Ngày xuân đi chợ Bắc Hà
(TN&MT) - Khi hoa mai, hoa mận nở trắng núi rừng, sương giăng khắp lối, ấy là lúc bà con các dân tộc H,mông, Dao, Hoa, Giáy, Lô Lô, Hà Nhì và cả những du khách tới vùng cao tỉnh Lào Cai náo nức cùng nhau đi chợ phiên Bắc Hà.
Đây là một trong những phiên chợ hiếm hoi vẫn còn giữ được nét đặc trưng văn hóa nguyên sơ của đồng bào Tây Bắc. Đây cũng là phiên chợ duy nhất của Việt Nam nằm trong Top 10 khu chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á do Tạp chí du lịch Serendib (SriLanka) bình chọn.
Nơi cao nguyên trắng mờ sương
Bắc Hà được coi là trung tâm cao nguyên với phía Bắc giáp huyện Si Ma Cai, phía Nam giáp huyện Bảo Yên và huyện Bảo Thắng, phía Đông giáp huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, và phía Tây giáp huyện Mường Khương. Với diện tích 681km², dân số khoảng hơn 67.472 người, gồm 18 dân tộc, trong đó dân tộc H'Mông chiếm khoảng trên 47% dân số trong toàn huyện, còn lại là các dân tộc khác, khiến Bắc Hà trở nên đa dạng về màu sắc… Với nhiều cánh rừng sa mộc, Bắc Hà trở nên đẹp lạ lùng trong mùa đông lạnh giá.
Biết tôi muốn thấy được cảnh sắc của chợ phiên Bắc Hà, chị Nguyễn Thị Hằng - chủ một khách sạn ở thị trấn Bắc Hà cho biết: “Nếu cậu muốn thấy, chịu khó đi bộ ra hướng Si Ma Cai khoảng 2km, ngồi ngay mấy cái điểm gần đó mới thấy được toàn cảnh bà con đồng bào “dập dìu”, gồng gánh hàng hóa đi chợ”. Chợ ở đây, cái gì cũng có. Nghe lời chị, từ 5 giờ tờ mờ sáng, tôi đã dậy, đội sương đi ra phía đầu thị trấn Bắc Hà, lối đi chủ yếu từ các xã và 2 huyện lân cận là Si Ma Cai và Xí Mần (Hà Giang) sang đây. Dọc đường đi, tôi tưởng mình dậy sớm, nhưng thực chất, so với đồng bào thì mình còn dậy muộn hơn.
Thấy một thanh niên đeo một bao kèn chạy xe qua, tôi liền vẫy tay. Anh chàng này vội đạp thắng, dừng xe lại. Tôi hỏi, anh cho biết mình tên Cư A Phử, nhà ở huyện Si Ma Cai, bao kèn này là sản phẩm của gia đình anh làm, mang đi chợ bán. Nghề làm kèn này truyền từ thời ông nội anh. Giờ đến bố anh và anh. Gia đình anh là người H’mông, sinh sống ở huyện Si Ma Cai. Hầu như buổi chợ nào anh cũng đi bán kèn. Mỗi chiếc kèn, anh bán hơn 2 triệu đồng. Kèn này dễ thổi và treo cũng đẹp, anh Phử cho biết. Mỗi tuần, gia đình anh chỉ làm được 1 cái kèn này thôi. Nói rồi anh Phử liền biểu diễn luôn một làn điệu gọi bạn của đồng bào mình. Tiếng kèn rắt réo những tiếng láy, tiếng hờn, tiếng hẹn hò nhau sau mỗi buổi chợ. Sáng sớm, trời vẫn bồng bềnh mây trắng, càng lúc, tôi càng thấy mọi ngả đường đi về chợ phiên Bắc Hà dần chật chội, ánh lên đủ sắc màu văn hóa tuyệt đẹp.
Anh Lê Xuân Tám - một người dân sinh sống ngay ở ngã ba gần dinh Hoàng A Tường, giáp chợ Bắc Hà kể: Ngày xưa, chợ họp thưa thớt lắm. Chợ họp trên một quả đồi thoai thoải, sau này chợ được xây mới trên nền bê tông và được chia ra từng khu vực với nhiều khu vực bán hàng. Khu bán gia súc, gia cầm, khu vực bán đồ tạp hóa như cày, cuốc, xẻng, dao. Khu bán đồ thổ cẩm, đồ trang sức, khu bán các mặt hàng rau, củ, quả nông sản của bà con và khu vực gian hàng ăn với những chảo thắng cố khói bốc nghi ngút, lan tỏa hương vị.
Đời sống người dân ngày một phát triển nên việc đi chợ dường như đông hơn. Với người địa phương, họ xem đi chợ phiên vào ngày Chủ nhật giống như đi chơi hội. Bởi vậy chợ phiên Bắc Hà không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu tâm tình của các đôi trai gái. Hầu hết, người dân đi sớm bởi nhà cách xa chợ. Có khi đến mấy núi mấy đồi, đa phần là đi bộ hoặc xe máy; có khi phải đi từ ngày hôm trước hôm sau mới tới. Họ còn mang theo rất nhiều sản phẩm như hương nhang, hoa quả, ớt, tỏi, mật ong, rau, rượu, váy áo thổ cẩm... Hoặc dắt theo những con ngựa, trâu, lợn... cũng có người khệ nệ vác những bao ngô, khoai. Nhiều người đi tay không đến chợ, không mua gì và cũng chẳng có gì để bán. Họ đi để được sống trong đông vui sau cả tuần thầm lặng trong rừng núi.
