Xã hội

Mắt Hà Thành

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương 12/02/2024 - 10:40

(TN&MT) - Những chiếc giếng nhỏ bé, tròn vành vạnh, giống như con mắt thẳm sâu thao thức giữa lòng Hà thành hàng bao nhiêu đời nay. Những chiếc giếng ẩn nhẫn, không ồn ào, tiện lợi như hệ thống máy nước nhưng lại cho cảm giác yên bình, trong lành rất khó tả.

screenshot_1705182852.jpg
0f3a6187-d14d-4e59-9f82-1eec698aeb33-1-.jpg

Những chiếc giếng ẩn nhẫn, không ồn ào, tiện lợi như hệ thống máy nước nhưng lại cho cảm giác yên bình, trong lành rất khó tả.

Nào ai biết được những cái giếng có từ bao giờ. Nào ai đã bỏ công ra tính xem ở chốn Hà thành cổ kính, sôi động với vô số thăng trầm lịch sử này, có bao nhiêu cái giếng đã tồn tại và bao nhiêu cái đang còn tồn tại. Chỉ biết chắc chắn rằng hiện nay Hà thành vẫn còn lưu giữ nhiều cái giếng cổ, cổ một cách đích thực, cổ “xịn” luôn. Và ở những cái giếng ấy, khi ta nhìn xuống sẽ có cảm giác như đang nhìn vào tâm hồn người Việt cổ của mình. Ta sẽ thấy một tâm hồn leo lẻo đấy mà cũng u trầm đấy, sóng sánh đấy mà cũng hun hút đến ngợp thở đấy. Những cái giếng cổ trong khu Hoàng thành, lớp nọ chồng lên lớp kia với Lý - Trần - Lê, không thể không khiến cho người ta liên tưởng tới cái nhìn của thời gian. Cái nhìn tiếp nối, xuyên suốt qua đằng đẵng hàng chục thế kỷ. Trong những cái giếng, những con mắt thăm thẳm, sống động, ướt mướt, ký ức đang yên ngủ và chỉ cần với sự thành tâm khi soi xuống, ta sẽ bắt gặp lại. Biết bao nhiêu kiều nữ của vua chúa đã soi mình xuống những cái giếng trong khu Hoàng thành. Biết bao nhiêu thôn nữ đã in bóng xuống những cái giếng ở các làng xóm, phủ, trấn quanh kinh thành. Hà thành cũng từng đủ lệ bộ với “giếng nước sân đình” như bất cứ miền quê nào.

screenshot_1705183663.jpg

Nổi tiếng nhất không chỉ ở Hà Nội mà khắp cả nước, có lẽ là cái giếng ở Cổ Loa. Không ai là không biết cái giếng ấy bởi nó là cái giếng của lòng trung trinh. Giếng ấy trước nàng Mỵ Châu thường ra đấy tắm và trang điểm. Khi hay tin Mỵ Châu mất, Trọng Thủy đã gieo mình xuống tự vẫn. Danh tiếng nước giếng Cổ Loa đem rửa ngọc khiến ngọc sáng lên một cách lạ thường đã đến tai thiên triều Trung Hoa và trở thành vật cúng tiến cho họ. Phải đến năm Vĩnh Thịnh thứ 14, tức là năm 1718 đời Lê thì lệ này mới chấm dứt. Công chấm dứt được việc cúng tiến nước giếng Cổ Loa là bởi Nguyễn Công Hãn do vội đã quên không lấy nước giếng Cổ Loa, ngang đường mới nhớ, thế là lấy bừa nước giếng khác để thế vào. Triều đình Trung Hoa đem nước giếng rửa ngọc không thấy ngọc sáng lạ như trước, mới hạch hỏi. Nguyễn Công Hãn nói dối rằng nước giếng này do lâu quá nên đã mất hết linh khí. Từ đó lệ cúng tiến nước giếng Cổ Loa mới chấm dứt. Nhưng với người Việt nói chung và người Hà thành nói riêng thì giếng nước Cổ Loa và những cái giếng khác vẫn còn giá trị lắm. Bằng cớ là dù dâu bể thế nào, dù nước máy đến tận nhà hay đất tăng giá đến chóng mặt thì vẫn còn chỗ cho những cái giếng tồn tại. Ngay cả giữa khu phố cổ hiện nay cũng vẫn còn lưu lại vài ba chiếc.

screenshot_1705183229.jpg

Tại sao một cái giếng giản đơn mà tồn tại dẳng dai thế? Thật khó giải thích. Cắt nghĩa cặn kẽ lại càng khó hơn nữa. Chỉ biết rằng bỏ một cái giếng đâu phải dễ, bởi nó, cái giếng nước ấy đã ăn sâu vào tâm thức của mọi người và trở thành một nét văn hóa không thể phai nhòa. Trong lòng người Hà thành nào mà chẳng ẩn chứa hình bóng một giếng nước với cái ấn tượng leo lẻo, rười rượi. Mỗi cái giếng là một nẻo đường dẫn thông sang quá khứ, để cho người Hà thành thấy lại bóng nghìn năm văn hiến của mình.

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương