Độc đáo thổ canh hốc đá
(TN&MT) - Từ lâu, đá đã trở thành một phần trong đời sống của các tộc người ở Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Họ phá đá để tạo lối đi, xếp hàng rào đá để bảo vệ ngôi nhà và đặc biệt xếp đá thành nương để canh tác, dần hình thành tri thức thổ canh hốc đá.
Phương thức canh tác đặc biệt
Năm 2014, tri thức thổ canh hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Đồng Văn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đến nay, thổ canh hốc đá vẫn là phương thức chủ đạo trong hoạt động sản xuất của người H,mông, Dao, Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo, thể hiện tinh thần sáng tạo và thích nghi của họ với môi trường sống khắc nghiệt.
Phương thức canh tác độc đáo này đã thôi thúc tôi tìm về miền Cao nguyên đá Đồng Văn. Trong hành trình này, tôi được ông Hoàng Đức Quản - Phụ trách Trạm thông tin Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) dẫn đường, được ông chia sẻ câu chuyện nước ở vùng Cao nguyên đá rất khan hiếm, đặc biệt vào mùa khô. Tuy ít ỏi, sự uyển chuyển, linh hoạt của nước len lỏi giữa những dãy núi đá khô cứng, cố định vẫn tạo ra cơ hội sinh tồn cho các cư dân trong vùng.
Nổi bật trên nền đá xám là những nương ngô xanh ngát, những ruộng lúa vàng óng, những đồi hoa mận trắng, những rừng hoa đào đỏ, tượng trưng cho tinh thần không chịu khuất phục trước thiên nhiên khắc nghiệt của con người. Thật không quá khi nói người dân nơi đây “sống trên đá, chết vùi trong đá”, đá đáp ứng hầu hết các nhu cầu cơ bản cuộc sống của họ!
Không khó để quan sát thấy cùng với những con đường cheo leo, ẩn hiện trong mây, Cao nguyên đá còn nổi tiếng với những hẻm vực sâu, những vách đá dựng đứng, những đỉnh núi nhọn hoắt, những rừng đá, hoang mạc đá lởm chởm…
Đáp lại câu nói của tôi: “Ở đây, đâu đâu cũng thấy đá. Đá như “máu thịt” của bà con trên Cao nguyên đá phải không anh?”, anh Quản chia sẻ: “Đá còn quý hơn cả “máu thịt” của bà con nhà báo ạ. Có lẽ vì thế mà họ đã tạo ra tri thức thổ canh hốc đá”.
Theo anh, sinh sống ở địa hình khắc nghiệt với gần 80% núi đá, các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã thích nghi, sáng tạo ra phương thức canh tác đặc biệt - thổ canh hốc đá. Thổ canh hốc đá là hình thức canh tác trên đất xen lẫn đá ở các triền núi vùng Cao nguyên đá Đồng Văn với quy trình gồm: khai phá nương (sau Tết), làm đất và tra hạt (tháng 2 - 3), chăm sóc (tháng 4 - 5) và thu hoạch (tháng 8 - 9).
Người ta thường chọn nơi đất không quá dốc, nhiều nắng rồi phát đốt cỏ và cây bụi tạo một lớp tro cho cây sinh trưởng, sau đó xếp đá quanh đất kè thành nương để chống xói mòn, rửa trôi đất. Với những hốc đá tự nhiên, họ gùi đất đã đập tơi đổ vào, mỗi hốc chỉ trồng được 2 - 3 cây ngô. Do nguồn đất hiếm nên ngô được trồng xen với bí, dưa chuột, rau cải... Người H,mông nơi đây còn trồng xen ngô với cây lanh để lấy sợi dệt. Hết mùa ngô, nhiều nơi trồng tam giác mạch, vừa lấy hạt ăn lúc giáp hạt, vừa giúp đất không cứng lại để quay vòng cho vụ sau.
Nông cụ canh tác nương đá của cư dân Cao nguyên đá Đồng Văn cũng rất độc đáo, thích hợp với nương đá như cày, bừa, cuốc bướm. Bừa có hai loại: bừa tay và bừa chân. Bừa tay có tay ngang để người dùng cầm ấn xuống khi bừa. Bừa chân thông dụng hơn, thường có dạng hình chữ nhật, hai hàng răng, không có tay giữ, khi bừa, người điều khiển phải đứng lên bừa. Cuốc bướm có lưỡi mỏng, to bản, hình tam giác, hai góc lưỡi nhọn nên thuận lợi cho việc cào, vơ cỏ, vun gốc trên nương đá.
Cày nương do người H,mông chế tác, phù hợp với địa hình đất dốc, nhiều đá. Thân cày chắc khỏe, được làm từ những loại gỗ cứng nhưng dẻo: dâu rừng, chẩn, sến, trai, nghiến..., họ thích nhất là gỗ dâu vì nhẹ, chịu mưa nắng, bền khi bị ngâm nước. Lưỡi cày có hình tam giác cân, dày, nhỏ hơn lưỡi cày ruộng, mũi hơi tù và cong, có thể linh hoạt len lỏi qua các hốc đá trên nương và chịu được lực khi va đập vào đá. Một lưỡi cày tốt khi càng dùng càng bóng và ít bị mòn. Lưỡi cày cũ hỏng không bị vứt đi mà có thể đổi lấy lưỡi cày mới ở chợ. Ngày Tết, với quan niệm vạn vật hữu linh, người Hmông để lưỡi cày nghỉ ngơi, dán giấy đỏ, đặt dưới bàn thờ và thắp hương cúng, thể hiện lòng biết ơn đối với một vật dụng hữu ích, gắn bó mật thiết với đời sống tộc người.
