Xã hội

Bình đẳng giới ở phụ nữ Điện Biên Đông

Hoàng Châu 21/02/2024 - 18:11

(TN&MT) - Điện Biên Đông là một huyện miền núi của tỉnh Điện Biên. Nơi đây tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Hội LHPN huyện Điện Biên Đông bằng nhiều hình thức đã tuyên truyền, vận động phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi cách nghĩ, cách làm để nêu cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội.

Thời gian vừa qua, Hội LHPN huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức, triển khai thực hiện quyền bình đẳng giới và đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, nhất là phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện mục tiêu về quyền bình đẳng giới.

Qua đó, Hội LHPN huyện Điện Biên Đông đã tổ chức, thực hiện các hoạt động tuyên truyền như: tổ chức ra mắt 32/32 tổ truyền thông cộng đồng trên địa bàn huyện, thành lập mô hình tại các bản thuộc 14 xã,…. nhằm mục đích vận động các chị em phụ nữ thay đổi “nếp nghĩa, cách làm” góp phần xoá bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hoá có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em bằng những việc làm thiết thực.

huong-dan-thanh-lap-dia-chi-tin-cay-cong-dong.jpg
Hội LHPN huyện Điện Biên Đông hướng dẫn, thành lập địa chỉ tin cậy cộng đồng

Bà Nguyễn Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Điện Biên Đông, chia sẻ: huyện Điện Biên Đông chủ động xây dựng các tổ, nhóm truyền thông, tiên phong thay đổi trong cộng đồng, tổ chức 2 lớp tập huấn, thành lập tổ truyền thông cộng đồng cho 140 người là đại diện lãnh đạo UBND, UB MTTQ, các đoàn thể xã, chủ tịch, phó chủ tịch, hội phụ nữ xã, cán bộ thôn bản để góp phần nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu, chính quyền và các đoàn thể tại địa phương. Qua đó nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân sống tại cộng đồng là người dân tộc thiểu số hiểu đúng vai trò, của người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội để họ có hiểu biết về bình đẳng giới, giúp các chị em phụ nữ là người dân tộc thiểu số có cơ hội để phát triển tham gia các hoạt động xã hội có ích, tích cực, giúp các trẻ em gái trong độ tuổi đi học được đến trường.

Cùng với đó, Hội LHPN huyện Điện Biên Đông thực hiện các chiến dịch truyền thông như: Xây dựng phóng sự truyền hình, tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách, thành lập mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”,…. xoá bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới; xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Các hoạt động xây dựng chương trình truyền thông được Hội xây dựng bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc, góp phần phù hợp với phụ nữ đồng bào dân tộc nơi đây. Bên cạnh đó, các chương trình được phát sóng trên truyền hình, tổ chức chiến dịch truyền thông tại cộng đồng, số hoá tài liệu truyền thông dưới dạng video, clip.

hoi-nghi-doi-thoai-chinh-sach-2.jpg
Hội LHPN huyện Điện Biên Đông tổ chức hội nghị đối thoại chính sách

Bà Hiền cũng cho biết thêm: Để việc tuyên truyền có hiệu quả, sâu rộng đến phụ nữ trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, hội LHPN các cấp của huyện triển khai, tổ chức các hội thi, liên hoan các mô hình sáng tạo, tìm kiếm giải pháp sáng kiến trong truyền thông xoá bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em.

Song song với đó, Hội LHPN huyện Điện Biên Đông đã xây dựng và nhân rộng các mô hình “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 5 địa chỉ tin cậy cộng đồng để hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình.

can-bo-ho-tro-nan-nhan-bi-bao-luc-gia-dinh.jpg
Huyện đã thành lập được 5 địa chỉ tin cậy cộng đồng để hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Ngoài ra, để giám sát, đánh giá về thực hiện bình đẳng giới, Hội LHPN huyện Điện Biên Đông đã tổ chức 3 lớp tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá bình đẳng giới trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho 90 người là cán bộ xã, hội LHPN xã, bản, người có uy tín trong cộng đồng của 3 xã: Keo Lôm, Tìa Dình, Phì Nhừ.

Trong công tác thực hiện quyền bình đẳng giới, hội LHPN các cấp huyện Điện Biên Đông luôn chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cũng như cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn, bồi dường để nâng cao năng lực, thực hiện triển khai quyền bình đẳng giới. Những nỗ lực của Hội đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, chăm lo đời sống tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng giới.

Hoàng Châu