Xã hội

Về nghe dòng Thương kể chuyện

Bút ký của Nhà văn Trương Thị Thương Huyền 10/02/2024 - 12:21

(TN&MT) - Ấy là tôi lại cứ hình dung thế khi lững thững dọc những con sông với khao khát tìm xem nó bắt đầu từ đâu, ôm ấp gì trong lòng mà cứ miệt mài trôi đủ để tưởng tượng ra câu chuyện giữa tôi và sông đang thầm thĩ quanh mình.

Hay vô vàn những điều sông đang lặng lẽ chở trong lòng, lắng qua bao trầm tích để mỗi hạt phù sa lại có một câu chuyện miên man về sự tồn tại của nó. Một trong những dòng chảy đó là sông Thương.

Sông Thương thật thương

Tôi vẫn thích gọi đoạn sông chảy qua trước cửa Đền Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương là sông Thương, dù rất rất lâu rồi, nó được nhiều người gọi là sông Lục Đầu. Thực chất, nó là một nhánh của Lục Đầu Giang, nghĩa là nó cần độc hành thêm chừng 12km nữa mới chính thức hòa giọng với 4 dòng chảy khác để làm nên một Lục Đầu Giang cuồn cuộn. “Thương” - Cái tên nhẹ mà bay, hiền mà day dứt chảy suốt dọc dài Trần triều thế sao nỡ bỏ qua nhỉ. Và thế là trong lòng tôi cũng như rất nhiều người dân sống đôi bờ các bến bãi nó chảy qua đều chung ý nghĩ: “sông Thương vẫn thật thương”.

Miệt mài lập dòng, chắt nước từ những khe suối nhỏ trong ruột đá nơi dãy Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, đủ nước thành Thương giang, con sông có cái tên đủ niềm thương nỗi nhớ ấy cứ trầm tĩnh trôi suốt chiều dài 157km, tạo nên lưu vực có diện tích trên 6660km2 tính từ máng trũng Mai Sao huyện Chi Lăng, uốn mình qua địa phận Bắc Giang làm nên một Phủ Lạng Thương huyền thoại, gặp sông Lục Nam tại Phả Lại rồi hợp lưu vào sông Cầu tại Lục Đầu Giang tạo thành hệ thống sông Thái Bình mênh mông. Tấm bản đồ dòng chảy ấy của sông Thương đủ để thấy, đoạn cuối của nó nằm trọn vẹn trên đất Hải Dương khi nó bén duyên vào địa phận phường Hưng Đạo - điểm sông Thương nhận nước từ sông Lục Nam ở ngã ba Nhãn - địa phận giáp ranh giữa Đức Giang, Trí Yên và Hưng Đạo - sau đó xuôi về phía Nam khoảng 8km thì hợp lưu với sông Cầu tại ngã ba Lác - điểm giáp ranh giữa Đồng Phúc, Đức Long và Phả Lại của Lục Đầu Giang để tạo thành sông Thái Bình. Cái khúc sông không quá dài, từ điểm đầu vào tới điểm kết thúc chỉ chừng 12km nhưng đủ làm nên dấu ấn của một dòng sông, dấu ấn mà ở đó có biết bao trầm tích hợp tan, còn mất của những vương triều với vô vàn thân phận.

le-hoi-con-son-kiep-bac.jpg
Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc

Nắng chiều đông mỏng lắm. Mỏng tang như vệt sương phía bên bờ tả sông Thương đối diện phía tôi kia. Chầm chậm bước trên vệt phù sa nâu non bên bờ, đuổi xuôi lại ngược theo vệt nắng trôi trên mặt sông để ngược về những tháng năm xa lắc mà nhớ lại sự chuyển dòng biến thiên của tên gọi sông Thương. Đời nhà Trần, khúc sông này còn có tên gọi sông Sách. Sử sách còn ghi lại những chiến công vang dội của quân dân nhà Trần: “Sông Sách là một đoạn của sông Thương chảy qua Vạn Kiếp”. Trận chiến sông Sách quân dân nhà Trần đánh thắng quân thù còn được tạc bia, dựng phù điêu ở Đền thờ Đức Thánh Trần, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh ngày nay. Sang triều nhà Nguyễn quen gọi sông Lục Đầu; còn người dân lại gọi nó bằng cái tên dân dã sông Bình Than gắn với sự kiện Hội nghị Diên Hồng trên bến Bình Than thuở trước. Dù được gọi với cái tên nào đi nữa thì chỉ hơn chục km chiều dài ấy của sông Thương vẫn luôn gắn với nhiều huyền tích lịch sử không chỉ của một vương triều.

Sông Thương vẫn thương bởi câu chuyện gắn với tên nó luôn sống với truyền thuyết, trong huyết quản của người dân đôi bờ. Đó là câu chuyện của thời phong kiến khi quan, quân lên trấn ải biên thùy Lạng Sơn thì gia quyến của họ được phép tiễn đưa. Đến con sông này, người đi xa, kẻ ở lại chia tay nhau với bao nước mắt. Cảnh thật thương cảm nên từ đó, sông được gọi Sông Thương.

Sông Thương vẫn thương khi tên tuổi nó đi vào ca dao ngọt lịm: “Sông Thương nước chảy đôi dòng/Bên trong bên đục em trông bên nào”. Sự thật của “bên trong bên đục” ấy trong dòng chảy nước sông Thương ngoài đời thực bởi: trên con đường ra biển của nó có sự nhập dòng của những con ngòi nhỏ. Và chính dòng nước Ngòi Sim bắt nguồn từ Thái Nguyên chảy qua các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên đến Đa Mai thì đổ vào dòng Thương. Từ điểm hợp lưu này, nước sông Thương vốn trong xanh nay có dòng nước đục của Ngòi Sim thành ra sông có hai dòng chảy song song, một bên trong, một bên đục vấn víu là thế.

Sông Thương kể chuyện xưa

Riêng chuyện của dòng Thương gắn với mảnh đất và con người Hải Dương thì nhiều lắm, bởi chỉ với 12km ấy nhưng dòng Thương lại chảy qua trước cửa Đền Kiếp Bạc, nơi Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lập phủ đệ, xây dựng phòng tuyến để 3 lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ XIII, nơi đã diễn ra trận Vạn Kiếp năm 1285 nổi danh trong lịch sử, là Thái ấp của Đức Thánh Trần để rồi xuôi dòng nhập vào cửa Lục Đầu mang theo chứng tích cả một giai đoạn vĩ đại của lịch sử Việt Nam dưới triều nhà Trần cùng hào khí Đông A hừng hực.

Một trong những “nhân chứng” trong lòng dòng Thương còn tồn tại cho tới ngày nay mặc sự lở bồi của nương dâu bãi biển, của dòng chảy lớn ròng là Cồn Kiếm - doi cát dài chừng 200m có hình thanh kiếm nổi giữa dòng sông. Cùng với các di tích khác của cụm di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (phường Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), Cồn Kiếm là di tích lịch sử thời Trần được công nhận di tích đặc biệt cấp quốc gia. Tương truyền đây là nơi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sau khi đánh bại quân Nguyên Mông lần thứ 3 đã thả thanh kiếm chiến xuống sông cùng lòng mong mỏi giúp dân trị thủy, ngăn chặn thủy quái quấy nhiễu dân lành, không cho dâng nước gây lụt lội làm hại con người.

Trên một chiếc xà lan nhỏ, chúng tôi ngược sông Thương. Chuyện truyền tụng trong dân gian về di tích Cồn Kiếm trên dòng Thương nhiều vô kể, một trong những truyền thuyết đó gắn với chuyện Trần Hưng Đạo chém giặc Phạm Nhan. Theo các cụ cao niên vùng Kiếp Bạc bây giờ thì Phạm Nhan vốn người phương Bắc có tài làm thuốc. Hắn được nhà Nguyên tuyển vào cung, nhưng thông dâm với một cung nữ được vua Nguyên sủng ái nên bị khép án “trảm giam hậu” (giam rồi chém đầu sau). Đúng lúc đó, vua Nguyên khởi binh đánh Đại Việt lần thứ 3, năm 1287, hắn xin cho lấy công chuộc tội vì hắn khoe khoang rất thông thuộc “sào huyệt” của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp.

Bên sông Thương ngày ấy, có bà hàng cơm người làng Vạn Yên (nay thuộc phường Hưng Đạo, TP. Chí Linh). Lần nọ, quán cơm của bà có một người vận đồ xanh, tướng mạo hung dữ vào uống rượu. Rượu say, hắn khoe có 5 phép thần thông, muốn trói được hắn chỉ có dùng chỉ ngũ sắc. Muốn chém hắn phải bôi vôi tôi trộn phân gà sáp với bồ hóng vào lưỡi kiếm nếu không chém rơi đầu này hắn mọc ra đầu khác. Bà hàng cơm dò xét biết hắn là Phạm Nhan nên đã dâng kế đó cho Hưng Đạo Vương. Hưng Đạo Vương sai Yết Kiêu đi đục thuyền, rồi dùng chỉ ngũ sắc bắt trói Phạm Nhan, sau đó sai quân lính dùng phân gà sáp, hòa với vôi và bồ hóng, bôi vào lưỡi kiếm thần của mình, chém được đầu hắn. Chém được Phạm Nhan, thế của quân dân nhà Trần mạnh như chẻ tre, khiến quân Nguyên phải rút chạy. Sau chiến thắng, vào một chiều dạo chơi trên sông Thương bằng thuyền, ngắm thanh gươm đã cùng mình chinh chiến từng nhuốm máu giặc Thát trong đó có Phạm Nhan, Hưng Đạo Vương ném thanh gươm xuống sông cho nước dòng Thương rửa sạch giùm. Nơi Hưng Đạo Vương ném kiếm xuống, cát bồi dần lên thành một cái doi trên sông, gọi là Cồn Kiếm.

Chuyện bà hàng cơm bên sông Thương, có phần giống với chuyện bà hàng nước bên sông Bạch Đằng, người đã báo cho Hưng Đạo Vương biết mực nước triều lên xuống để dựng trận địa cọc. Và di tích còn lại trước đây là ngôi nghè bà hàng cơm, mỗi chiều rộng dài chỉ chừng 2,5m nhưng có mái cao, hướng ra sông Thương. Trong nghè có một bệ thờ bằng đá và bát hương. Vì nghè nằm bên đường, không có cửa nên người đi đường thường vào đó trú mưa. Khoảng năm 1954 - 1955, nghè bị người dân phá lấy gạch. Tuy nhiên ở đây vẫn còn nền móng bằng gạch cổ.

Chuyện những truyền thuyết có còn lại di tích hay không không quan trọng bằng nó vẫn hàng ngày tồn tại trong lòng dân và trong cả những câu chuyện ngày ngày nương theo, được nước dòng Thương ấp ủ bởi truyền thuyết về Cồn Kiếm và những di tích gắn với triều đại nhà Trần bên bờ sông Thương trước đền Kiếp Bạc phong phú và giàu có như phù sa dưới dòng sông. Hơn 700 năm đã trôi qua, những chuyện ly kỳ, dị thường, đậm chất truyền thuyết do người dân địa phương kể lại, ngợi ca tài năng, công đức của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cũng như về dòng Thương chảy qua trước cửa Đền Kiếp Bạc và Cồn Kiếm luôn hiện hữu. Con sông gắn với nhân cách một vĩ nhân, gắn với ân đức của Ngài xứng với ý nghĩa của dòng chảy có tên chữ là Nhật Đức.

Và sông Thương với dòng xanh hiện tại

Bắt nguồn từ Lạng Sơn, chảy qua Bắc Giang, Bắc Ninh rồi vào Hải Dương, sông Thương đẹp, thơ mộng, gắn với nhiều giá trị di sản văn hóa và cũng là nguồn cung cấp nước chính cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn các tỉnh nó chảy qua trong đó có Hải Dương. Song để sông Thương thực sự đóng và giữ vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển những vùng đất nơi nó đi qua lại là vấn đề lớn cần được quan tâm và có những giải pháp cụ thể. Vốn là một dòng sông có lưu lượng dòng chảy nhỏ, độ dốc thấp, thời gian gần đây, sông Thương đã có hiện tượng bồi, lắng theo dòng khi thủy triều lên xuống khiến dòng chảy không ổn định. Muốn giữ được môi trường sinh thái và cảnh quan đôi bờ dòng Thương, rất cần có những chiến lược và sự hoạch định rõ ràng của các tỉnh dòng sông chảy qua, trong đó việc quy hoạch, kè hai bờ phục vụ cho việc tạo cảnh quan môi trường sinh thái đô thị hai bên bờ sông. Cần và rất cần sự tính toán khoa học dựa trên đặc tính về đặc tính dòng chảy, cho phù hợp để có giải pháp xây dựng các khu công viên sinh thái, cải tạo kè hai bờ sông cho phù hợp phải gắn điểm di tích ven sông, bến sông đặt trong một trái tim nhiều xúc cảm với những gì sông Thương đã, đang có.

Mỗi dòng sông đều có số phận riêng. Đời sông cũng như đời người, biết bao thăng trầm dâu bể, bao niềm thương nỗi nhớ. Nhật Đức xưa hay sông Thương giờ cũng ăm ắp trong mình buồn vui, bồi lở ấy. Và với tôi, mỗi lần đứng trước dòng Thương lại vang vọng những câu thơ ngập tràn hào khí của Trần Tuấn Khải: “Hơn bảy trăm năm trải mấy triều. Khí thiêng phảng phất núi non cao” và đủ để nhớ thương cồn cào khi ngân nga: “Mai đành xa sông Thương tóc dài/ Vạn Kiếp tình yêu xin gửi lại.../ Mai đành xa sông Thương thật thương/ Mắt nhớ một người, nước in một bóng/ Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/ Anh một mình náo động một mình anh” (Hoàng Nhuận Cầm).

Giờ, trước mặt tôi, sông Thương vẫn mềm mại chuyển dòng về phía biển!

Bút ký của Nhà văn Trương Thị Thương Huyền