Xã hội

Trở về nương tựa thiên nhiên

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý 12/02/2024 - 10:39

(TN&MT) - Trong hình dung của tôi, Trái đất là một kỳ quan lộng lẫy của vũ trụ vô cùng bao la và sự sống trên hành tinh này là điều huyền diệu không thể nói hết.

60.jpg

Trong hình dung của tôi, Trái đất là một kỳ quan lộng lẫy của vũ trụ vô cùng bao la và sự sống trên hành tinh này là điều huyền diệu không thể nói hết. Trong sự kỳ diệu của tạo hóa thì con người, xin được viết hoa hai chữ Con Người là điều kỳ diệu nhất. Con người được sinh ra từ thiên nhiên, được che chở bởi thiên nhiên và không thể nói khác, được nuôi dưỡng bởi thiên nhiên. Thiên nhiên là mẹ, người mẹ vĩ đại của con người; muôn đời chúng ta phải biết, phải cần tựa vào đó để tồn tại và phát triển. Cái nôi thiên nhiên hát ru hạnh phúc của con người cũng như mẹ từng ru tôi À ơ…Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời êm, bể lặng mới yên tấm lòng… Vâng, từ xửa từ xưa, con người đã cảm thấu được sức mạnh to lớn của thiên nhiên ở cả hai phía thuận và nghịch, để ngẩng đầu mà bước nhưng cũng biết khiêm nhường cúi xuống trước cái hùng vĩ huyền bí của trời đất, núi sông, đồng bãi, thậm chí cả cỏ cây, muông thú...

Từ thuở bình minh loài người, khi tổ tông xa lắc xa lơ của chúng ta còn hái lượm săn bắt để tồn tại cho đến bây giờ ở thời đại 4.0 chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang dần dà trở thành hiện thực sinh động của xã hội thì chúng ta vẫn phải gắn bó bền chặt với thiên nhiên. Sự gắn bó mật thiết mang tính quy luật vĩnh cửu như quan niệm mối quan hệ Thiên - Địa - Nhân của người phương Đông từ mấy nghìn năm nay. Mỗi con người là một vũ trụ thu nhỏ (tiểu vũ trụ), chỉ riêng cái điều đó cũng chứng tỏ rằng thiên nhiên muôn đời là nơi nương tựa của sinh vật có ý thức trên Trái đất. Từ tích tắc huyền diệu ta được hình thành nên một hạt sống bởi sự kết hợp của cha và mẹ cũng đã chịu sự tác động dường như vô hình, vô lượng của môi trường đến khi cuộn tròn trong “quả địa cầu” thấm tình mẫu tử cho tới lúc cất tiếng khóc chào đời, rồi lớn lên bằng dòng sữa mẹ, bằng hạt gạo phù sa, bằng rất nhiều thứ của thiên nhiên mang lại. Hạnh phúc của con người cũng là hạnh phúc của thiên nhiên; sự yên bình của con người không bao giờ tách khỏi sự tốt lành của môi trường sống. Gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Cuộc sống không vượt qua được mặc định này. Con người cũng chỉ là cây sậy biết suy nghĩ mà thôi, cho nên chớ vội vàng, ngạo mạn đặt mình cao hơn tất cả. Càng không nên đối xử tàn tệ, bóc lột thiên nhiên như đã, đang xảy ra từng ngày, từng giờ trên hành tinh xanh này.

Trở về với thiên nhiên, sống nương tựa vào thiên nhiên chính là sự lựa chọn khôn ngoan và thật sự nhân văn của con người. Nương tựa không hoàn toàn là phụ thuộc, là thụ động mà cốt lõi, xuyên suốt của nó vẫn là sự hài hòa thân thiện với môi trường. Đấy chính là sự biết ơn thiên nhiên không phải chỉ bằng lời nói mà phải bằng những hành vi cụ thể, thiết thực có lợi cho môi trường sống. Vấn đề của toàn cầu, của sự vĩ mô nhưng cũng là suy nghĩ và việc làm của mỗi người, không phân biệt quốc tịch, nền văn hóa, sự giàu nghèo, giới tính, đẳng cấp, sắc tộc, tôn giáo, tuổi tác… Trái đất là ngôi nhà chung của tất cả loài người. Không có tổn thương nào của môi trường là không ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của loài người. Nhiệt độ Trái đất tăng làm hành tinh nóng lên, sau đó là băng tan, nước biển dâng, là bão lũ xảy ra bất thường, là dịch bệnh nối nhau, là sự chao đảo, suy thoái, đứt gãy kinh tế toàn cầu, là đói nghèo, là xung đột, chiến tranh, là đặt loài người trước ngưỡng cửa của Ngày tận thế…

Tôi đã nghe người ta nói tới lối sống thân thiện môi trường với nguyên tắc 5R (Refuse - Reduce - Reuse - Recycle - Rot). Đây là lối sống xanh, bền vững, thân thiện với môi trường được thực hiện mỗi ngày. Đây là lối sống “không rác thải”, từ chối những gì bạn không cần; học cách tiết giảm đồ dùng; tái sử dụng khi có thể; biết cách phân loại để tái chế; biến rác thải hữu cơ thành sản phẩm chăm bón cho cây trồng. Ở tầm lớn hơn phải biết sử dụng tài nguyên một cách hợp lý với tầm nhìn xa rộng hướng tới mai sau. Khoáng sản, tài nguyên dồi dào đến mấy cũng không vô tận, chắc ai cũng hiểu được điều đó.

Thế đấy, không thể đòi hỏi thiên nhiên nhiều hơn cái ta mang lại cho thiên nhiên. Hai phía của một hành trình tồn tại sẽ gặp nhau ở sự hài hòa xuyên suốt và vững bền. Càng thân thiện với thiên nhiên, con người càng được hưởng lợi lâu bền. Con người chắc chắn sẽ hạnh phúc khi biết lấy thiên nhiên làm “điểm tựa” cho mình. Không phải chỉ cho một ngày, một tháng, một năm, một niên kỷ, một thế kỷ mà mãi mãi muôn đời. Con người cần phải lập trình cuộc sống văn minh, phát triển trên sự yêu thương hòa thuận với thiên nhiên. Chuyển đổi xanh chính là hành trình đi tới tương lai tốt đẹp của loài người.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý