Xã hội

Núi không còn
“ngủ trong rừng”

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy 10/02/2024 - 20:50

(TN&MT) - Núi Việt đã không còn ngủ trong rừng. Đó là điều dễ nhận thấy trong vài năm gần đây khi việc khám phá chúng trở thành làn sóng trong giới trẻ yêu thiên nhiên, ưa trải nghiệm.

z5146158763752_f00883fdc0df69f7db118e497b8a9bb7.jpg
z5146158763751_a5f3268127f79f4b522d28c6a090c1ae.jpg

Núi rừng Việt đã được đánh thức, hứa hẹn những tiềm năng lớn; cùng với đó, những vẻ đẹp đa dạng vốn trước đây còn tiềm ẩn khuất lấp cũng hiển lộ. Những “nàng công chúa” đã không còn ngủ trong rừng mà bừng thức với sức quyến rũ mê hoặc.

Những ngọn núi rủ nhau thức dậy

Khởi động cho quá trình này phải kể đến công đầu của dân phượt. Từ những nhóm hội kết nối trên cùng đam mê chinh phục độ cao, khám phá những cung đường hiểm trở hùng vĩ với những vẻ đẹp lôi cuốn, họ là những người đặt dấu chân đầu tiên trên các ngọn núi nổi tiếng khắp đất nước, đặc biệt là vùng Tây Bắc. Rất nhiều những hội nhóm như thế có thể gặp trên Internet thuộc các nền tảng khác nhau, từ Phượt luôn đến Những người thích đi du lịch, Hội đam mê leo núi & cắm trại & du lịch trải nghiệm là những hội nhóm bao gồm nhiều chủ đề, trong đó có chủ đề leo núi, đến những hội nhóm chuyên về leo núi như Hội đam mê leo núi, Trekking Việt Nam, Nghiện leo núi, Thích trekking… Tất cả đều có số lượng thành viên từ vài nghìn đến cả trăm nghìn người.

Đáp ứng nhu cầu này, hàng loạt công ty du lịch lữ hành hàng đầu đều có tour leo núi chinh phục các đỉnh cao nổi tiếng với nhiều tiện ích đi kèm, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách, kể cả về khung thời gian, ngày cuối tuần, dịp lễ dài ngày, thậm chí cả dịp Tết. Trào lưu trekking diễn ra trên cả nước, từ Bắc vào Nam, trên các đỉnh núi được xếp hạng độ cao hay là lựa chọn tốt nhất trong khu vực dọc đất nước.

z5146158755005_f49625249ceb459d2c90b1140e38cd23.jpg

Vào mùa leo núi, các đỉnh núi vùng Tây Bắc luôn nhộp nhịp, người lên kẻ xuống đông như trảy hội. Từ khi cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi vào hoạt động, nhất là những đường tiếp nối đến Sa Pa, Lai Châu được làm mới, nâng cấp tăng tính kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển đã tạo thuận lợi rất nhiều cho những chuyến đi. Chỉ trong khoảng nghỉ cuối tuần, từ chiều tối thứ 6 đến hết đêm chủ nhật, cũng đủ để các phượt thủ hoàn thành một cung leo nhiều trải nghiệm. Chính sự thuận lợi này là một yếu tố quan trọng kích cầu dịch vụ trekking nở rộ trong bộ phận những người đi làm eo hẹp về thời gian.

Bản thân tôi đã từng có một chuyến đi như thế trong chuyến chinh phục đỉnh Putaleng tại Tam Đường, Lai Châu cuối năm 2023. 9 giờ tối thứ 6, tôi vẫn còn ngồi ăn nộm bò khô ở Bờ Hồ, 10 giờ lên xe, ngủ một giấc, 4 giờ sáng tôi đã có mặt tại gia đình một người Dao nằm ở ven đường xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường. Ngủ nốt phần đêm còn lại, đến 7 giờ sáng, porter đi chợ mua đồ về thì tôi dậy cùng ăn sáng và chuẩn bị bắt đầu cung leo chinh phục đỉnh Putaleng độ cao 3.049 mét. Chuyến đi này của tôi cũng hết sức ngẫu hứng, sau vài câu inbox với một porter được giới thiệu từ trước, có trong danh sách bạn facebook, thế rồi chốt lịch và lên đường trong một… nốt nhạc. Leo từ sáng đến tầm hai rưỡi chiều tính cả thời gian nghỉ ăn trưa dọc đường, chúng tôi có mặt tại lán nghỉ. Bỏ bớt đồ lại lán, nghỉ chừng 30 phút chúng tôi tiếp tục lên đỉnh Putaleng ngắm cảnh mặt trời lặn và sau đó trở về lán khi trời vừa tối. Nghỉ lại lán đến sáng hôm sau, chúng tôi xuống núi theo hướng xã Tả Lèng. Tầm ba giờ chiều về đến Tả Lèng, tôi vẫn còn kịp ngắm ruộng bậc thang đang vào mùa gặt và xem giải đua ngựa Tam Đường mở rộng diễn ra tại đây sau đó mới về Thành phố Lai Châu nghỉ ngơi ăn tối. Tôi hoàn toàn có thể lên xe giường nằm về Hà Nội khép lại chuyến đi trọn vẹn trong 3 đêm 2 ngày đúng khung thời gian nghỉ cuối tuần, nhưng dịp đó đang nghỉ lễ Quốc khánh, tôi còn dư một ngày nữa nên lưu lại thư thả khám phá nốt Thành phố Lai Châu ở cự li rất gần, chỉ cách Tam Đường 4km, lên động Pu Sam Cáp trên tuyến đường đi Sìn Hồ, chinh phục đèo Can Tỷ rồi mới về. Từ ví dụ của bản thân suy ra, để đi đến các ngọn núi thuộc hai tỉnh xa hơn trên tuyến Tây bắc là Lai Châu và Lào Cai vẫn khả thi như vậy thì với những cung leo gần hơn, ở Yên Bái, Sơn La việc đi lại còn dễ dàng hơn nhiều.

Việc nở rộ các chuyến đi với sự chia sẻ lớn về hình ảnh trên các diễn đàn, mạng xã hội và cả báo chí đã khiến hàng loạt các đỉnh núi được đánh thức. Các trang mạng đua nhau bình chọn, xếp loại, gọi tên các ngọn núi về độ cao và cảnh quan, đối sánh những khác biệt, những điểm độc đáo để dân tình lựa chọn chinh phục. Những đỉnh núi hàng đầu lần lượt được gọi tên trong những năm gần đây như Kỳ Quan San, Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San, Tà Chì Nhù, Khang Su Văn, Putaleng, Lùng Cúng…

z5146158762915_8a140b82d068cab5957348021c3ddc22.jpg

Và khi leo núi với hoạt động nhỏ lẻ trở thành hoạt động đại chúng thì những người tiên phong tiếp tục mở lối mới cho mình. List danh sách top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam được mở rộng theo cách của họ, cũng cung leo ấy nhưng các ngọn núi phụ có cảnh đẹp đã được tìm kiếm và chinh phục, các nhánh phụ được mở ra để thêm những hướng tiếp cận. Ngoài những đỉnh núi cả nước biết tên biết tuổi như đã liệt kê, đã có nhiều đỉnh khác được nối dài trong danh sách mới như Ngũ Chỉ Sơn, Chu Va, U Bò, Sa Mu, Răng Cưa, Pờ Ma Lung, Can Chua Thìa Sảng, Chung Nhía Vũ, Pha Luông… như những mời gọi tươi mới với dân nghiện núi.

Cho đến giờ, khái niệm trekking đã không còn xa lạ với người Việt. Những dịp lễ tết vào mùa leo núi (thường từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) các đỉnh núi top đầu nườm nượp người leo, đoàn nọ nối đoàn kia như lễ hội. Vào những đợt cao điểm, vài trăm du khách đổ về một đỉnh núi là hình ảnh đã không còn xa lạ. Núi rừng Việt Nam đã thực sự được đánh thức.

Tiềm năng từ du lịch khám phá, trải nghiệm

Xu thế tìm kiếm những điểm check in mới, về với thiên nhiên hoang sơ nở rộ những năm gần đây, kéo theo hàng loạt dịch vụ đi kèm, từ vận tải, lưu trú đến ăn uống, giải trí... Một dịch vụ gắn liền với việc leo núi đó là porter, tức là những người đóng vai trò dẫn đường, vận chuyển hành lí đồ dùng cần thiết trong hành trình và cũng là người phục vụ cho các thành viên đoàn leo núi từ A tới Z. Lực lượng này chủ yếu là người bản địa, tương đối thông thạo địa hình và đường đi. Một số có kinh nghiệm và uy tín khá tốt trong cộng đồng leo núi.

Trong dàn porter các cung leo Tà Chì Nhù, Lùng Cúng, Tà Xùa ở Yên Bái, không thể không nhắc đến cái tên Vua ăn mày và Cu Porter. Có thể nói đây là hai porter cự phách có thâm niên dẫn khách lên các đỉnh núi của Yên Bái dành được nhiều thiện cảm và có sự lan tỏa cao. Điểm nổi bật của hai porter này là bắt trend rất nhanh và dẫn đầu xu hướng sống ảo cũng như thỏa mãn nhu cầu sống ảo của dân trekking. Đầu tư những bộ flycam hàng vài chục triệu đồng, thuộc thung thổ, thời tiết và những góc đẹp nhất, cùng với kĩ năng quay dựng khá chuyên nghiệp, họ liên tục gây hot mạng xã hội với những clip không thể lí tưởng hơn về cảnh sắc núi rừng, từ mùa hoa Chi pâu tím ngát sườn núi đến biển mây bồng bềnh hay những tràn ruộng bậc thang vàng mơ màng khiến dân mạng sốt sình sịch. Vượt lên quan niệm quen thuộc về các porter, họ đã trở thành những người truyền cảm hứng khám phá cũng như đem lại cho khách những trải nghiệm tuyệt vời.

z5146158762800_c133b6aa417017b13614e1a60f898be4.jpg

Dân leo núi mạn Lai Châu thì khó có thể bỏ qua cái tên Giàng A Páo và Lù Giao. Không nổi bật ở khía cạnh phục vụ nhu cầu sống ảo như Cu Porter và Vua ăn mày nhưng hai anh chàng này được đánh giá cao bởi thông thuộc kĩ năng trong rừng, đem lại những thú vị cho những người ưa khám phá rừng núi, tìm hiểu động thực vật trên núi cao, cùng với đó là thái độ phục vụ tận tụy. Những porter xuất sắc thường vươn lên đóng vai trò thủ lĩnh thâu nạp thêm những anh em bản địa khác hình thành các team để dễ bề chia sẻ công việc.

Lượng người lên núi tăng cao khiến cho đội ngũ phục vụ làm không hết việc, nhiều thanh niên người Mông, người Dao đã được sung vào đội ngũ porter với việc làm thời vụ gần kín năm, tạo ra một công việc tương đối ổn định ngay trên quê hương mình. Tiền công cho mỗi porter hiện nay nằm ở mức 500.000 đồng mỗi ngày, ngoài ra các dịch vụ phục vụ đi kèm khác như ăn uống, ghi hình theo thỏa thuận giữa du khách và porter.

Nhiều dịch vụ khác cũng hình thành từ hoạt động leo núi như lán nghỉ trên núi, các điểm nghỉ chân, các homestay, đội ngũ xe ôm tăng bo dân phượt, các dịch vụ ăn nghỉ, chăn đắp, bếp và đồ dùng, sản vật địa phương... góp phần kích cầu hoạt động kinh doanh.

