Xã hội

Xuân xanh trên đảo ngọc Cô Tô

Phạm Hoạch 20/02/2024 - 09:21

(TN&MT) - Sau gần 30 năm được thành lập, từ một huyện đảo nghèo khó, nay Cô Tô như được “lột xác” khoác lên mình diện mạo của một trung tâm du lịch - dịch vụ sầm uất với những khách sạn khang trang, homestay rợp bóng cây xanh cùng những bãi tắm thơ mộng sạch sẽ.

1. Chuyến tàu cao tốc những ngày cuối năm ra đảo Cô Tô không đông khách du lịch như vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 mà chủ yếu là chở hàng phục vụ đón tết Giáp Thìn. Bà con trên tàu thân mật hỏi thăm nhau: “Năm nay ăn Tết to không?”, “Có đụng lợn không?” hay “Hai mấy gói bánh chưng vậy?”.

Trên chuyến tàu ra đảo, tình cờ tôi gặp lại người quen cũ là anh Lê Bảo Đức - Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Cô Tô. Anh Đức quê Thái Bình, anh ra làm việc và quyết định lập nghiệp, gắn bó lâu dài với đảo ngọc Cô Tô từ nhiều năm nay.

Lâu lâu gặp nhau, chúng tôi thăm hỏi chuyện gia đình, chuyện đảo. Anh hồ hởi bảo: “Cô Tô giờ khác nhiều lắm rồi, không hẻo lánh như trước nữa. Mùa hè, mùa du lịch là “cháy” phòng nghỉ nhất. Các dịch vụ ăn uống, chở khách, rồi làm homestay đã tạo việc làm và thu nhập, nâng cao đời sống của người dân huyện đảo”.

Nhưng điều đáng khoe nhất, anh Đức dành trước lúc cập bến để bật mí cho tôi: “Thời gian gần đây, cá voi, rùa biển liên tục xuất hiện trên vùng biển Cô Tô. Có được điều này là nhờ cả đảo chung tay bảo vệ môi trường biển đó, nhà báo hãy tìm hiểu nhé”!

Tàu cập vào bến cảng Cô Tô, từng cơn gió đông mang theo hơi lạnh thổi từ biển khơi nhưng không vì thế mà ảnh hưởng tới không khí ấm áp chuẩn bị đón chào một mùa xuân no đủ, hạnh phúc của người dân đảo ngọc.

Dừng chân trên đảo, tôi liền mượn xe máy của người quen đi một vòng. Mùa này vắng khách du lịch, tuyến đường nối từ trung tâm thị trấn Cô Tô sang xã Đồng Tiến thoáng đãng, sạch sẽ, hai bên đường rợp bóng cây xanh và hoa rung rinh trước gió. Dừng xe tại bãi tắm Tình Yêu, rồi đến Vàn Chảy, Hồng Vàn cảm nhận được sự yên tĩnh trước biển mùa đông, không khí trong lành với những bãi cát trải dài, nước biển xanh thẫm. Tôi cảm nhận rõ rệt sự thay đổi trên đảo, từ đời sống người dân đến hạ tầng, nhưng điều thay đổi rõ nhất là không còn cảnh rác thải, nhất là rác thải nhựa trôi dạt vào bãi tắm như trước đây.

13coto.jpg
Một góc đảo ngọc Cô Tô

2. Chợ trung tâm đảo những ngày áp Tết, người mua kẻ bán đông vui nhộn nhịp. Bên quầy tạp hóa, chị Đặng Thị Huề, nhà ở khu 4, thị trấn Cô Tô cho bộ đèn nháy vào chiếc túi thân thiện môi trường (túi tái chế được làm từ bã mía) đưa khách mua hàng, chị vui vẻ kể: “Túi này được thị trấn phát cho tiểu thương trong chợ để dùng thay túi ni lông đựng hàng hóa. Ở Cô Tô giờ không dùng túi ni lông nữa rồi”.

Không chỉ các tiểu thương, người dân trên đảo Cô Tô cũng rất ý thức việc không sử dụng túi ni lông. Khu chợ cá tấp nập, cá tôm tươi rói. Người mua kẻ bán cũng trong nhịp gấp gáp, sôi động của những ngày cuối năm. Bên hàng bán cá, chị Nguyễn Thị Thúy, nhà ở khu 1, thị trấn Cô Tô chia sẻ: “Được các cấp hội tuyên truyền nên tôi thường xuyên dùng làn đi chợ, cũng như sử dụng túi tự hủy sinh học thân thiện với môi trường mang các thực phẩm như thịt, cá, rau, nhằm hạn chế việc thải rác nhựa ra môi trường, góp phần xây dựng Cô Tô ngày một sạch, đẹp”.

