Xã hội

"Số hóa" và "Xanh hóa" cho Việt Nam

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý 20/02/2024 - 09:22

(TN&MT) - "Số hóa" và "Xanh hóa" - đấy là cách tôi gọi tắt công cuộc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang được nhân loại rất quan tâm và coi như bước phát triển tất yếu của thế giới mà Việt Nam không ngoại lệ.

Trong sự phát triển của đất nước hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, hiện đại, văn minh, quá trình chuyển đổi số nhằm làm thay đổi tổng thể và toàn diện với các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc cũng như cách thức sản xuất dựa trên công nghệ số là xu hướng, yêu cầu, hành động không thể đảo ngược. Cùng với chuyển đổi số thì chuyển đổi xanh cũng là một trong những nội dung quan trọng của phát triển nền kinh tế bền vững. Chuyển đổi xanh nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Không nên, không thể vì tăng trưởng kinh tế mà làm tổn hại đến môi trường. Sống thân thiện với thiên nhiên là lựa chọn khôn ngoan của con người. Việt Nam chắc chắn sẽ xây dựng một nền kinh tế có mức phát thải thấp song song với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn tình trạng suy giảm đa dạng sinh thái.

Trái đất trong hình dung của thi sĩ Xuân Diệu thì Đi như giọt lệ giữa không trung bởi chứa đựng rất nhiều nước mắt khổ đau của con người. Xa hơn một chút và cũng rất gần với quan niệm của đạo Phật "đời là bể khổ" thì đại thi hào Nguyễn Du cũng từng thốt lên trong "Truyện Kiều" bất hủ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Các thi sĩ, thi hào có lẽ mới thấu cảm nỗi đau mang tính xã hội mà chưa thấy tỏ nỗi đau từ thiên nhiên, của thiên nhiên.

Con người đang đối mặt với nhiều mối nguy lớn gắn liền với ngôi nhà chung mang tên Trái đất. Sự sống trên địa cầu, nơi trú ngụ của hơn 8 tỉ con người cùng với nhiều di sản, di tích, công trình nổi tiếng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Hành tinh Xanh không còn xanh như trước nữa, nó đã bị con người làm cỗi cằn, trơ trụi đi cùng với sự ô nhiễm đến mức “báo động đỏ”. Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ xảy ra trầm trọng hơn với những nguy hại kinh khủng khó lường. Các nhà khoa học đã chứng minh biến đổi khí hậu là do tác động chủ yếu của con người làm thay đổi các thành phần của khí quyển Trái đất. Sự thay đổi này kết hợp với các yếu tố biến động tự nhiên làm biến động tiêu cực hệ thống khí hậu từ sinh quyển, khí quyển, thủy quyển đến thạch quyển ở thời hiện tại và tương lai.

5eeeeeee.jpeg
trường đại học FPT TP. HCM được xem là một trong những công trình có kiến trúc xanh bậc nhất TP.HCM.

Con người đã thấm thía thế nào là biến đổi khí hậu qua tình trạng nắng nóng khắc nghiệt kéo theo hàng loạt hệ quả: hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh... Không thể không nhắc tới hiện tượng băng tan do Trái đất bị đốt nóng. Hiện nay, các tảng băng đang tăn nhanh hơn trước khiến mực nước biển cũng dâng cao hơn. Đa dạng sinh học cũng bị suy giảm do khí hậu biến đổi. Theo cảnh báo, nếu nhiệt độ cứ tăng đều đặn như hiện nay thì vào năm 2050, sẽ có 30% loài động, thực vật bị tuyệt chủng.

Tình trạng ấm lên toàn cầu làm gia tăng tần suất, cường độ của những cơn bão lớn. Thì đấy, chưa bao giờ xuất hiện nhiều "siêu bão" như bây giờ. Những đợt mưa bão lớn gây ra lũ lụt nghiêm trọng. Chắc nhiều người chưa quên cơn bão Noru 28/9/2022 đã gây ra mưa lũ làm thiệt hại rất nặng nề tại nhiều tỉnh miền Trung và Bắc Tây Nguyên ở nước ta...