Lên núi sống xanh

Một điều đáng nghi nhận là đa số cộng đồng leo núi đều có ý thức bảo vệ môi trường khá tốt. Trên các diễn đàn, rất nhiều thành viên có trách nhiệm nêu ra những bất cập diễn ra trong quá trình leo núi, kêu gọi các thành viên tham gia bảo vệ rừng, giữ an toàn cho bản thân trong quá trình leo núi và giữ vệ sinh môi trường. Rất nhiều đoàn có tổ chức hay đoàn lẻ tự túc đều bảo nhau thu gom rác mang xuống núi. Không khó để bắt gặp hình ảnh những người trẻ leo núi, trên hành trình xuống núi tranh thủ cặm cụi thu gom những vỏ chai nước, bao ni lông vào túi để mang xuống cùng, giữ cho núi rừng vẻ nguyên sơ vốn có. Họ cũng bảo nhau không lấy củi đốt và đồ ăn từ rừng.

Tại các cơ sở lưu trú phục vụ loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, các chủ cơ sở cũng được định hướng, tư vấn để đi theo hướng phát triển bền vững. Không khó để bắt gặp các thông điệp môi trường ở nơi dừng nghỉ hay dọc các lối lên xuống núi. “Không mang gì về ngoài những tấm ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân” là câu khẩu hiệu quen thuộc nhắc nhở du khách về tâm thế đến với những ngọn núi. Gần đây, một thành viên của Hội đam mê leo núi đã lên tiếng về việc một số cá nhân ngắt hoa trên núi làm đạo cụ sống ảo làm ảnh hưởng đến cảnh quan của núi và tạo tiền lệ không tốt nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.

z5146158755003_f611b8192c5b174499e669dc4b12ade6.jpg

Nhận xét về thái độ sống xanh của các thành viên đam mê leo núi, chị Nguyễn Thị Thủy - một thành viên cao tuổi của Hội đam mê leo núi đánh giá cao ý thức của các porter trong việc giữ gìn môi trường, tự giác dọn dẹp, thu gom rác cũng như nhắc nhở du khách chung tay giữ gìn cảnh quan núi rừng. “Mình đi Lai Châu thấy các bạn porter rất chuyên nghiệp, khi xuống núi các bạn ấy cử một porter ở lại dọn hết rác ở lán xong mới đi sau. Đặc biệt, mùa hoa, các bạn ấy cũng thường nhắc nhở khách trong đoàn đứng cạnh chụp hình chứ đừng bẻ cành”, chị Thủy cho biết.

Những tiếng nói kịp thời như vậy đã góp phần điều chỉnh hành vi, xác lập những tiêu chí chung của cộng đồng trekking theo hướng văn minh, tiến bộ. Hay như ý kiến về việc không nên ỷ lại vào porter, chủ động mang đồ và hỗ trợ họ để có một hành trình trọn vẹn cũng thể hiện tính nhân văn, tương hỗ qua lại giữa người phục vụ và người sử dụng dịch vụ trong quá trình leo núi.

Nhờ cộng đồng leo núi, núi rừng Việt Nam đã đến gần hơn với công chúng, hàng loạt các bức ảnh, các clip lột tả vẻ đẹp của núi rừng trong 4 mùa với những đặc trưng riêng về thiên nhiên, hệ động thực vật và cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng, trữ tình đã được chia sẻ, lan tỏa góp phần khẳng định vẻ đẹp của non sông gấm vóc, tạo động lực và truyền cảm hứng cho những bước chân lên đường. Hi vọng những sự vận động này sẽ mang lại những ý nghĩa tích cực, để những giá trị của núi được cộng hưởng không chỉ trong biên giới hình chữ S mà còn lan tỏa ra thế giới những vẻ đẹp nhân văn về đất nước và con người Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy