Kinh tế

Huyện Quảng Trạch (Quảng Bình): Vượt khó, phát triển nghề đánh bắt thủy sản

Thanh Tùng 21/02/2024 - 18:10

Huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) có đường bờ biển dài hơn 30km nên rất thuận lợi cho hoạt động đánh bắt thủy sản. Với đội tàu thuộc hàng lớn của tỉnh, cũng như khu vực miền Trung, đánh bắt thủy sản đang là ngành kinh tế chủ đạo của nhiều xã ven biển như Cảnh Dương, Quảng Phú. Gắn bó cuộc đời với biển, nhiều gia đình ở đây đã trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi, từ khó khăn vươn lên làm giàu.

Quyết tâm bám biển

Ông Lê Xuân Hợp ở thôn Liên Trung, xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) cả đời gắn bó với nghề đi biển. Gia đình gồm 5 nhân khẩu của ông cũng như hầu hết các gia đình khác ở xã Cảnh Dương này đều gắn bó với biển, sống dựa vào biển, làm giàu cũng từ biển. Ông Hợp cho biết, gia đình ông có 1 tàu cá công suất 410 CV, hàng tháng đi biển khoảng 1 đến 2 chuyến, tùy thời tiết và tùy vào “may mắn” của mỗi chuyến đi. “Tàu được nhiều cá, đầy tàu nhanh thì về bờ sớm để chuẩn bị cho chuyến tiếp theo”, ông Hợp vui vẻ nói.

anh-1.jpg
Ông Lê Xuân Hợp ở thôn Liên Trung có nhiều năm gắn bó với nghề đi biển. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Hợp tâm sự, nghề cá phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Năm “mưa thuận gió hòa” thì khá, còn không cũng bấp bênh. Không những vậy, giá cả thủy sản cũng nhiều thời điểm “không ủng hộ” ngư dân vì tàu thuyền Cảnh Dương chủ yếu đánh bắt cá hố và mực ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, trong khi 90% lượng thủy sản này chỉ được xuất khẩu đi Trung Quốc. Trước đây, thời điểm được giá, cá hố có thể bán được 130-150 nghìn đồng/kg, giờ chỉ khoảng 90 nghìn đồng/kg.

Ông Cao Đình Thắng, thôn Yên Hải, xã Cảnh Dương có 2 chiếc tàu 750 CV phục vụ đánh bắt cá. Ông Thắng cho biết, năm 2023, thời tiết thuận lợi nên việc đánh bắt cá của ngư dân khá tốt, thu nhập khá. Có điều, chi phí để đầu tư tàu đánh cá vùng khơi công suất lớn rất lớn, giờ trung bình từ 1,5 - 1,7 tỷ đồng/chiếc. Ngư dân cũng phải vay mượn để đóng. Trả hết nợ tàu thứ nhất thì lại vay để đầu tư cái thứ 2.

“Kể khó thì nhiều, nhưng đây là nghề truyền thống của cha ông nên phải theo. Hơn nữa, người dân Cảnh Dương không có ruộng, chỉ có nghề cá để nuôi sống mình. Phải yêu nghề, nghề mới cho mình cuộc sống tốt lên được. Hơn nữa, bám biển cũng là một cách bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ông Thắng vui vẻ nói, đồng thời cho biết sau Lễ hội Cầu Ngư của địa phương dự kiến tổ chức vào ngày 24/2 tới (Rằm tháng Giêng), tàu ông lại ra khơi đánh cá.

Xã Cảnh Dương nằm ở phía bắc huyện Quảng Trạch với diện tích 152 ha, dân số gần 9 nghìn nhân khẩu, được chia thành 9 thôn. Xã nằm ở hữu ngạn sông Roòn, cách trung tâm TP. Đồng Hới 57 km, vốn được biết là làng chài sầm uất bậc nhất của tỉnh Quảng Bình. Với truyền thống đấu tranh bất khuất, năm 1976, xã Cảnh Dương được Nhà nước phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Năm 1993, nhân kỷ niệm 350 năm ngày thành lập làng, xã Cảnh Dương vinh dự được Nhà nước công nhận “Di tích lịch sử văn hóa Làng chiến đấu Cảnh Dương”.

Thông tin về nghề đánh bắt thủy sản nổi tiếng của địa phương, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Đồng Vinh Quang cho biết, toàn xã có 549 tàu thuyền, tổng công suất 159.530 CV; có 201 tàu tham gia khai thác vùng biển xa theo Quyết định 48, có 2 tàu đánh bắt theo Nghị định 67 của Chính phủ, 5 Tổ hợp tác sản xuất thuỷ sản trên biển. Năm 2023, thời tiết tương đối thuận lợi, đã tạo điều kiện cho ngư dân tham gia bám biển dài ngày. Nhờ đó, sản lượng khai thác trên biển đạt 3.755 tấn, doanh thu hơn 360 tỷ đồng, thu nhập bình quân lao động khoảng 7,4 triệu đồng/người/tháng. Tính riêng gần 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản của Cảnh Dương đạt 57 tấn, trị giá 5,7 tỷ đồng.

