Môi trường

Giữ gìn vốn quý đa dạng sinh học

Khánh Ly - Vy Huyền - Trung Nguyên 20/02/2024 - 14:40

(TN&MT) - Nằm trong nhóm 16 quốc gia có giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) giàu có nhất trên hành tinh

da-dang-sinh-hoc-2-.png

Nằm trong nhóm 16 quốc gia có giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) giàu có nhất trên hành tinh, Việt Nam đang nỗ lực bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái quan trọng, quản lý bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, các nguồn gen quý hiếm. Đây là vốn quý để nước ta có thể phát triển đúng hướng kinh tế xanh trong dòng chảy chung của thế giới.

bai-1.png

Đáp lại lời kêu gọi "Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái" của Liên hợp quốc, cùng với việc tham gia Công ước toàn cầu về ĐDSH, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện các hoạt động bảo tồn, bảo vệ thiên nhiên và ĐDSH ở cấp quốc gia, địa phương cũng như trong cộng đồng, doanh nghiệp...

tit1.png

Việt Nam có 3 nhóm hệ sinh thái phổ biến là hệ sinh thái đất ngập nước (gồm đất ngập nước nội địa và đất ngập nước ven biển) và hệ sinh thái biển. Với đặc thù địa hình quốc gia trải dài từ Bắc vào Nam và đường bờ biển dài tạo nên các vùng sinh cảnh phong phú, sự giàu có về ĐDSH của Việt Nam đã được khẳng định. Đây trở thành lợi thế lớn của Việt Nam trước xu thế thế giới dành sự quan tâm đặc biệt tới bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, coi đây là điều kiện nền tảng phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Giá trị to lớn về kinh tế, văn hóa, phòng chống thiên tai và hỗ trợ phát triển của các dịch vụ hệ sinh thái đã được chứng minh. Tuy nhiên, Báo cáo ĐDSH quốc gia cũng đã chỉ ra, bất chấp các nỗ lực bảo tồn, xu hướng suy thoái và suy giảm ĐDSH vẫn diễn ra ở tất cả các loại hình hệ sinh thái. Việc thu hẹp diện tích các hệ sinh thái tự nhiên dẫn đến suy giảm sự phong phú các loài, kéo theo xu hướng gia tăng nguy cơ tuyệt chủng loài với tốc độ ngày càng cao và giảm khả năng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho con người.

Chính bởi vậy, Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã nhấn mạnh mục tiêu đến cuối thập kỷ này, Việt Nam sẽ gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi; bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

ban-sao-cua-chat-luong-nuoc-mat-moi-lo-ngai-lon-1-.png

Cùng với Chiến lược, Chính phủ đã ban hành Đề án Tăng cường phòng, chống tội phạm ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chấp hành pháp luật về ĐDSH, góp phần bảo tồn hệ sinh thái, hệ động, thực vật và nguồn gen - những vốn quý ĐDSH của quốc gia, đặc biệt là thông qua giảm các đầu mối săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động, thực vật hoang dã.

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc ngăn chặn tốc độ suy giảm ĐDSH của Việt Nam không chỉ thực hiện các mục tiêu của quốc gia, mà đóng góp vào thực hiện các mục tiêu toàn cầu về ĐDSH.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang tham gia cùng với các nước triển khai các hành động thực hiện Khung toàn cầu về ĐDSH sau 2020 (GBF), sáng kiến toàn cầu về tài chính cho ĐDSH (Biofin), các chương trình hợp tác trong khu vực tiểu vùng hạ lưu sông Mê Kông, và nhiều nỗ lực hợp tác đa phương, song phương khác. Thông qua đó để thiết lập được các mối quan hệ đối tác, huy động nguồn lực, phát huy các sáng kiến, học tập các kinh nghiệm thế giới thực hiện các nhiệm vụ, cam kết về bảo tồn ĐDSH ở cấp quốc gia.

tit2.png

Qua một năm tham gia Khung toàn cầu về ĐDSH, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hành lang chính sách, pháp lý liên quan nhằm thúc đẩy hành động tổng thể của các cấp, các ngành và cả cộng đồng trong quản lý, bảo tồn và sử dụng hiệu quả các giá trị thiên nhiên.

