Quảng Ninh: Giữ rừng xanh tạo sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao
(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm mục tiêu giữ vững tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, trồng chăm sóc và bảo vệ rừng, từng bước nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế bền vững cho người dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS).
Giữ vững tỷ lệ che phủ rừng
Năm 2023, với sự nỗ lực và triển khai đồng bộ, phát huy sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương và người dân, công tác bảo vệ, trồng rừng của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt trên 13.600 ha, trong đó trồng được hơn 1.000 ha lim, dổi, lát, giữ vững tỷ lệ che phủ rừng ở mức 55% và nâng cao chất lượng rừng.
Huyện Ba Chẽ là địa phương có diện tích tự nhiên lớn của tỉnh, với hơn 60.000 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là trên 56.000 ha, chiếm trên 93%. Có thể nói, đây chính là tiềm năng thế mạnh quan trọng để Ba Chẽ phát huy lợi thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động ở địa phương, nhất là bà con DTTS ở các xã vùng cao.
Trao đổi với Phóng viên, ông Khiếu Anh Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết: Ba Chẽ là địa phương có tiềm năng, thế mạnh mang tính riêng có về rừng. Chính vì vậy, huyện đã xác định xây dựng Ba Chẽ thành trung tâm lâm nghiệp của tỉnh. Từ đó, có kế hoạch tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số về phát triển kinh tế rừng, từ chỗ giảm nghèo đến chỗ làm giàu từ kinh tế rừng.
Trong những năm gần đây, trồng rừng sản xuất đã trở thành phong trào phát triển rộng lớn trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Diện tích trồng rừng mới toàn huyện trong 3 năm qua đạt gần 11.000 ha, bình quân mỗi năm trồng mới hơn 3.500ha rừng. Riêng diện tích trồng rừng gỗ lớn là 2.301ha, trong đó trồng gỗ lớn cây lim, lát, dổi là 674,1ha, còn lại là keo Úc, thông mã vĩ, sồi phảng.
Cùng với đó, huyện đã khuyến khích người dân trên địa bàn trồng gần 37.000 cây lâm nghiệp phân tán trên những diện tích đất nhỏ lẻ, xen kẹp, không nằm trong quy hoạch trồng rừng tập trung, nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.
Ông Triệu Quay Phúc, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ cho hay: Từ chỗ vận động, khuyến khích bà con trồng rừng gỗ lớn, cho giá trị kinh tế cao, đến nay HTX đã liên kết, thu mua, bao tiêu sản phẩm cho gần 100 hộ dân trong xã với gần 180ha quế đang kỳ cho thu hoạch. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã thu mua cho bà con hàng trăm tấn vỏ quế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho đồng bào vùng DTTS trên địa bàn.
Người dân huyện Ba Chẽ nói riêng cũng như các huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa luôn gắn bó, mưu sinh gắn kết với rừng, có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, khai thác và bảo vệ rừng theo hướng bền vững, tạo sinh kế lâu dài để người dân, nhất là đồng bào vùng DTTS vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống.
Nhân lên những cánh rừng gỗ lớn
Nhằm mục tiêu giữ vững tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, công tác trồng và bảo vệ rừng luôn được Quảng Ninh quan tâm thực hiện. Hiện tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai Tết trồng cây xuân Giáp Thìn 2024 và trồng rừng vụ xuân.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trồng rừng tập trung dự kiến 13.250ha, trong đó trồng 1.000ha lim, dổi, lát và trồng 950.000 cây phân tán tại khu vực đô thị, nông thôn, giữ vững tỷ lệ che phủ rừng ổn định (55%) và nâng cao chất lượng rừng.
Để triển khai kế hoạch trồng rừng, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ đồng loạt tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây vào ngày 15/2 (ngày 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024). Trong ngày tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây, toàn tỉnh phấn đấu trồng gần 1 triệu cây tại rừng trồng tập trung và trồng cây phân tán tại khu vực đô thị, nông thôn. Trong đó, tập trung trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, trọng tâm trồng rừng bằng lim, giổi, lát, cũng như trồng cây hoàn nguyên, phục hồi môi trường, phát triển thành rừng cây gỗ lớn đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển bền vững để hoàn thành chỉ tiêu được giao cả năm 2024.
Trong đó, Quảng Ninh xác định nhiệm vụ trọng tâm là chuyển hướng từ khai thác rừng sang phát triển vốn rừng, trồng rừng tập trung, khoanh vùng bảo vệ, giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế, cũng như hát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển kinh tế dưới tán rừng dựa trên tiềm năng, thế mạnh từng vùng. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các mô hình sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp bền vững gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, như: Vùng trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu; vùng trồng cây lâm đặc sản.
Để có một mùa xuân xanh, huyện Ba Chẽ đã phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn 2024 với quyết tâm thực hiện vượt mức chỉ tiêu trồng trên 3.000 ha rừng tập trung, trong đó phấn đấu trồng 200 ha rừng gỗ lớn và 80 ha cây dược liệu. Ngay sau Lễ phát động, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã đồng loạt ra quân hưởng ứng tết trồng cây, tiến hành trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, cây dược liệu và các loài cây xanh, bóng mát tại các cụm dân cư, dọc tuyến đường liên thôn, liên xã, nhà văn hóa thôn và các trường học với tổng diện tích hơn 23 ha.
Phát huy lợi thế của mình, Ba Chẽ đang có những bước đi vững chắc để bảo đảm môi trường bền vững, bảo đảm nguồn sinh thuỷ, xây dựng chuỗi giá trị từ rừng, quan tâm đặc biệt đến chế biến và chế biến sâu thay thế cho chế biến thô, nâng cao giá trị kinh tế rừng sẽ giúp nhân dân, đồng bào DTTS nơi đây có đời sống ấm no hơn, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn - ông Khiếu Anh Tú cho biết thêm.
Với việc phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn 2024 gắn với trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa và hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh đang ươm mùa xuân xanh trên những cánh rừng, cũng như đang từng bước đem lại cuộc sống ấm no cho người dân và bà con vùng đồng bào DTTS.