 39/39 bản… và mục tiêu xóa bản “trắng” về điện của Điện Biên Đông có cơ sở để thành công trong năm 2024.” - Bí thư Huyện ủy, Mùa A Vảng tâm sự.

Trăn trở của chính quyền, nỗ lực của người dân

Điện, đường, trường, trạm là câu nói rất quen thuộc khi nhắc về các hạng mục thứ tự ưu tiên đầu tư cho các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo mà chúng ta vẫn được nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong cả những bài phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đó là cả một quyết tâm, nỗ lực lớn của Đảng, Nhà nước dồn nguồn lực đầu tư cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Và kết quả cho thấy trong rất nhiều năm qua, các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, kiên cố hóa trường học, 159, 30a… và còn rất nhiều các chương trình, dự án khác không thể nào kể hết về những nguồn đầu tư lớn lao của Nhà nước hỗ trợ cho miền núi, suốt cả một giai đoạn dài từ năm 2000 đến nay. Hiện nay, diện mạo vùng nông thôn miền núi cơ bản đã đáp ứng được điều kiện về hạ tầng giao thông, xây dựng…người già được chăm sóc, trẻ em được đến trường, đời sống người dân ngày một nâng lên. Và hệ thống chính trị của cả tỉnh Điện Biên qua các thời kỳ, trong đó có huyện Điện Biên Đông cũng góp nhiều công sức cho thành tựu lớn lao ấy. Đặc biệt ngày hôm nay, trong câu chuyện xóa “bản trắng” về điện của huyện vùng núi Điện Biên Đông.

Vậy vai trò của người dân, trong dự án cấp điện lưới về thôn, bản được xác định như thế nào ở Điện Biên Đông? Làm thế nào để người dân tham gia, ủng hộ, tự nguyện hiến đất chôn cột cho đường dây đi qua?

a3(2).jpg
Niềm vui của bà con khi có điện đồng bào lên đèn từ rất sớm.

Vẫn nét điềm nhiên đến cương nghị, hiển hiện lên trong khuôn mặt chữ điền, hiền hòa phúc hậu, đôi mắt ngời sáng, lời nói trầm tĩnh… Bí thư Huyện ủy Mùa A Vảng chậm rãi trả lời từng ý như cắt nghĩa: “100% dự án đưa điện lên các bản vùng cao đều được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Chúng tôi thành lập nhiều tổ công tác; phát huy vai trò đảng viên gương mẫu “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền vận động người dân hiến đất khi đường điện đi qua nương, rãy của bà con. Đồng thời, cũng yêu cầu đơn vị khảo sát, tư vấn, thiết kế phải tìm ra giải pháp tối ưu nhất để đảm bảo việc đầu tư hiệu quả, tiết kiệm nguồn vốn và tránh tối đa các diện tích đất rừng, đất nương rẫy đang canh tác của bà con.”

Là một trong những cán bộ xã năng nổ trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất làm đường điện, Phó Chủ tịch xã Chiềng Sơ, Lò Văn Thuận chia sẻ: “Xã chúng tôi còn 6 bản chưa có điện. Hiện nay, có 5 bản Kéo Đứa, Háng Pa, Háng tầu, Thẩm Trẩu và Nà Ly đang có đường điện thi công. Còn 1 bản, huyện sẽ cho làm trong năm 2024. Để nói về sự đồng thuận của người dân trong việc kéo điện về bản, họ vui mừng đều tình nguyện hiến đất để làm dự án.”

Thắp sáng những niềm tin

Trong chuyến công tác cuối năm 2022, tôi có tiếp xúc với bà con dân bản Kéo Đứa, xã Chiềng Sơ; 100% là người dân tộc Xinh Mun. Rất nhiều câu hỏi của bà con khi ấy được đặt ra, tôi không tài nào giải thích cho họ hiểu: “Rằng tại sao đường điện chạy trên đầu mà chúng tôi lại không có điện?” Câu hỏi như một nỗi ám ảnh cho sự cảm thông, chia sẻ với bà con về sự khát khao có ánh điện thắp sáng bản người Xinh Mun ấy đến nhường nào.

Dịp cuối năm 2023 tôi trở lại Chiềng Sơ, gặp Quàng Văn Chủm, người gốc bản Huổi Hu sang định cư, sinh sống ở bản Kéo Đứa đã trúng cử chức danh trưởng bản. Hôm gặp tôi, Chủm bảo: “Bản Kéo Đứa của em có khoảng 50 hộ, bà con mong mỏi có điện suốt từ bao năm qua, bây giờ bản được đầu tư đường điện mong sớm đóng điện từng ngày. Nhiều nhà sốt ruột đã mua sẵn tivi, nồi cơm, chảo điện… để chờ ngày điện về bản… Chắc quý 1/2024 là bản em có điện.”

a4(2).jpg
Công nhân Điện lực Điện Biên Đông hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, hiệu quả

Cũng trong chuyến đi ấy, tôi tình cờ gặp Vàng A Sao, người bản Na Su, xã Tìa Dình, là một trong những bản được đóng điện vào dịp gần Tết Nguyên đán 2024. Sao kể: “Từ mấy hôm trước, cả bản mình như người lên cơn sốt. Đi đâu ai cũng hỏi cán bộ đóng điện về chưa? Bao giờ thì có điện? Điện có kịp về trước Tết không? Chờ mãi thì cán bộ cũng về đóng điện, cả bản mình hôm đó thức trắng đêm. Nhà nào cũng đài nói, điện sáng suốt đêm. Có điện, mình thay luôn cái máy sát gạo chạy bằng dầu. Cái nồi cơm điện cho gạo vào tự nó chín, không phải mất thời gian trông nó. Cái quạt nó tự làm cho mình mát, cái máy hút nước nó cũng tự chạy, cái gì nó cũng tự làm… mình không phải đi xem nhiều lần. Tốt quá…! Ra Tết mình sẽ mang bí xanh cho người ta ở chợ, nó đặt mua qua mạng. Hôm qua, thằng Lùng ở bản mình nó lai - chym bán được cả 3 con lợn cho người Kinh mang về xuôi ăn Tết. Có điện thật tốt!”

Trong chuyến đi ấy, tôi được nghe nhiều câu chuyện về niềm vui của bà con khi có điện thắp sáng. Mặc dù, câu chuyện của họ không đầu, không cuối nhưng xúc động. Và mỗi câu chuyện của họ đều toát lên một tinh thần chung, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, tin vào một tương lai tốt đẹp cùng những ước mơ, khát vọng thoát nghèo được hình thành từ ánh sáng văn minh. Điện về với bà con, không đơn thuần chỉ là thắp sáng ngôi nhà trong những đêm đông ở nơi “sơn cùng thủy tận”… Mà đó còn được ví như “túi mồi câu” để bà con kiếm kế mưu sinh, vươn lên thoát nghèo từ nơi hoang vu ấy.

Trần Hương