Ngày xuân đọc Thơ xuân
của các quân vương xưa
(TN&MT) - Qua Tết là xuân, xuân của thiên nhiên, đất trời, xuân của lòng người. Hết mưa phùn là mưa xuân, mưa bụi, cây xanh, trời biếc, nắng nhẹ, người ta như trẻ ra, trông ai cũng dễ thương, dễ mến.
Nhà thơ thường có lệ khai bút đầu năm từ ngày Nguyên đán rồi cứ thế thi hứng dạt dào vào những ngày xuân ấm áp. Nhưng ở bài viết ngắn này, tôi muốn ghi lại những cảm nhận của mình khi đọc thơ xuân của các quân vương xưa.
Trần Nhân Tông (1258 - 1308) con trưởng Trần Thánh Tông (1240 - 1290). Sau hai lần lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ II và thứ III (1285, 1288), nhà vua từ giã ngôi vua, từ giã Thăng Long, lên Yên Tử tu Phật, sáng lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử mà ông là tổ thứ nhất. Ông viết nhiều tác phẩm Phật học và nhiều áng thơ suốt cả cuộc đời mình. Điển hình như “Xuân nhật yết Chiêu Lăng”:
Tì hổ thiên môn túc
Y quan thất phẩm thông
Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong
Dịch nghĩa: Ngày xuân thăm Chiêu Lăng
Thị vệ oai nghiêm như hùm beo canh cửa
Áo mũ chỉnh tề các quan đủ bảy hạng
Quân sĩ đầu bạc vẫn còn đó
Thường kể lại chuyện đời Nguyên Phong
Thăm lăng viếng mộ là một tục đẹp, có ý nghĩa. Điều này luôn hướng con người về với Tổ tiên, con người sẽ không bao giờ mất gốc. Bài thơ trên viết về Chiêu Lăng tức là lăng vua Trần Thái Tông (1219 - 1277), vua đầu đời Trần, người có công lớn lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ I (1258) thắng lợi.
“Ngày xuân thăm Chiêu Lăng” viết khi đất nước đã sạch bóng quân thù, xã hội thanh bình, nhân dân yên vui. Bài tứ tuyệt ngắn gọn, cô đọng hàm chứa nhiều thông báo. Hai câu đầu là không gian oai nghiêm, chỉnh tề: thị vệ canh giữ lăng, các quan chức đủ bảy hạng (có thể được tạc bằng đá) chầu hầu ở lăng, cũng đủ hiện rõ cái oai phong của một triều đình thịnh trị. Hồn cốt bài thơ, đỉnh cao của bài thơ là ở câu 3 và câu 4: Hình tượng người lính già đầu bạc kiêu hãnh, tự hào kể chuyện chiến công hiển hách đánh bại quân Nguyên Mông lần thứ I:
Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong
(Nguyên Phong là niên hiệu vua Trần Thái Tông)
Một buổi sáng mùa xuân, Trần Nhân Tông lại có một cảm hứng thẩm mỹ rất nghệ sĩ trong “Xuân hiểu”:
Thụy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi
Dịch nghĩa: Buổi sáng mùa xuân
Ngủ dậy mở cửa sổ ra xem
Không biết xuân đã về rồi
Một đôi bướm bướm trắng
Vỗ cánh bay sấn tới cành hoa
Mùa xuân thật êm đềm, con người thật thư thái lạc quan. Một đôi bướm trắng bay lượn bên hoa - cảnh vật thân gần như ở bất cứ làng quê nào. Từ khung cảnh mùa xuân mà nói lên được tình yêu cuộc sống. Cảm xúc quân vương nơi lầu son gác tía mà chẳng khác gì cảm xúc rung động của những tâm hồn nơi thôn mạc.
Đến triều Lê, mùa xuân thường diễn ra Lễ Du Xuân - lễ nhà vua ngự du lúc xuân sang, có các quan văn quan võ đi theo. Vua mặc áo hoàng bào cưỡi ngựa đi trước, các quan, lính tráng mang cờ quạt khí giới theo sau. Bộ Lễ sẽ chọn hướng để nhà vua xuất hành mong cho đất nước thái bình khang thịnh.
Nhưng thơ du xuân của Lê Thánh Tông (1442 - 1497) - nhà vua thi sĩ, nhà văn hóa, lại không viết về nghi thức Lễ Du Xuân. Thơ ông thường viết khi về bái yết lăng miếu tổ tiên hoặc những nơi nhà vua du xuân. Mỗi bài thơ đều có lời dẫn, như “Đề Hồ Công động”:
Động ở xã Thiên Vực, huyện Vĩnh Phúc, tương truyền ở đây có di tích của người tiên Phí Trường Phòng. Ngày Nhâm Ngọ tháng Giêng năm Hồng Đức thứ 4 (1473), ta khởi hành từ Lam Kinh, dừng thuyền bên bờ sông Lễ, khi ấy gió nhẹ ấm áp, nắng dịu phong quang, ta bèn hứng khởi trèo lên chơi thăm động Hồ Công. Vịn mỏm đá trắng, tựa bóng cây xanh, lên cao nhìn xa thấy trời biển bao la bát ngát. Thế là bỗng dưng quên hết mọi điều rối ren của cuộc đời trần tục, bèn ngẫu hứng làm một bài cận thể, khắc vào đá để lưu truyền mãi mãi.