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan đang gia tăng chóng mặt. Có lẽ vì thế mà người ta cho rằng, đây chính là thời điểm then chốt cho các hoạt động vì khí hậu. Không còn chần chừ được nữa, muốn cứu vãn và duy trì sự sống trên Trái đất, phải cùng nhau hành động. Hành động nhanh chóng và mạnh mẽ. Diễn đạt như Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP28 là Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, là chìa khóa để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu. Việt Nam cam kết và đã, đang, sẽ thực hiện các nội dung Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh; Quy hoạch điện VIII; Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo; Xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo.

5eeeee.jpg

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không còn là khái niệm xa xôi, mơ hồ nữa. Nó trở thành nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đó là câu chuyện và công việc thường ngày của người dân. Cách sống, cách làm việc phải chuyển động thuận chiều với thời đại công nghệ số, thuận chiều với sự vận hành của thiên nhiên để đảm bảo cho một mục tiêu phát triển trong bền vững. Đất nước sẽ có những đô thị thông minh; những vùng quê đáng sống; những công dân Việt biết vươn lên làm chủ công nghệ mới nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống được bồi đắp chắt lọc mấy nghìn năm nay. Sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp chuyển động cùng chiều với thời đại công nghệ số có phương thức lãnh đạo, quản lý, quy trình làm việc và văn hóa theo hướng tích cực, tiên tiến; năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nâng lên không ngừng và điều đó cũng có nghĩa sức cạnh tranh cũng sẽ được tăng cường...
Một mùa xuân nữa đã đến. Trong bước chuyển động của thiên nhiên bao la và gần gũi, chúng ta lâng lâng đi giữa mùa khởi niên tràn trề hy vọng. Hy vọng cho đất nước, quê hương, gia đình và mỗi người có một năm Rồng may mắn, tốt lành. Và, khao khát về một cuộc sống tươi xanh, trong lành trên mảnh đất từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt. Biển trời, sông núi, ruộng đồng... Tổ quốc ta đẹp vô cùng. Đừng để cho vẻ đẹp ấy bị băng hoại, xuống cấp và tàn lụi. Bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ môi trường là bảo vệ, gìn giữ cho chính chúng ta, cho con cháu mình mai sau. Cũng là để góp phần làm cho Trái đất được xanh tươi trở lại.

Sinh thời, Bác của chúng ta đã viết: Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Chúng ta cùng trồng thêm nhiều cây xanh, nâng niu từng cành cây ngọn lá và đừng bao giờ quên việc bảo vệ rừng. Đưa thiên nhiên vào nơi ta sống dù chỉ trong phòng khách hay trên bàn làm việc có chậu cây xinh. Ta cần học lại và thực hành đúng cách ứng xử với thiên nhiên. Lẽ tự nhiên là cái không thể thay đổi, trong mối kết nối Thiên - Địa - Nhân, con người nên biết khiêm nhường lựa chọn cách sống an hòa.

Người yêu người, sống để yêu nhau. Chưa đủ, người yêu thiên nhiên, sống để yêu thiên nhiên. Gieo hạt nào sẽ hái được quả đó. Thân thiện với thiên nhiên sẽ được thiên nhiên đền đáp xứng đáng. Phải thực lòng biết ơn thiên nhiên, dù chỉ là một tán cây che nắng trên đường, một ngụm nước đầu nguồn cho ta đỡ khát, một tiếng chim líu lo đâu đó... Yêu thương môi trường như yêu thương cuộc sống của chúng ta vậy.

Đây không phải là câu chuyện nói rồi để đấy mà là cam kết và hành động cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Nói cụ thể hơn, cần có những quy hoạch, quy trình hợp lý trong xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện; trong khai thác sử dụng tài nguyên môi trường; trong giảm tải và chấm dứt các yếu tố tác động xấu đến thiên nhiên; tiết kiệm điện, nước, nguyên - nhiên liệu trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; tăng cường sử dụng năng lượng sạch... hay nhỏ bé hơn là bỏ bớt việc sử dụng hóa chất, các dụng cụ làm bằng chất liệu khó phân hủy... Mỗi người dân là một chiến sĩ bảo vệ môi trường, chung tay, động viên, cổ vũ, nhắc nhở nhau cùng hành động. Sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu khi đất nước Việt Nam trong một tương lai không xa mấy sẽ rất đàng hoàng, to đẹp xanh tươi trong lành, xứng đáng được vinh danh là nơi đáng sống trên hành tinh này.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý