Văn hóa

Lễ hội Bà Chiêm Sơn và huyền tích về Bà Chiêm Sơn

Anh Dũng 21/02/2024 - 19:14

Lễ hội Bà Chiêm Sơn diễn ra từ ngày 19/2-21/2, trong đó ngày 21/2 là chính lễ, tại Di tích lịch sử Dinh Bà Chiêm Sơn ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

h1.jpg
Múa lân và lễ Rước sắc trong Lễ hội Bà Chiêm Sơn

Tương truyền, ngày xưa, trong một khu rừng nhỏ, dân làng Chiêm Sơn (tổng Mậu Hòa) phát hiện ra một pho tượng đá. Tất cả dân làng đã hối hả đến để chuyển pho tượng về thờ. Pho tượng càng ngày càng nặng một cách kỳ lạ. Sức trai làng không ai bê nổi.

Vào một đêm trăng sáng, 8 người chăn trâu ở làng Chiêm Sơn quyết định mang “Bà Đá” về làng mình, nhưng khiêng được một đoạn đường thì bỗng nhiên dây thừng khiêng bị đứt. “Bà Đá” rơi xuống bám chặt vào đất không thể nâng lên được. Mọi người mới quyết định lập Dinh để thỉnh Bà vào thờ ngay tại vị trí mà Bà đã có ý chọn chỉ thờ cho riêng Bà.

Từ đó, dân làng Chiêm Sơn trở nên yên bình. Mọi tai ương, hạn hán, dịch bệnh đều có Bà Chiêm Sơn che chở. Vì vậy, hàng năm, người dân đều tổ chức lễ hội tưởng nhớ công đức của Bà và mong muốn Bà phò hộ, chở che cho dân làng.

Theo Quảng Nam xã chí, hiện đang được lưu trữ tại Viện Hán Nôm, cho rằng đó cốt Thái Dương Phu nhân hóa đá.

h2.jpg
Lễ tế truyền thống diễn ra ngày 21/2/2024

Sự linh nghiệm của Bà Chiêm Sơn còn được tô thêm màu huyền thoại và lưu truyền trong dân gian là khi vua Minh Mệnh đi kinh lý Quảng Nam, có đến viếng lăng mộ Hiếu Chiêu Hoàng Hậu và Hiếu Văn Hoàng Hậu, đoàn xa giá phải đi theo con đường lộ trước dinh, thật bất ngờ khi đi ngang qua, ngựa nhà vua đang cưỡi bỗng lồng lên rồi vùng chạy, may có quan quân hộ giá nên nhà vua không bị ngã. Vua lệnh cho dân làng phải quay hướng Dinh Bà ra phía sau để tránh con đường, kể từ đó ngôi miếu được xây dựng lại và quay hướng ra cánh đồng, nhìn về phía núi cho đến ngày nay.

Ngày mùng 8 tháng 6 năm thứ 5 niên hiệu Duy Tân, Bà đã được Vua ban sắc phong Thái Dương Phu nhân. Tiếp đến ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9, một lần nữa Bà lại được tôn vinh Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng Thái Dương Phu nhân tôn thần. Sắc phong có đoạn: “Ngài được ghi rõ tặng thêm thần hiệu Trai Tịnh trung đẳng thần. Đặc biệt phê chuẩn để phụng thờ Ngài và ghi vào hàng Quốc khánh để kính dâng lễ mục cúng kính Ngài theo nghi điển”.

Lễ vật cúng tế do dân làng sắm sửa gồm cơm, thịt heo và trái cây. Ngoài các lễ vật ấy, bắt buộc phải có 1 con cua, một nhánh tỏi, một cây cải và 1 con chồn, còn người dân nào có lòng thành thì dâng cúng một đĩa xôi và 1 con gà luộc. Sau lễ tế, toàn bộ lễ vật được cúng tế đều trả lại cho dân trong làng và bắt buộc phải dùng hết trong ngày.

h3.jpg
Lễ hội Bà Chiêm Sơn thu hút đông đảo người dân và du khách đến với lễ hội

Lễ hội Bà Chiêm Sơn năm 2024 diễn ra từ ngày 19/2-21/2 (nhằm ngày 10-12 tháng Giêng năm Giáp Thìn), bao gồm 2 phần: phần Lễ gồm Lễ Túc yết, Lễ kỵ Bà, Lễ Tế truyền thống, khai mạc Lễ hội và phần Hội gồm các trò chơi dân gian và ẩm thực, Hô hát bài chòi, dân vũ, văn nghệ quần chúng…

Năm 2007, lễ hội Bà Chiêm Sơn được công nhận Di tích văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Từ đó đến nay, người dân làng Chiêm Sơn cùng với chính quyền địa phương xã Duy Trinh và huyện Duy Xuyên đã vận động ngoại lực và nội lực, thường xuyên trùng tu bảo tồn di tích với việc xây dựng dinh Bà Chiêm Sơn từ cổng tam quan đến các công trình tường rào, sân đình. Trong năm 2012, được sự đồng thuận của bà xa quê và chính quyền cùng toàn thể nhân dân trong làng đã góp tiền xây dựng lại Dinh Bà đồ sộ khang trang hơn để con cháu, khách thập phương về dừng chân viếng hương Bà, với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng, kịp khánh thành vào dịp lễ hội Bà 12 tháng Giêng năm Quý Tỵ- 2013.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên tâm sự: mấy ngày hôm nay để làm tôn kính phong tục tập quán và tri ân các tiền nhân, nhất là đối với lễ hội Bà Chiêm Sơn, tôi và anh em ngành văn hoá cùng các bô lão túc trực tại đền để động viên các nghệ nhân, diễn viên quần chúng và bà con tham gia đầy đủ các hoạt động của lễ hội. Đây là dịp nâng cao sự đoàn kết các dòng họ, động viên con cháu phải học tập xứng đáng với các tiền nhân, đồng thời kết nối tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp làm ăn góp phần phát triển địa phương. Thông qua lễ hội, cũng ước vọng về một năm mới an lành, yên bình, hạnh phúc.

Anh Dũng