Từ nay đến cuối thập kỷ là khoảng thời gian quan trọng để các bộ, ngành, địa phương đồng lòng triển khai nhiều hành động quyết liệt. Trong đó, giải pháp ưu tiên là tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng cường năng lực bảo tồn ĐDSH. Hệ thống chính sách, pháp luật cần được rà soát đảm bảo tính hệ thống, thống nhất và cập nhật những yêu cầu mới nhằm thực hiện các cam kết quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

Với vai trò là cơ quan đầu mối đối với Công ước ĐDSH, năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo "Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" và Dự thảo "Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" để xem xét, ban hành theo quy định.

Các cơ quan chuyên môn cũng đang gấp rút hoàn thiện sửa đổi các nội dung liên quan tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT về hướng dẫn chi tiết và thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó có nội dung về đánh giá tác động ĐDSH, bồi hoàn ĐDSH, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.

Hệ thống văn bản chính sách pháp luật dần chặt chẽ, kết hợp với công tác phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH thời gian qua có sự tham gia tích cực của các tổ chức phi chính phủ và cơ quan quản lý đã giúp thúc đẩy các hoạt động bảo tồn lan rộng trong cộng đồng. Thực tiễn chỉ ra, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã đưa bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH trở thành một trong những tiêu chí sống xanh, phát triển xanh của mình. Đây là tín hiệu tích cực đối với Việt Nam khi mà xây dựng một xã hội hài hòa với tự nhiên đã trở thành mẫu hình chung cho nhiều quốc gia trên thế giới.

ban-sao-cua-chat-luong-nuoc-mat-moi-lo-ngai-lon-3-.png

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trong năm 2024, cơ quan này sẽ tổ chức đánh giá 15 năm thực hiện Luật Đa dạng sinh học, tạo tiền đề cho việc đề xuất, sửa đổi Luật Đa dạng sinh học năm 2028 theo hướng bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện thực tiễn, bối cảnh trong nước và quốc tế. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và biện pháp quản lý, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, hình thành cơ chế quản lý các khu bảo vệ ngoài khu bảo tồn.

voi-do-che-phu-dat-63-yen-bai-la-dia-phuong-duoc-me-thien-nhien-uu-dai-nguon-vang-xanh-vo-cung-quy-gia.-rung-da-va-dang-dong-vai-tro-quan-trong-trong-qua-trinh-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-t-3-.png
voi-do-che-phu-dat-63-yen-bai-la-dia-phuong-duoc-me-thien-nhien-uu-dai-nguon-vang-xanh-vo-cung-quy-gia.-rung-da-va-dang-dong-vai-tro-quan-trong-trong-qua-trinh-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-t-2-.png
voi-do-che-phu-dat-63-yen-bai-la-dia-phuong-duoc-me-thien-nhien-uu-dai-nguon-vang-xanh-vo-cung-quy-gia.-rung-da-va-dang-dong-vai-tro-quan-trong-trong-qua-trinh-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-t-4-.png
baif-2.png

Với các khu vực bên ngoài khu bảo tồn thiên nhiên vốn đang thiếu các cơ chế bảo vệ nghiêm ngặt, Việt Nam đang hướng đến cách tiếp cận lồng ghép phát triển kinh tế xanh, bền vững với sự tham gia của cộng đồng địa phương sẽ giúp tăng đáng kể diện tích các hệ sinh thái được bảo tồn.

z5175257196889_427bef0d655cbe578c94b52565437186.jpg
Việc thiết lập các khu vực được bảo vệ ngoài khu bảo tồn giúp tăng diện tích bảo tồn tại chỗ tại Việt Nam

Khi tham gia Khung chiến lược toàn cầu về ĐDSH, Việt Nam sẽ phải đáp ứng mục tiêu 30x30 vào năm 2030. Cụ thể, 30% diện tích đất liền và biển được bảo tồn thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các "khu vực có biện pháp bảo tồn hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn thiên nhiên" (gọi tắt là các OECM).