Phong phú thêm nền “văn hóa đá”
Để giúp tôi hiểu rõ hơn về một nền “văn hóa đá” của người bản địa, đặc biệt là kỹ thuật canh tác hốc đá, người phụ trách Trạm thông tin Mèo Vạc đã dẫn tôi đến gặp bà Thào Thị Chúa ở tổ 2 thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc - người đã có kinh nghiệm làm nương đá ngay từ khi còn nhỏ.
Người phụ nữ H,mông 70 tuổi cho biết, tri thức và kỹ thuật thổ canh hốc đá là những kinh nghiệm canh tác trên loại nương ở vùng đất có xen lẫn đá. Những tri thức dân gian này được đồng bào dân tộc Mông và các dân tộc sinh sống trên vùng cao núi đá phía Bắc Hà Giang đúc rút, hoàn thiện trong quá trình canh tác và truyền lại qua nhiều thế hệ, trong suốt quá trình định cư chừng 300 năm qua. Di sản này phân bố rộng khắp với diện tích rộng trên 2.300km2, độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Khi dân số ngày càng tăng, việc đốt rừng làm nương không còn là phương thức canh tác tối ưu, cộng đồng các dân tộc đã chuyển sang định cư, lập làng và sử dụng phương thức canh tác thổ canh hốc đá làm chủ đạo trong sản xuất.
Để có được những nương ngô, hoa màu xanh tốt, bà con các dân tộc đã trải qua quá trình cần mẫn, khéo léo xếp đá, tạo thành những bờ ngăn, những mảnh nương kỳ công. Khai phá để làm nương là công việc tốn nhiều công sức và thời gian nhất, tiếp theo là nhặt đá xếp thành bờ ở sườn dưới của nương để giữ cho nương không bị sạt lở, xói mòn và rửa trôi màu. Quá trình khai thác nương, xếp đá hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Để tận dụng tối đa đất canh tác, đồng bào không chỉ xếp đá ở những nơi có diện tích rộng, mà cả tại những sườn cao của nương, những khu vực nhiều đá nhưng không thể san bằng được, bà con sẽ kè thành những hốc đá kín, sau đó gùi thêm đất đổ vào để canh tác.
Qua câu chuyện của bà Chúa cũng như hành trình của mình, tôi thực sự ấn tượng về phương thức thổ canh hốc đá bởi sự kỳ diệu, sức sáng tạo, cần cù và đôi bàn tay khéo léo của bà con vùng cao. Trong chuyến đi này, tôi có thể dễ dàng bắt gặp những biểu hiện của tri thức thổ canh hốc đá, đó là hình ảnh đồng bào nhặt đá, xếp nương đá, gùi đất đổ vào hốc đá hay những cây ngô, rau, đậu vươn lên xanh tốt từ trong đá xám.
Tri thức này còn thể hiện qua những kinh nghiệm sản xuất của đồng bào trong hoạt động canh tác từ việc xem, chọn ngày đẹp để gieo trồng hay những lễ cúng mang đậm nét văn hóa nông nghiệp vẫn đang được duy trì thường xuyên như: Cúng rừng, mừng cơm mới… Tri thức thổ canh hốc đá còn ẩn chứa trong các bài ca dao, dân ca, những câu chuyện cổ chứa đựng kinh nghiệm sản xuất, được lưu truyền và ghi nhớ qua nhiều thế hệ.
Mang đặc trưng riêng của vùng Cao nguyên đá Hà Giang, tri thức thổ canh hốc đá có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn gắn liền với tiến trình cư trú của các tộc người sinh sống. Sự ra đời của tri thức này đã tạo nên loại hình canh tác mới, đó là bước ngoặt, cũng là bằng chứng đánh dấu quá trình định cư lâu dài cho đến tận ngày nay của dân tộc Mông và hầu hết các dân tộc khác trên phía Bắc Hà Giang. Hình ảnh những nương ngô trong đá xám và người nông dân cần mẫn gùi đất lên nương… là những hình ảnh mang đậm nét văn hóa.
Giá trị văn hóa còn thể hiện trong sự đang dạng của tri thức, kỹ thuật canh tác của từng dân tộc và khác nhau trong tín thờ cúng nông nghiệp. Không chỉ đơn thuần là những kinh nghiệm, cách làm nhằm duy trì sinh kế, bảo đảm cuộc sống hàng ngày, bằng một cách hoàn toàn tự nhiên, cộng đồng các dân tộc đã tạo nên giá trị trong văn hóa ứng xử với môi trường sống và điều kiện tự nhiên.
Kết thúc hành trình về với Cao nguyên đá, những gì còn đọng lại trong tôi là câu nói của bà Chúa: “Người H,mông không thể bỏ canh tác nương đá, họ “bám đất, bám đá” để sống. Đá nơi đây rất có giá trị, được ví như “đá nở hoa”, bà con có thể dùng đá để làm nhà, để canh tác…”. Mong rằng, trong tương lai, những hạt mầm sẽ tiếp tục nảy nở trong mỗi hốc đá trên vùng Cao nguyên đá để minh chứng rằng tri thức thổ canh hốc đá khẳng định sức sáng tạo, sức sống mạnh mẽ, tinh thần giữ đất biên cương của các thế hệ nơi địa đầu Tổ quốc.