Xã hội

Chàng thanh niên khởi nghiệp từ mô hình dịch vụ nông trại

Thanh Tâm 21/02/2024 - 18:46

Mường Lát (Thanh Hóa) được biết đến là vùng đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, nhiều giống cây trồng được triển khai trồng nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế. Với ý chí vươn lên thoát nghèo, từ vườn đu đủ bỏ hoang, anh Vi Văn Quang đã cải tạo, mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch, trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Ngân Trọng Hiệp, Chủ tịch UBND thị trấn Mường Lát, cho biết, sau khi được đơn vị quốc phòng cho mượn đất, UBND thị trấn khuyến khích bà con địa phương phát triển kinh tế. Chi hội phụ nữ khu phố nhận quản lý khu đất gần cửa khẩu Tén Tằn. Các chị em lên mạng mua giống đu đủ đực về trồng với mục đích thu hoa. Tuy nhiên, thật không may, giống cây đu đủ mà hội chị em trồng lại chỉ ra quả.

Việc trồng cây không như kỳ vọng, đu đủ không có nơi tiêu thụ nên bỏ hoang. Thấy vậy anh Vi Văn Quang, 28 tuổi, khu phố Tén Tằn đã xin phép được cải tạo, đầu tư thành điểm đón khách đến vui chơi, giải trí, thưởng thức các món ăn của vùng cao và nước bạn Lào.

a1.jpg
Anh Vi Văn Quang bên mô hình khởi nghiệp từ quê hương mình.

“Đất đai, thổ nhưỡng ở Mường Lát rất khó canh tác, kinh tế còn chậm phát triển. Vì vậy, một thanh niên ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, có tư duy làm kinh tế như Anh Vi Văn Quang rất hiếm. Từ vườn đu đủ bỏ hoang, anh Quang không chỉ kiếm tiền triệu mỗi ngày mà còn tạo việc làm cho nhiều người. Anh Quang là gương sáng cho thanh niên trên địa bàn học tập, mạnh dạn khởi nghiệp", ông Hiệp nói.

Khách đổ về khu vườn của anh Quang tham quan chụp ảnh ở vườn đu đủ, và cửa khẩu, ngắm sông Mã. Đồng thời hưởng thức các món ăn đặc trưng của miền Tây xứ Thanh và nước bạn Lào. Món ăn du khách yêu thích là thịt trâu gác bếp, măng luộc, canh đắng, bia Lào..

a2.jpg
Đậm chất “cây nhà, lá vườn” lại thu hút đông khách tham quan

Vốn là người dân tộc Thái, sau khi học hết cấp 2, năm 2012, anh Quang đi học nghề sửa chữa xe máy rồi về mở quán sửa xe. Giữa năm 2023, thấy vườn đu đủ rộng gần 1ha của Chi hội phụ nữ khu phố nhìn xanh mướt, lại gần ngay cửa khẩu Tén Tằn mà bị bỏ hoang, anh tiếc nuối.

Anh xin phép chính quyền và bàn bạc với Chi hội trưởng hội phụ nữ khu phố được tiếp quản khu vườn. Mục đích ban đầu của anh thu hết lứa quả sẽ cải tạo đất, trồng giống đu đủ đực lấy hoa.

Trong thời gian chờ thu hoạch đu đủ, anh Quang lên mạng tìm hiểu các mô hình làm giàu từ kinh doanh du lịch bản địa. Chàng thanh niên nhận ra, giới trẻ thích khám phá, tìm các điểm check-in và thưởng thức đồ ăn nên có ý tưởng phát triển vườn đu đủ thành điểm đón khách, vui chơi, giải trí.

a3.jpg
Du khách thích thú với không gian dân dã, trong lành.

Theo anh Quang, huyện vùng biên Mường Lát có nhiều tiềm năng du lịch, đặc biệt phát triển du lịch theo hướng gắn kết cộng đồng và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo. Chỉ riêng vị trí của vườn đu đủ tiếp giáp với cửa khẩu Tén Tằn đã là lợi thế khi có rất đông du khách qua lại.

Nghĩ là làm, những lúc quán sửa xe vắng khách, chàng thanh niên không quản mệt nhọc lên đồi đốn tre, luồng, thu gom cỏ làm mái tranh. 30 triệu đồng tích góp được Anh Quang đầu tư mua vật dụng phục vụ quán ăn, thuê người phụ trách, làm chòi, hàng rào, các công trình phụ… để khởi nghiệp.

Bản thân không được đào tạo về du lịch, xuất thân từ vùng cao còn nhiều khó khăn; bố mẹ anh lo lắng, trăn trở khi con trai mạo hiểm đầu tư làm du lịch ở một trong những huyện nghèo nhất của cả nước.

"Ban ngày tôi tập trung công việc ở quán sửa xe. Tối đến tôi lại lên mạng học làm, bài trí món ăn; nghiên cứu cách tạo view "sống ảo" cho giới trẻ... Ban đầu quán chưa có nhiều khách, tôi nỗ lực lên mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok để quảng bá. Đồng thời, học cách gắn địa chỉ quán vào Google Maps để thuận tiện cho khách du lịch tìm đến. Nhờ đó, lượng khách đến khu vườn mỗi ngày một đông", anh Quang chia sẻ.

Vườn đu đủ là để "hút view", gây sự tò mò, thu hút khách đến với quán. Còn việc giữ được chân khách hay không còn phụ thuộc vào chất lượng các món ăn, phong cách phục vụ. Khách nhận thấy quán làm có tâm, bền vững thì sẽ quay lại hoặc giới thiệu cho người thân, bạn bè đó luôn làm tâm niệm của anh Quang khi làm nghề.

a4.jpg
Những món ăn đậm chất vùng cao.

Trung bình mỗi ngày vườn đu đủ của anh Quang đón 100 lượt khách/ngày. Tháng cao điểm thu 30 triệu đồng từ việc bán đồ ăn cho khách. Việc chụp ảnh hoàn toàn miễn phí. Khách của quán chủ yếu là các đoàn đi tham quan, các bạn trẻ đi phượt.

Lượng khách đến check-in, ăn uống ngày càng đông nhiều hôm không đủ để phục vụ. Cuối năm 2023, anh mạnh dạn vay thêm vốn của ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường Lát để làm thêm chòi, thuê nhân công trồng thêm đu đủ và hoa.

"Sắp tới tôi sẽ tìm hiểu, học hỏi thêm về cách làm du lịch cộng đồng. Hy vọng, mô hình du lịch của tôi phù hợp với hướng phát triển của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người", anh Quang ấp ủ dự định.

Khởi nghiệp từ chính mảnh đất quê hương còn nhiều khó khăn, vất vả đất đai lại cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, tìm được mô hình, giống cây trồng phù hợp đã chính là bước thành công tiên quyết của Anh Vi Văn Quang. Anh trở thành tấm gương điển hình cho việc dám nghĩ, dám làm vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương Mường Lát.

Thanh Tâm