Theo IUCN, OECM không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết bảo tồn với cộng đồng quốc tế mà còn cho phép bảo vệ thêm những sinh cảnh có tính ĐDSH cao nhất nhưng lại đang bị đe dọa. Nghiên cứu năm 2023 chỉ ra, Việt Nam có 9 OECM tiềm năng chính, bao gồm: rừng phòng hộ tự nhiên; vùng đệm của các khu bảo tồn; rừng sản xuất tự nhiên; khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khu vực có độ ĐDSH cao ngoài khu bảo tồn; hành lang ĐDSH; khu đất ngập nước quan trọng; cảnh quan sinh thái quan trọng và khu du lịch quốc gia. Đây là các khu vực cảnh quan thiên nhiên quan trọng, có tính ĐDSH cao đã được ghi nhận trong các văn bản pháp lý của Việt Nam, có sự công nhận quốc tế về các nỗ lực bảo tồn bên ngoài các khu bảo tồn, đồng thời liên kết với các khu bảo tồn chính thức ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, các vùng sản xuất nông nghiệp như mô hình tôm - lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, mô hình xen canh cà phê - cây ăn quả tiết kiệm nước ở Tây Nguyên như sầu riêng, chanh leo hay bơ... cũng có thể học hỏi sáng kiến bảo tồn trong và ngoài hệ thống các khu bảo tồn nhằm tăng tính ĐDSH. Nếu việc chuyển đổi này được kết hợp với việc bảo vệ nghiêm ngặt các diện tích rừng tự nhiên còn lại, sẽ có nhiều diện tích lớn có tiềm năng được công nhận là OECM do mang lại các lợi ích cả về ĐDSH và kinh tế - xã hội cho địa phương.

Trong khi các khu bảo tồn phải có mục tiêu chính là bảo tồn thì các OECM có thể được quản lý với nhiều mục đích khác nhau nhưng phải đạt được mục tiêu bảo tồn hiệu quả và dài hạn. Việc thể chế hóa các OECM sẽ không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế mà còn bảo vệ ĐDSH của các sinh cảnh bị đe dọa như những vùng núi đá vôi độc lập, các vùng đồng cỏ ngập lũ theo mùa, các vùng bãi triều ven biển mà hiện nay còn chưa xuất hiện nhiều trong hệ thống các Khu Bảo tồn

Ông Jake Brunner - Giám đốc IUCN Khu vực Hạ lưu Mekong

Trên thực tế, số lượng OECM ở các địa phương sẽ rất lớn do chính sách giao đất giao rừng cho người dân và cộng đồng địa phương. Đơn cử tại tỉnh Quảng Ninh, qua khảo sát năm 2023 có thể xác định tới 116 OECM tiềm năng. Điều này đặt ra thách thức về xác định ranh giới cụ thể, xây dựng bản đồ cũng như xác định tổ chức quản lý.

Qua khảo sát chung trên cả nước, rừng phòng hộ tự nhiên được định danh trong hệ thống rừng quốc gia, bao phủ khoảng 5,5 triệu ha và đã được xác định rõ ranh giới. Tuy nhiên, các khu vực khác chỉ được đề cập trong các quy định pháp lý mà không có hướng dẫn cụ thể về việc xác định chúng. Ví dụ như khu du lịch quốc gia lại nằm trong một khu rừng đặc dụng hoặc đồng thời là một khu đất ngập nước quan trọng. Một thách thức khác là tại các khu vực có nhiều kiểu hệ sinh thái, trách nhiệm quản lý không rõ ràng hoặc chồng chéo giữa các cơ quan ban ngành cũng như giữa các cấp trung ương, cấp tỉnh hay cấp địa phương.

Để tiến tới công nhận OECM trong thời gian sớm nhất, các tổ chức quốc tế khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng và ban hành các tiêu chí và hướng dẫn chính thức, xây dựng và thí điểm các cơ chế quản lý đối với một số loại hình OECM mới, xây dựng mô hình và đề xuất các chính sách và cơ chế khuyến khích cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân trong việc thiết lập và quản lý OECM. Bên cạnh đó, việc áp dụng chi trả dịch vụ hệ sinh thái tại OECM rất cần thiết nhằm thiết lập tài chính bền vững cho bảo tồn ĐDSH.

Khánh Ly - Vy Huyền - Trung Nguyên