Dịch nghĩa: Đề ở động Hồ Công
Thần gọt quỹ đẽo tạo nên dãy núi muôn trùng
Thành nơi cửa cao nhà rộng giữa vũ trụ bao la
Công danh trên đời đều là mộng cả
Ngày tháng trong bầu nhàn nhã vô cùng
Châu đen rơi xuống như rồng biến hóa ở đất Hoa Dương
Ngọc trắng lạnh lẽo tựa suối chảy từ cõi trời Bích Lạc
Ta muốn cưỡi gió lên đỉnh cao chót vót
Để ngắm hết biển mây ở giữa bầu trời bao la
Đây là cảm tác trước vẻ đẹp thiên nhiên rộng rãi thoáng đãng, cũng là vẻ đẹp của một tâm hồn đại giác, nhìn khắp vũ trụ bao la, muốn chiếm lĩnh và làm chủ tất cả, cũng là vẻ đẹp trong suy nghĩ trách nhiệm của một người đứng đầu triều đình, một quốc gia mà trong thơ ông đã tự hào “xóm làng giàu đẹp, vạn chài sầm uất, chợ búa đông vui”.
Triều Lê có lệ, hằng năm, các vua về quê cũ Lam Sơn bái yết Sơn Lăng, làm lễ thăm viếng lăng mộ cúng tế tổ tiên ông bà cha mẹ tại nguyên miếu Lam Kinh. Mùa xuân năm 1477, Lê Thánh Tông về bái yết Sơn Lăng. Trên đường trở lại Thăng Long, ông đã viết bài thơ “Đề Long Quang động” cùng lời dẫn:
Ta bái yết Sơn Lăng trên đường về vời vợi, lúc đó núi sông mặt trời soi ấm áp, trên đường hành trình xa xôi, lại vừa đi qua động núi, bèn rời thuyền lên bờ, leo lên núi cao, gió sương ướt áo, chim chóc hót bên tai, khiến tứ thơ lai láng dạt dào như suối tuôn gió thổi liền thành bốn vần để khắc vào đá lưu truyền mãi mãi.
Dịch nghĩa: Đề ở động Long Quang
Giữa sườn non xanh có nơi cảnh đẹp đáng dừng chân ngắm
Lên cao nhìn xa càng thấy vũ trụ bao la
Cứ ngỡ là cảnh cáo thành lên làm lễ phong thiện ở núi Ngọc Kiểm
Phải chăng như cảnh lạc đường vào cõi Thiên Thai
Mây nhàn đầy mặt đất không ai quét dọn
Động rỗng vượt tầng không chắn lấy mặt trời
Cảnh đẹp kéo suốt tận ngoài bìa rừng chân suối
Thỉnh thoảng lại mời xe lọng vàng kiệu thúy hoa lui tới viếng thăm
(Bản dịch nghĩa 2 bài thơ của Lê Thánh Tông đều rút từ sách Thơ văn Lê Thánh Tông. Viện nghiên cứu Hán Nôm NXB Khoa học Xã hội H.1986)
Vẫn là một cảm hứng thoáng đãng trước cảnh đẹp thiên nhiên. Sau khi hoàn tất công việc hiếu kính tiền nhân, thuyền rồng xuôi theo dòng Lương giang (sông Chu) ra sông Mã. Trên hành trình trở lại kinh đô, thuyền ngự dừng chèo bên núi Hàm Rồng. Nhà vua rời thuyền lên bờ, lên núi cao “thấy vũ trụ bao la”. Cảnh đẹp động Long Quang như cõi tiên. Mây đầy mặt đất, động cao che ánh nắng trời. Cảnh đẹp mênh mang suốt cả rừng suối.
Bài thơ là một bức tranh toàn cảnh bao la của trời đất. Con người đối diện với thiên nhiên trong một tâm thế an nhàn thư thái, đất nước thanh bình.
Thơ xuân của các bậc quân vương là thơ ngâm vịnh. Thiên nhiên và con người làm chủ đất nước, ung dung chủ động khẳng định cái thời hiện hữu là thời yên vui thịnh trị. Lời thơ súc tích tề chỉnh, nhiều điển tích, trọng ý hơn tình, đời sau muốn hiểu phải tra cứu rất công phu...
Thơ xuân nay phong phú, tình cảm dạt dào, lời lời màu sắc. Mới đọc đã thấm đã mê. Con người như được sống, được chan hòa với cảnh vật thiên nhiên mùa xuân, với nắng vàng, trời xanh, với lễ hội rộn ràng tình tứ... Nhà thơ Nguyễn Bính dành những vần thơ đồng nội vui mừng khi “Xuân về”:
Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay bướm lượn vòng
Trên đường cát mịn một đôi cô
Áo đỏ khăn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô
Đoàn Văn Cừ khoan khoái gặp “Nắng xuân” như gặp cảnh tiên:
Ngày vừa rạng: vàng son lồng mặt nước
Trời thêu mây núi tím nắng phun hường
Cây xanh rờn sương đọng ngọc kim cương
Dòng nước lượn trong như dòng ngọc chảy
Anh Thơ hồn nhiên hòa vào không khí thanh bình dân giã với vẻ đẹp lao động nhẹ nhàng của “Chiều xuân”:
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào quên cỏ ruộng sắp ra hoa
Thơ xuân của thần dân nay thật khác với thơ xuân của các bậc quân vương xưa. Một đằng thì tách mình với thiên nhiên để nhìn ngắm (ngự lãm) để nói cái chí, cái nỗi niềm với vũ trụ bao la. Một đằng hòa mình vào thiên nhiên non xanh, sống động của môi trường an lành để chan hòa vui sống. Và dù thơ xưa hay thơ nay thì mùa xuân vẫn hiện lên trong thơ tuyệt đẹp.