Không chỉ tại chợ Cô Tô mà tất cả cơ sở lưu trú, nhà hàng trên đảo đều có thùng rác chia ngăn đựng rác hữu cơ và rác vô cơ riêng giúp du khách thuận lợi trong việc phân loại rác thải. Huyện đảo cũng lắp đặt hàng chục thùng rác tại các bãi tắm, chợ, các bến tàu... để tránh tình trạng người dân, du khách xả rác trực tiếp xuống biển.

Nhiều homestay còn lan tỏa hình ảnh điểm đến thân thiện, trách nhiệm với môi trường khi không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, như chia sẻ của anh Bùi Đức Thành - chủ một homestay tại xã Đồng Tiến - cơ sở tiên phong trong thực hiện Đề án Huyện đảo không rác thải nhựa: "Chúng tôi sử dụng hoàn toàn vật liệu thân thiện với môi trường và tạo cảnh quan để du khách thấy đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Đặc biệt, chúng tôi xây dựng văn hóa Cô Tô từ cách sống thân thiện, chất phác của người vùng biển".

Chúng tôi gặp ông Bùi Điển, năm nay gần 80 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi Đảng, nguyên là Bí thư đầu tiên của xã đảo Cô Tô. Bên ấm trà nóng buổi sáng, ông Điển hãnh diện vì mình là người chứng kiến những đổi thay của đảo ngọc Cô Tô từ lúc hoang sơ vài chục nóc nhà đến khi sầm uất mang dáng hình một đô thị đảo như hiện nay.

Huyện đảo Cô Tô có được diện mạo khang trang, đường sá sạch đẹp, bãi biển trong xanh là nhờ sự “xắn tay” vào cuộc quyết liệt của chính quyền và sự đồng lòng hưởng ứng của bà con địa phương trong việc chung tay bảo vệ môi trường bằng hành động cụ thể của mỗi người dân trong việc thu gom, đổ rác đúng nơi quy định, nhất là phong trào “Nói không với rác thải nhựa” rất ý nghĩa được địa phương tích cực triển khai trong thời gian qua - ông Điển chia sẻ thêm.

3. Hơn một năm qua, chương trình “Nói không với rác thải nhựa” được huyện đảo Cô Tô triển khai một cách bài bản, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường, đa dạng sinh thái biển. Chương trình được địa phương coi là yếu tố “mấu chốt” trong việc thu hút và giữ chân du khách trong và ngoài nước đến với đảo ngọc, cũng là định hướng phát triển du lịch - dịch vụ theo hướng xanh, bền vững, thân thiện với môi trường.

Bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Cô Tô cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân và du khách trong việc bảo vệ môi trường, các tổ chức, đoàn thể hội đã phối hợp với Cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên, bến tàu tại huyện Vân Đồn, cũng như các tàu chở khách ra Cô Tô ký cam kết không mang túi ni lông, chai, lọ nhựa ra đảo.

“Chúng tôi cũng cung cấp miễn phí túi tự hủy sinh học thay thế túi ni lông cho người dân, du khách trước khi xuống tàu ra đảo. Đến nay, 99% người dân, cũng như du khách không sử dụng túi ni lông trên địa bàn huyện đảo Cô Tô”, bà Thúy chia sẻ.

Từ những việc nhỏ như phát túi tự hủy sinh học, lắp đặt thùng rác đến những định hướng lớn như "doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực" là chìa khóa để Cô Tô cất cánh nhờ ngành công nghiệp không khói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Đỗ Huy Thông khẳng định: Tương lai của Cô Tô là trở thành một tổ hợp dịch vụ du lịch biển đảo phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tâm linh, sinh thái, vui chơi giải trí trên biển, cũng như phát huy và bảo tồn được giá trị sinh thái hệ thống đảo một cách bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và quốc phòng an ninh nơi Đông Bắc Tổ quốc.

Chia tay đảo ngọc, trên đường ra bến cảng tàu, tôi thấy thấp thoáng trên những sườn đồi, sắc đỏ trên những cánh hoa đào nở sớm đang đung đưa trước gió, ngang qua cổng chợ bắt gặp các bà, các cô xách làn đi chợ hối hả trở về chuẩn bị cho bữa cơm cuối năm, từng nhóm trẻ em xúng xính trong những bộ quần áo mới nô đùa trong sân nhà, báo hiệu mùa xuân ấm no, hạnh phúc đang đến với người dân huyện đảo Cô Tô thân yêu.

Phạm Hoạch