Ông Đồng Vinh Quang cũng cho biết, với trên 65% dân số sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, Cảnh Dương có đội tàu nhiều nhất huyện Quảng Trạch. Đây là ngành nghề chủ đạo, nghề truyền thống của người dân trong xã. Quá trình phát triển kinh tế ngư nghiệp, ngư dân của xã cũng được tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước thông qua Quyết định 48/2010 về khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; hay Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản... Trong đó, ông Quang cho rằng, nhiều chính sách từ Nghị định 48 rất phù hợp, hiệu quả, được đông đảo ngư dân ủng hộ.

anh-2.jpg
Cảnh Dương là xã có đội tàu nhiều nhất huyện Quảng Trạch. Ảnh: Thanh Tùng

Nhờ phát triển ngư nghiệp, cuộc sống của nhân dân Cảnh Dương có nhiều đổi mới. Năm 2023, thu ngân sách của xã đạt hơn 11 tỷ đồng, đạt 198,1% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 51 triệu đồng/người/năm; các chỉ số về văn hóa, giáo dục, y tế, tiếp cận nước sạch... đều đạt mức cao. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2023 cho thấy, đến cuối năm 2023 toàn xã chỉ còn 40 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 1,69%; 41 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 1,74%. Đây là kết quả rất ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội của xã.

Nhân rộng mô hình Tổ đoàn kết, Tổ hợp tác sản xuất

Quảng Trạch là một huyện lớn nằm ở phía Bắc tỉnh Quảng Bình, có diện tích tự nhiên hơn 612km2. Là huyện đồng bằng nhưng Quảng Trạch vẫn có cả rừng và biển, nhiều nơi rừng chạy sát bờ biển. Huyện có bờ biển dài 32,4km chạy dọc theo các xã Quảng Đông, Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Xuân; có hệ thống hồ đập sông ngòi, mặt nước, bờ sông, bãi biển khá rộng lớn, tạo nên nguồn lợi tự nhiên khá phong phú. Đây là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi giúp Quảng Trạch phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Bà Phan Thị Lệ Hằng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch cho biết, Quảng Trạch hiện có 1.104 tàu thuyền khai thác thủy sản, tổng công suất 176.211 CV. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 14 nghìn tấn, đạt 106% so với kế hoạch đề ra, trong đó, sản lượng khai thác đạt trên 13 nghìn tấn, tăng 2,2% so với năm 2022; nuôi trồng đạt 874 tấn, tăng 3,49% so với 2022. Giá trị sản suất lĩnh vực thủy sản năm 2023 ước đạt gần 400 tỷ đồng, tăng 2,91% so với năm 2022. Riêng tháng 1/2024, sản lượng thủy sản ước đạt hơn 335 nghìn tấn, tăng 3,61% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản khai thác đạt 316 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ.

Đánh giá những thuận lợi của nghề đánh bắt thủy sản Quảng Trạch năm qua, bà Phan Thị Lệ Hằng cho rằng, ngư dân Quảng Trạch luôn tích cực vươn khơi bám biển, hỗ trợ nhau trong đánh bắt tìm kiếm ngư trường, tiêu thụ sản phẩm và công tác phòng chống thiên tại trên biển. Mặt khác, các chính sách khuyến khích dành cho ngư dân theo Quyết định số 48, Nghị định 67 của Chính phủ đã và đang phát huy được hiệu quả, giúp ngư dân khắc phục khó khăn, động viên khuyến khích ngư dân tham gia bám biển. Thời tiết năm 2023 cũng tương đối thuận lợi cho công việc đi biển, nhờ đó kết quả đánh bắt thủy sản năm 2023 rất khả quan.

anh-3.jpg
Cuộc sống của người dân xã Cảnh Dương ngày càng khấm khá. Ảnh: Thanh Tùng

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành thủy sản Quảng Trạch, cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, việc tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp khiến chi phí chuyến biển tăng do giá cả xăng dầu, vật tư phục vụ tăng. Mặt khác, giá bán sản phẩm không ổn định, các mặt hàng thủy sản chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng phục vụ khai thác thủy sản ở một số địa phương chưa được đầu tư xây dựng. Điển hình như cảng cá ở xã Cảnh Dương chưa được đầu tư xây dựng hoàn thiện giai đoạn 2. Bên cạnh đó, việc thiếu lao động nghề cá cũng đang ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nghề.

Huyện Quảng Trạch đặt ra mục tiêu năm 2024, sản lượng thủy sản đạt trên 14 nghìn tấn, trong đó, sản lượng khai thác đạt trên 13 nghìn tấn, nuôi trồng 885 tấn. Để đạt được mục tiêu này, huyện xác định tập trung chuyển đổi các nghề khai thác hiệu quả, phù hợp với các đối tượng khai thác chính. Thành lập mới, cũng cố phát triển, nhân rộng các mô hình Tổ đoàn kết, Tổ hợp tác sản xuất trên biển có hiệu quả, đảm bảo an toàn khai thác trên biển. Sử dụng giống sạch bệnh, chất lượng cao và chỉ đạo các hộ nuôi thực hiện mua giống đúng địa chỉ, có nguồn gốc rõ ràng. Nhân rộng các đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao, nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng.

Với xã Cảnh Dương, Chủ tịch UBND xã Đồng Vinh Quang cho biết, năm 2024, xã đặt mục tiêu khai thác đạt 4 nghìn tấn thủy sản. Nhưng trước hết, xã đang tập trung vào công tác chuẩn bị cho lễ hội Cầu ngư và phát động ra quân đánh bắt năm 2024. Lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, được xã Cảnh Dương tổ chức hàng năm với quy mô lớn nhất nhì miền Trung. Lễ hội có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, tinh thần gắn kết cộng đồng. Đây cũng là dịp đẩy mạnh tuyên truyền, động viên ngư dân tích cực sản xuất, khai thác hải sản, phát triển kinh tế biển.

Nhờ triển khai quyết liệt các chương trình giảm nghèo, kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo của huyện Quảng Trạch giảm khá nhanh. Đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo là 5,19%, dự ước đến 30/6/2023 giảm còn 4,75% (giảm 0,44%); tỷ lệ hộ cận nghèo đầu năm là 4,77%, dự ước đến 30/6 giảm còn 4,45% (giảm 0,32%).

Thanh Tùng