Quảng Ninh: Đưa nước sạch đến bà con vùng cao
(TN&MT) - Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều dự án cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn, nhất là tại các xã vùng cao, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có nước sinh hoạt và sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Đầu tư xây dựng hồ, đập chứa nước
Tỉnh Quảng Ninh đã đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch đạt 95- 98%, đến năm 2030 phấn đấu đạt 100%, nhằm tạo cơ hội cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn về nguồn nước có cơ hội sử dụng nước sạch để sinh hoạt, phát triển sản xuất.
Trong năm 2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Để triển khai Đề án, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch huy động mọi nguồn lực, huy động trên 4.300 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, công trình đảm bảo an ninh nguồn nước của tỉnh. Trong đó, đến năm 2025 sẽ sửa chữa, nâng cấp 39 hồ chứa, 36 đập dâng, 6 trạm bơm, cải tạo hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước đảm bảo đồng bộ, phù hợp với kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên khu vực. Giai đoạn 2026- 2030 sửa chữa, nâng cấp 25 hồ chứa, 20 đập dâng, 47 trạm bơm.
Hiện, tỉnh Quảng Ninh có trên 260 công trình cấp nước nông thôn tập trung do cộng đồng dân cư và các Công ty Thủy lợi quản lý. Tuy nhiên, vào mùa khô, ở nhiều xã vùng cao tại các huyện miền núi, hải đảo nhất là các địa phương như Hải Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Cô Tô vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước để sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, nên đã gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS ở các xã vùng cao.
Trong những năm qua, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư cải tạo các nhà máy để nâng cao hiệu quả xử lý nước, đầu tư các tuyến ống truyền tải trọng tâm, tập trung phát triển mạng lưới dịch vụ để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân, nhất là tại các xã nông thôn, xã vùng cao, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và sử dụng nước sạch.
Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ cho biết: Do địa phương có địa hình đồi núi chia cắt phức tạp, người dân chủ yếu là đồng bào DTTS, dân cư sống thưa thớt. Trên địa bàn huyện hiện có 29 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại khu vực nông thôn, song một số công trình đang bị hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng đến việc cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của bà con ở địa phương.
Để khắc phục tình trạng này, đầu năm 2023, huyện Ba Chẽ đã khởi công xây dựng hồ chứa nước Khe Tâm, xã Nam Sơn với dung tích 1,2 triệu m3, tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ, dự kiến, công trình hoàn thành vào tháng 4/2024. Khi đi vào hoạt động, hồ chứa nước Khe Tâm đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn xã Đồn Đạc, Nam Sơn và bổ sung cho trạm cấp nước sinh hoạt thị trấn Ba Chẽ.
Cùng với đó, huyện Ba Chẽ cũng đã khởi công xây dựng các công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống nước sạch thôn Đồng Loóng, Đồng Tiến, xã Thanh Lâm cung cấp nước sinh hoạt cho 175 hộ dân; cải tạo, nâng cấp hệ thống nước sạch thôn Nà Làng, Khe Vang, xã Đồn Đạc cung cấp nước sinh hoạt cho 149 hộ dân; cải tạo hệ thống cấp nước sinh hoạt cho thôn Khe Nà, Khe Pụt (xã Thanh Sơn) cung cấp nước sinh hoạt cho 120 hộ dân. Các công trình này được đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn huyện sử dụng nước sạch sinh hoạt từ 68,1% lên 78,2%.
Từng bước xóa "vùng trắng" nước sạch
Nhằm nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch vùng nông thôn, nhất là tại các xã vùng cao ở các huyện miền núi, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai phương án cấp nước sạch cho địa bàn xa trung tâm, xã đồng bào DTTS, miền núi, xã vùng cao, đảm bảo mục tiêu tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt trên 80%.
Đối với các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng địa hình khó khăn, không có khả năng tiếp cận hệ thống cấp nước tập trung, tỉnh sẽ hỗ trợ lắp đặt thiết bị lọc nước cho các hộ gia đình với quy mô nhỏ cho 1 đến 2 hộ gia đình hoặc cho một nhóm hộ gia đình (10 đến 20 hộ), trong đó xây dựng chính sách hỗ trợ cấp nước cụ thể đối với từng đối tượng, như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn tiếp cận.
Thị xã Đông Triều hiện có 19/21 xã, phường có hệ thống cấp nước sạch, 2 xã còn lại là An Sinh và Tràng Lương nằm trong diện chưa có nước sạch trên địa bàn. Trước thực trạng này, TX.Đông Triều đã đẩy mạnh việc rà soát, đầu tư mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch, góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Trong những ngày đầu năm 2024, xã Tràng Lương phối hợp với Xí nghiệp Nước Đông Triều đã thực hiện lắp đặt đồng hồ nước và đấu nối nước sạch sau đồng hồ cho trên 60 hộ dân của thôn Trại Thụ, đồng thời triển khai thi công đến các thôn còn lại của xã Tràng Lương.
Chị Hoàng Thị Bảy, thôn Năm Giai, xã Tràng Lương chia sẻ: Có nguồn nước sạch đưa về tận nhà, giúp gia đình chúng tôi cũng như nhiều hộ trong thôn an tâm không lo bệnh tật từ nước, đảm bảo sức khỏe, ổn định cuộc sống, phát triển canh tác, chăn nuôi, vươn lên phát triển kinh tế, thoát khỏi cuộc sống khó khăn.
Để Đề án triển khai hiệu quả, cũng như nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch đối với người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, tỉnh Quảng Ninh cần đẩy mạnh việc tuyên truyền lợi ích của việc dùng nước sạch trong sinh hoạt, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, cần đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực trong nhân dân, các tổ chức cá nhân thuộc các thành phần kinh tế để đẩy nhanh tỷ lệ người dân nông thôn được hưởng nước sạch và các công trình sinh họat nhằm cải thiện điều kiện sống và sức khỏe của người dân nông thôn đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược tăng trưởng và thoát nghèo bền vững của địa phương.