Ngày hội của vùng cao
Trao đổi về văn hóa ở chợ Bắc Hà, ông Bùi Văn Vinh - Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Bắc Hà chia sẻ: Có thể nói rằng, không đâu có phong cách đi chợ giống như ở Bắc Hà này. Đồng bào ngoài đi chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa ra, họ còn coi đó như ngày hội, ngày nghỉ ngơi sau cả tuần vất vả. Ông Vinh lý giải: “Nói thật, bà con vùng cao khổ lắm. Nhà cửa xa xôi, toàn ở tít trong đồi, trong núi hoặc cheo leo trên những rẻo cao. Sống “khuất nẻo” như vậy, nên mỗi khi đi chợ là bà con được giao tiếp, trao đổi với bạn bè và xã hội. Các nhà báo cứ để ý mà xem. Hầu như gia đình nào cũng đi có đôi, với đủ bố, mẹ và các con đi chợ. Họ có gì bán nấy, không có cũng lên chợ. Có khi ăn bát phở gạo chan nước xương hay bát cháo lòng rồi chếnh choáng về trong men say…”
Cũng theo người lãnh đạo ngành văn hóa huyện, hiện nay, do xã hội phát triển nên các nét văn hóa dân tộc đang có xu thế dần bị mai một. Để không bị lãng quên, ngành văn hóa huyện đã tham mưu UBND huyện Bắc Hà xây dựng kế hoạch bảo tồn các nét văn hóa truyền thống. Tại chợ Bắc Hà, các cuộc thi hát giao duyên, dân ca dân vũ được tổ chức vào chợ đêm tối thứ Bảy. Đồng thời, các gian hàng tại chợ văn hóa Bắc Hà cũng được sắp xếp lại cho phù hợp với nét đặc trưng đặc thù của phiên chợ vùng cao…
Đúng như lời kể của Trưởng phòng văn hóa, khi chúng tôi vào chợ, cảm giác như đi lạc giữa những “bông hoa di động” của chị em phụ nữ vùng cao. Những người phụ nữ và các bé gái trong trang phục truyền thống rực rỡ với nụ cười tươi tắn đã điểm tô thêm nhiều sắc màu văn hóa cho phiên chợ Bắc Hà…
Ông Phạm Xuân Bình - Trưởng Ban quản lý chợ Bắc Hà cho biết, đồng bào miền núi coi mỗi phiên chợ như một ngày hội, ngày Tết. Sau một tuần làm việc vất vả, họ tự thưởng cho mình được xuống buổi chợ phiên. Có khi chẳng mua bán gì mà là để giao lưu, gặp gỡ. Họ mặc những bộ quần áo đẹp nhất, trình diễn những bài hát, điệu múa truyền thống giàu bản sắc văn hóa, thể hiện sự trân quý với bạn bè, du khách và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Do đó, nhắc đến chợ Bắc Hà chính là nhắc đến những tự hào hiếm có.
Bảo tàng văn hóa “sống”
Rời khu ngã ba đón lõng khách đi chợ, tôi tìm về chợ Bắc Hà. Chợ Bắc Hà có diện tích khoảng gần 2ha, mặt trời vừa ló dạng mà dưới chợ đã chật kín người. Vẻ đẹp của chợ phiên Bắc Hà chính là trang phục váy áo của chị em phụ nữ người H'mông đủ sắc màu, đẹp nhất vẫn là váy áo thêu của người H'mông Hoa. Váy xòe rộng như đuôi con công nổi bật với hai màu chủ đạo xanh, đỏ. Mỗi cô gái xinh đẹp như bông hoa, đi lại náo nức cả phiên chợ. Chợ phiên Bắc Hà với nhiều khu, gian tùy vào đặc trưng riêng về sản phẩm hàng hóa.
Vì chợ chỉ được họp vào một ngày duy nhất trong tuần nên hầu hết khách du lịch và người dân bản địa sẽ dành thêm thời gian cho mình để đi chơi chợ. Điều đặc biệt thổi hồn vào phiên chợ nơi này đó là phong tục tập quán của đồng bào dân tộc sống tại nơi đây. Đã đặt chân đến chợ phiên, du khách khó có thể bỏ qua những món ăn mang đậm đà bản sắc dân tộc như “thắng cố”, “phở chua Bắc Hà”, “bánh đúc ngô”, “bánh dầy” và “bánh chưng đen”… đây đều là những đặc sản nổi tiếng của cao nguyên Bắc Hà.
Các chảo thắng cố, hay những hàng phở bốc khói nghi ngút nằm ở các dãy chợ là đặc điểm thu hút du khách khi đến với phiên chợ văn hóa vùng cao này, nhất là vào tiết trời mùa đông tháng 10 cho đến tháng 12 lạnh giá, cùng nhau gặp gỡ, giao lưu và cùng nhâm nhi chén rượu ngô bên chảo thắng cố, trong lòng thật ấm áp.
Dẫu đã có dịp đi nhiều chợ vùng cao, nhưng có lẽ, không có khu chợ nào đậm đà bản sắc bằng chợ Bắc Hà. Người Bắc Hà yêu và tự hào về các phiên chợ truyền thống không khác gì ngày Tết cổ truyền dân tộc. Họ đưa xuống chợ những thứ tinh hoa nhất của Bắc Hà để trao đổi, bán mua.
Rời Bắc Hà yêu thương, tôi về trong nhung nhớ buổi chợ phiên với những cô nàng váy áo sặc sỡ sắc màu. Trong ngày xuân ấm áp, lòng thầm hẹn sẽ trở lại Bắc Hà vào phiên sau, để thấm đẫm tâm hồn trong những gam màu cổ tích đa sắc tộc và say say trong men nồng tình người Tây Bắc…